Quản lý côn trùng chích hút hại sầu riêng bằng phương pháp sử dụng bẫy vàng của nông dân huyện Tân Biên

Thứ tư - 11/10/2023 21:53 1.980 0
Trong vài năm gần đây, giá sầu riêng dao động mức khá cao đã kích thích nhiều nông dân trên địa bàn huyện Tân Biên mở rộng, phát triển diện tích sản xuất. Tuy nhiên, cây sầu riêng thường bị nhiều đối tượng sâu bệnh tấn công, nhất là nhóm côn trùng chích hút như: bọ trĩ, rệp sáp, rầy xanh, rầy mềm, rầy phấn, nhện đỏ, ...

Sầu riêng là loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Trong vài năm gần đây, giá sầu riêng dao động mức khá cao đã kích thích nhiều nông dân trên địa bàn huyện Tân Biên mở rộng, phát triển diện tích sản xuất. Tuy nhiên, sầu riêng là một trong nhóm cây trồng thường bị nhiều đối tượng sâu bệnh tấn công, nhất là nhóm côn trùng chích hút như: bọ trĩ, rệp sáp, rầy xanh, rầy mềm, rầy phấn, nhện đỏ, ...

Trên cây sầu riêng, nhóm côn trùng chích hút thường phát sinh gây hại các bộ phận như: lá non, chồi non, bông và trái non. Trong đó, khi mới phát sinh gây hại, chúng sẽ làm lá, trái non mất màu; khi mật số cao có thể gây nên các hiện tượng: rụng lá, rụng bông, rụng trái non, chồi non bị khô gây ảnh hưởng đến sự phát triển, ra hoa, đậu quả của cây, từ đó gây sụt giảm năng suất cuối vụ. Bên cạnh đó, các vết thương do côn trùng chích hút gây ra còn tạo điều kiện thuận lợi cho các loại nấm và vi khuẩn xâm nhập gây bệnh cho cây.

          Côn trùng chích hút là nhóm đối tượng dễ kháng thuốc bảo vệ thực vật. Vì vậy, để quản lý và phòng trừ đạt hiệu quả, bà con nông dân cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

         - Vệ sinh vườn sau khi thu hoạch, thu gom tàn dư thực vật trong vườn mang đi tiêu hủy để hạn chế nơi trú ẩn của các loại côn trùng và nguồn bệnh hại cho vụ tiếp theo.

         - Thường xuyên thăm vườn, kiểm tra tình hình sâu bệnh thật kỹ nhằm phát hiện kịp thời để có biện pháp xử lý đạt hiệu quả tối ưu nhất.

- Chăm sóc cho cây sinh trưởng tốt, tỉa cành, tạo tán để tạo độ thông thoáng cho cây.

- Bón phân cân đối giữa đạm, lân, kali; tăng cường bón phân hữu cơ, phân chuồng đã ủ hoai mục để tăng khả năng chống chịu cho cây.

- Tưới nước đủ ẩm để hạn chế sự phát triển, sinh sản của nhóm côn trùng chích hút.

- Bảo vệ, phát triển các loài thiên địch trong vườn như: kiến vàng, ong, bọ rùa, bọ ngựa, bọ cánh gân, …

         - Sử dụng thuốc hóa học khi thật cần thiết và tuân thủ nghiêm nguyên tắc “4 đúng”; sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam theo danh mục hiện hành của Bộ Nông nghiệp và PTNT; ưu tiên chọn các loại thuốc đặc trị, phổ tác dụng hẹp, ít độc cho côn trùng có ích; luân phiên các nhóm thuốc để tránh hiện tượng kháng thuốc; bảo đảm thời gian cách ly, an toàn cho người tiêu dùng.

Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ trái cây của các thị trường trong và ngoài nước ngày càng lớn. Bên cạnh đó, các yêu cầu về an toàn thực phẩm, về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm cũng ngày càng được nâng cao và siết chặt hơn. Vì vậy, bà con nông dân cần phải quan tâm, chú trọng hơn trong việc quản lý các đối tượng gây hại, nhất là nhóm côn trùng chích hút theo hướng an toàn, bền vững và hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

12 1 bay vang tren sau rieng
Hình: Cây sầu riêng đang treo bẫy vàng
của anh Nguyễn Văn Thanh

Hiểu rõ tầm quan trọng trong việc này, anh Nguyễn Văn Thanh – nông dân sản xuất 12 ha sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn huyện Tân Biên cho biết: “Ngoài việc ứng dụng các biện pháp phòng được nêu trên, tôi còn sử dụng thêm bẫy vàng với mục đích phát hiện sớm, dự báo tình hình xuất hiện nhóm côn trùng chích hút trong vườn. Từ đó, tôi có thể kịp thời áp dụng các biện pháp phòng trừ thích hợp nhất, tối ưu nhất để có thể hạn chế tối đa ảnh hưởng của nhóm côn trùng chích hút gây ra, giúp tôi đảm bảo năng suất và chất lượng trái khi thu hoạch."

Bẫy vàng là loại bẫy côn trùng có 02 mặt màu vàng đặc trưng, có tác dụng thu hút côn trùng bay đến nhờ vào đặc tính thích màu vàng và có lớp keo dính đảm bảo côn trùng không thể thoát ra; keo không bị khô và không bị phân hủy do các yếu tố ngoài trời như nắng, mưa, ... Một số công ty sản xuất bẫy vàng còn bổ sung thêm chất dẫn dụ sinh học vào keo dính để tăng khả năng thu hút côn trùng của bẫy.     

Đây là một trong những biện pháp sinh học không gây độc đối với thiên địch và con người, thân thiện với môi trường. Giúp bà con nông dân hạn chế hơn nữa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quản lý nhóm côn trùng chích hút. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường và đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

 

Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Tân Biên

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tây Ninh

                        

 

Tác giả: Bao ve thuc vat

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây