Một số điểm sáng trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Tây Ninh

Thứ sáu - 24/06/2022 08:30 342 0

Một số điểm sáng trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Tây Ninh

Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giai đoạn 2021 – 2025. Mặc dù kinh tế xã hội của tỉnh nói chung và sản xuất nông nghiệp nói riêng vừa chịu sự tác động lớn của dịch bệnh Covid-19 trong năm 2021, nhưng đến 6 tháng đầu năm 2022, cơ bản dịch bệnh đã được kiểm soát. Điểm sáng trong phát triển vẫn là việc đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế đang tạo ra những khởi sắc trong nhiều lĩnh vực trong đó có lĩnh vực nông nghiệp; xu hướng chuyển đổi số trong nông nghiệp mở ra tiềm năng cơ hội về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, các chính sách hỗ trợ, phát triển sản xuất của tỉnh đã được ban hành và từng bước đi vào cuộc sống tạo động lực lớn thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo định hướng

 

1. Về Đề án vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Năm 2020, Ngành được UBND tỉnh giao tham mưu, trình thông qua Ban thường vụ Tỉnh ủy 02 nội dung là: (1) Đề án vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Tây Ninh và (2) Đề án vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao huyện Tân Châu. Tiến độ thực hiện như sau:

(1) Về Đề án vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Tây Ninh: Trên cơ sở phối hợp với sở, ban, ngành và địa phương rà soát các vùng có tiềm năng hình thành vùng sản xuất NNUDCNC, Ngành đã đề xuất tham mưu UBND thông qua cuộc họp Chủ tịch, các Phó chủ tịch UBND tỉnh. Trên cơ sở tiếp thu và hoàn chỉnh các ý kiến góp ý, hiện Sở Nông nghiệp và PTNT đã hoàn chỉnh và tham mưu UBND tỉnh định hướng 17 vùng có thể phát triển thành vùng sản xuất nông nghiệp UDCNC thực hiện trong giai đoạn 2022 – 2030 và đã có Công văn số 2019/SNN-KHTC ngày 02/6/2022 về việc tham mưu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh trình thông qua Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đề án. Dự kiến trong năm 2022 sẽ được các cấp có thẩm quyền thông qua và triển khai thực hiện Đề án vào năm 2023.

(2) Đề án vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao huyện Tân Châu là một trong những vùng được thí điểm thực hiện cụ thể trên cơ sở định hướng trong Đề án vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Tây Ninh. Hiện tại, đã họp thông qua Chủ tịch, các Phó Chủ tịch ngày 16/6/2022, Sở Nông nghiệp và PTNT và đơn vị tư vấn đang tiếp thu, chỉnh sửa để tham mưu UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy (dự kiến trong tháng 7). Ngoài ra, nhằm mục đích hỗ trợ huyện Tân Châu kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng, hình thành vùng sản xuất NNUDCNC huyện Tân Châu", Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND huyện Tân Châu tổ chức đưa các tập đoàn, công ty như: Công ty Cổ phần Nafoods Group; tập đoàn TH True Milk; tập đoàn Hùng Nhơn, Công ty TNHH Đầu tư Xúc tiến Thương mại Vận tải Thành Đạt, Công ty NovaGroup… khảo sát thực địa các khu đất công trên địa bàn huyện Tân Châu để lựa chọn địa điểm đầu tư phù hợp. Sau khi Đề án được phê duyệt, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ huyện Tân Châu trong công tác kêu gọi đầu tư thực hiện các dự án nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Tân Châu để sớm hình thành vùng nông nghiệp CNC trên địa bàn tỉnh.

Hình 1 – Bản đồ quy hoạch sử dụng đất tại vùng sản xuất NNCNC huyện Tân Châu

2. Về phát triển sản xuất nông nghiệp xanh, sạch; phát triển kinh tế trang trại.

Trong 06 tháng đầu năm 2022, dịch Covid-19 đã dần được kiểm soát nhưng tình hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn do xuất hiện mưa trái mùa với tần suất nhiều, nguy cơ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi vẫn còn hiện hữu, tuy nhiên, tình hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn tương đối ổn định, các cây trồng, vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm 6 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh đạt 156.873 ha (bằng 99,8% so với CK), số lượng đàn vật nuôi Tải về [1] tăng so với CK nhất là đàn gia cầm tăng 22,4% (đạt 8,9 triệu con) và đàn heo tăng 10,9% (đạt trên 219 ngàn con).

Với định hướng phát triển nông nghiệp xanh, sạch, ứng dụng CNC trong sản xuất, 6 tháng đầu năm, ngành đã thực hiện một số nội dung trên các lĩnh vực quản lý, cụ thể như sau:

* Về trồng trọt:

1. Hỗ trợ nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với 1.300,2 ha, tổng sản lượng khoảng 76.550 tấn Tải về [2].

2. Thực hiện phần mềm truy xuất nguồn gốc cây trồng (Kipus) cho 04/27 tổ chức, cá nhân với diện tích 25,4 ha , đạt 14,8% so KH; thực hiện đánh giá 39/39 tổ chức, cá nhân sản xuất đã thực hiện phần mềm truy xuất nguồn gốc Kipus vào các năm 2019, 2020 và 2021, kết quả: 06/39 tổ chức, cá nhân duy trì thực hiện, 33/39 tổ chức, cá nhân hiện đang gặp khó khăn do chưa có doanh nghiệp liên kết thu mua, chủ yếu bán cho thương lái.

3. Rà soát, kiểm tra 100 vùng trồng và 21 cơ sở đóng gói trên địa bàn tỉnh được cấp mã số để xuất khẩu, kết quả: (1) có 38/100 vùng trồng còn hoạt động nhưng chưa sử dụng mã số đã được cấp do chủ yếu bán cho thương lái và tiêu thụ trong nước, 64/100 vùng trồng đã ngưng hoạt động; (2) có 09/21 cơ sở đóng gói hoạt động, 02/21 cơ sở đóng gói đang hoạt động nhưng chưa sử dụng mã số đã được cấp, 10/21 cơ sở đóng gói chưa xây dựng hoàn thiện.

4. Hỗ trợ sản xuất 35 ha rau trong nhà màng, nhà lưới sử dụng công nghệ tự động hóa trong các khâu tưới nước, bón phân giúp tăng năng suất, chất lượng và giảm công lao động cho người nông dân.

Hình 2 – Nông dân sản xuất dưa lưới trong nhà màng

* Về chăn nuôi và thủy sản:

1. Đã cấp lại giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh (ATDB) cho 19 cơ sở và cấp mới giấy chứng nhận ATDB cho 06 cơ sở. Lũy kế đến nay, tỉnh có 01 vùng là huyện Dương Minh Châu và 68 cơ sở chăn nuôi gà, vịt, heo, bò được cấp giấy chứng nhận ATDB. Hỗ trợ 62 cơ sở chăn nuôi ( 22 cơ sở chăn nuôi gà, 39 cơ sở chăn nuôi heo, 01 cơ sở chăn nuôi bò) được cấp giấy chứng nhận VietGAHP.

2. Hỗ trợ ứng dụng CNC trong sản xuất thức ăn xanh, phối trộn thức ăn theo phần mềm, cơ giới hóa, tự động hóa trong các khâu, sản xuất khép kín, an toàn sinh học, phù hợp với sản xuất thực phẩm an toàn theo thông lệ quốc tế. Xử lý chất thải trong chăn nuôi với các mô hình ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà, vịt còn chăn nuôi heo xử lý chất thải bằng biogas...

3. Hỗ trợ thực hiện 03 chuỗi cung ứng thịt heo an toàn với 98 cửa hàng trên địa bàn toàn tỉnh, cụ thể như sau: chuỗi của hệ thống Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam với 20 cửa hàng; chuỗi của hệ thống siêu thị Coop mart với 08 cửa hàng; chuỗi của hệ thống siêu thị Bách hóa xanh với 70 cửa hàng.

4. Phối hợp với Công ty TNHH Công nghệ Thực phẩm Miền Đông xây dựng vùng nuôi nguyên liệu cá tra với tổng diện tích 32,4 ha để phục vụ xuất khẩu theo hướng thâm canh, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái.
 

Hình 3 – Chăn nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học

* Về phát triển kinh tế trang trại:

Trên địa bàn tỉnh hiện có 634 trang trại gia súc với tổng đàn 194.716 con và 102 trang trại gia cầm với tổng đàn 6,1 triệu con. Tất cả các trang trại đều áp dụng công nghệ cao trong sản xuất như hệ thống thức ăn tự động, dùng công nghệ thông tin quản lý đàn và dịch bệnh...

Ngành thường xuyên cập nhật báo cáo số liệu về trang trại nông nghiệp qua phần mềm https://quanlyhtxnongnghiep.gov.vn/; phối hợp với Cục Kinh tế hợp tác và PTNT tập huấn cho 51 HTXNN, trang trại nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp phần mềm nhật ký sản xuất FaceFarm và phần mềm kế toán hợp tác xã.

Hình 4 – Trang trại bò sữa Vinamilk tại Bến Cầu

Nhìn chung, việc ứng dụng tiến bộ, khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh từng bước hình thành nền nông nghiệp xanh, sạch đã có bước chuyển biến đáng kể, góp phần gia tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất đáp ứng yêu cầu thay đổi, đa dạng của thị trường. Tuy nhiên, việc phát triển sản xuất nông nghiệp xanh, sạch; triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh vẫn còn ở quy mô nhỏ, lẻ; việc duy trì sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp tốt vẫn còn nhiều khó khăn do thị trường tiêu thụ không ổn định; do vậy trong thời gian tới ngành sẽ thực hiện hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND nhằm nâng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn tỉnh và các chính sách hỗ trợ áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao nhằm tạo ra sản phẩm xanh, sạch, đảm bảo năng suất, chất lượng nông sản; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường và đa dạng hóa các kênh phân phối để tiêu thụ sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn với giá trị cao nhất./.

Tác giả: admin

Nguồn tin: Phòng KHTC Sở.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây