Đối với lĩnh vực trồng trọt, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đóng một vai trò hết sức quan trọng, trong một số trường hợp còn là yếu tố quyết định để bảo vệ sản xuất. Tuy nhiên, việc sử dụng phải tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” và có kết hợp các biện pháp bảo vệ môi trường, trong đó có thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV sau sử dụng.
Thực trạng vấn đề xử lý bao bì thuốc BVTV sau sử dụng
Hiện nay, tỉnh ta có khoảng 260.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, dó đó, hàng năm, nhu cầu sử dụng thuốc BVTV rất lớn. Trên thực tế, khi vào các khu vực sản xuất nông nghiệp kể cả tập trung lẫn nhỏ lẻ, vẫn còn tình trạng vứt vỏ bao bì thuốc BVTV sau sử dụng, không thu gom theo đúng quy định ở một số hộ. Nguyên nhân chủ yếu đến từ tập quán canh tác, phần lớn người dân sau khi phun thuốc BVTV cho cây trồng thường để lại bao bì trên bờ ruộng hoặc vứt xuống kênh mương nội đồng, hoặc tự gom đốt trong vườn, ven đường. Đối với những nơi có bể chứa, một số người dân để vỏ bao bì ngay cạnh bể hoặc vứt lẫn cả rác thải sinh hoạt vào bể. Vô tình, bể chứa bao bì thuốc thành nơi chứa rác của người dân, gây khó khăn trong việc phân loại, thu gom xử lý.
Tại Tây Ninh, việc hỗ trợ cung cấp bể chứa vỏ chai, bao bì thuốc BVTV sau sử dụng để thu gom, tiêu hủy theo quy định đã được Chi cục Trồng trọt và BVTV thực hiện từ khá lâu (kể từ năm 2011). Ngoài ra, hàng năm Chi cục Trồng trọt và BVTV cũng đã tập trung vào việc vận động, tuyên truyền và tổ chức cho nông dân thu gom để xử lý bao bì sau sử dụng, đặc biệt là tại các vùng sản suất nông sản an toàn, vùng được cấp mã số vùng trồng với số lượng khoảng 3.000 kg/năm. Bên cạnh đó, trong các năm qua, Hội Nông dân tỉnh cũng tổ chức thành phong trào thu gom xử lý bao bì sau sử dụng đúng quy định trên địa bàn tỉnh góp phần bảo vệ môi trường nông thôn.
Tác hại tồn dư thuốc BVTV trong các bao bì thuốc BVTV sau sử dụng
Hiện nay, phần lớn vỏ bao bì thuốc BVTV là chai nhựa và các túi polyethylen, đây là các chất khó phân giải. Những ảnh hưởng của bao bì thuốc bảo vệ thực vật đến môi trường và con người bao gồm: Gây ô nhiễm môi trường từ nguồn thuốc còn bám dính lại trên vỏ bao bì, chai nhựa hay các chất hữu cơ khó phân giải khác tích tụ lại; Gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người; Thuốc bảo vệ thực vật còn tồn dư trong vỏ bao bì xâm nhập vào môi trường đất làm cho tính chất của đất thay đổi, tiêu diệt nhiều vi sinh vật có lợi trong đất, làm hoạt tính sinh học trong đất giảm;….
Các quy định về xử lý các trường hợp không thực hiện thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng đsung quy định
Hiện nay, Nghị định số 45/2022/NĐ-CP có quy định cụ thể về mức phạt đối với hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp như sau: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y sai quy định và gây ô nhiễm môi trường.
Tại Điều 26 Nghị định 31/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật, nội dung như sau: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với các hành vi không thu gom, để đúng nơi quy định bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng.
Tuy nhiên hiện nay, chưa có địa phương nào thực hiện việc kiểm tra và xử phạt đối với việc không thu gom, để đúng nơi quy định bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng của người dân. Mặt khác, quy định đã có nhưng hướng dẫn cụ thể để triển khai thực hiện quy định vẫn chưa được ban hành.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Đối với vỏ bao bì thuốc BVTV, trách nhiệm thu gom trước tiên thuộc về người sử dụng. Thông tư liên tịch số 05/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định rõ tại điều 5, chương III: a) Sau khi pha chế, phun rải thuốc bảo vệ thực vật phải thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng để vào bể chứa theo quy định; b) Để riêng bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng với rác thải sinh hoạt và rác vệ sinh đồng ruộng; c) Không sử dụng bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng vào các mục đích khác; d) Không tự ý đốt hoặc đem chôn bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.
Đồng thời, trách nhiệm của doanh nghiệp đầu tư trực tiếp sản xuất cây trồng nông, lâm nghiệp có phát sinh bao gói thuốc BVTV sau sử dụng cũng được quy định: a) Tổ chức thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trong địa bàn quản lý của doanh nghiệp; b) Ký hợp đồng chuyển giao bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng với đơn vị có giấy phép xử lý chất thải nguy hại để xử lý; c) Thực hiện trách nhiệm của chủ nguồn thải theo quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT; d) Trả chi phí cho việc xây dựng bể chứa, thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng."
Tại khoản 1, 2 Điều 8 Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật 2013 quy định: UBND cấp tỉnh bố trí kinh phí, chỉ đạo UBND cấp huyện tổ chức thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, tiêu hủy thuốc bảo vệ thực vật vô chủ tại địa phương; UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm: Quy định địa điểm thu gom, tổ chức, hướng dẫn thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.
Đối với trách nhiệm xử lý loại chất thải này thuộc về chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở, ngành Nông nghiệp và PTNT, ngành Tài nguyên và Môi trường.
Về công tác nghiên cứu những tác động tiêu cực của bao bì thuốc BVTV, hiện chưa có cơ quan quản lý cũng như cơ quan nghiên cứu nào có những nghiên cứu, khảo sát để xem xét, đánh giá những tác động tiêu cực của bao bì thuốc BVTV, từ đó có những tuyên truyền, khuyến cáo đủ cơ sở khoa học, đủ sức mạnh để người dân hiểu và thay đổi nhận thức về bảo vệ môi trường từ chính hoạt động sản xuất của mình.
Một bất cập khác trong hệ thống pháp lý là trong khi trách nhiệm của người dân và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp sản xuất cây trồng nông, lâm nghiệp đã được quy định rõ nhưng đến nay vẫn chưa có quy định về trách nhiệm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật trong việc xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng.
Giải pháp cho vấn đề
Tăng cường nâng cao nhận thức và thay đổi thói quen sản xuất của người dân trong việc sử dụng, thu gom và xử lý bao bì thuốc BVTV đúng theo quy định. Sau khi sử dụng thuốc BVTV, vận động, tuyên truyền người dân thu gom vào bao có bọc lớp nhựa hoặc bao do Chi cục Trồng trọt và BVTV cấp hàng năm; thu gom theo đợt khi có thông báo của chính quyền địa phương (Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức) hoặc Hội Nông dân các cấp thực hiện để được xử lý đúng cách.
Điều chỉnh, bổ sung quy định buộc các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thuốc BVTV thu hồi bao bì đựng sản phẩm sau khi sử dụng hoặc có cơ chế về thuế với các doanh nghiệp, cơ sở này để có nguồn kinh phí cho xử lý bao bì.
Đối với cơ quan nhà nước, cần đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm của người sử dụng thuốc BVTV và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp sản xuất cây trồng nông, lâm nghiệp và có biện pháp xử phạt theo quy định.
Các cơ quan nghiên cứu cần quan tâm, tập trung nghiên cứu, đánh giá những tác động tiêu cực, tác hại cụ thể của bao bì thuốc BVTV, tồn dư thuốc trên các vỏ bao bì đến môi trường, sức khỏe con người và vấn đề ATTP.
Việc áp dụng đồng loạt các giải pháp để giải quyết xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên các cánh đồng là rất cần thiết để giữ gìn vệ sinh môi trường, đảm bảo sức khỏe cho người dân. Đồng thời, đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng để các địa phương đạt được tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới./.
TRẠM TRỒNG TRỌT VÀ BVTV HUYỆN GÒ DẦU
Tác giả: Bao ve thuc vat
Ý kiến bạn đọc