Quy định của pháp luật về bảo vệ người tố cáo, người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng

Thứ sáu - 17/07/2020 22:00 512 0

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành và triển khai thực hiện một số chủ trương, quy định có liên quan đến bảo vệ người tố cáo, bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng như: Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018; Luật Tố cáo năm 2018; Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo.

Tại Điều 67 của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã quy định về bảo vệ người phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng như sau:

- Việc bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo.

- Người phản ánh, báo cáo về hành vi tham nhũng được áp dụng các biện pháp bảo vệ như bảo vệ người tố cáo.

Luật Tố cáo năm 2018 đã dành một chương để quy định về bảo vệ người tố cáo (Chương VI). Trong đó, đã quy định rõ về đối tượng, phạm vi bảo vệ; cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ; trình tự, thủ tục bảo vệ; các biện pháp bảo vệ. Cụ thể:

Điều 47 của Luật Tố cáo quy định người được bảo vệ, phạm vi bảo vệ, gồm:

- Bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo; bảo vệ vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo (gọi chung là người được bảo vệ).

- Bảo vệ bí mật thông tin cá nhân, trừ trường hợp người tố cáo tự tiết lộ.

- Khi có căn cứ về việc vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử do việc tố cáo, người giải quyết tố cáo, cơ quan khác có thẩm quyền tự quyết định hoặc theo đề nghị của người tố cáo quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết.

Điều 49 của Luật Tố cáo quy định cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ gồm:

- Người giải quyết tố cáo.

- Cơ quan tiếp nhận, xác minh nội dung tố cáo có trách nhiệm bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo.

- Cơ quan Công an chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ.

- Cơ quan quản lý nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức, lao động.

- Ủy ban nhân dân các cấp, Công đoàn các cấp, cơ quan, tổ chức khác, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ.

Trình tự, thủ tục bảo vệ được quy định từ Điều 50 đến Điều 55 của Luật Tố cáo, gồm các bước: Đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ; xem xét, quyết định bảo vệ người tố cáo; quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ; thay đổi, bổ sung, chấm dứt việc áp dụng biện pháp bảo vệ.

Các biện pháp bảo vệ gồm: Bảo vệ bí mật thông tin; bảo vệ vị trí công tác, việc làm; bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự, nhân phẩm.

Để hướng dẫn chi tiết hơn các quy định của Luật Tố cáo về trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền, Nghị định số 31/2019/NĐ-CP quy định:

"Điều 7. Trách nhiệm của người giải quyết tố cáo khi nhận được văn bản đề nghị áp dụng các biện pháp bảo vệ

1. Khi nhận được văn bản đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ (gọi tắt là đề nghị bảo vệ) của người tố cáo thì người giải quyết tố cáo có trách nhiệm xem xét, đánh giá căn cứ, tính xác thực của đề nghị bảo vệ và quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ theo thẩm quyền quy định tại Điều 52 Luật Tố cáo. Trường hợp không thuộc thẩm quyền thì đề nghị hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ.

2. Trường hợp khẩn cấp, người giải quyết tố cáo đề nghị hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ ngay lập tức, sau đó gửi văn bản đến cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ.

Điều 8. Trách nhiệm của cơ quan được đề nghị hoặc yêu cầu áp dụng biện pháp bảo vệ

Khi nhận được đề nghị hoặc yêu cầu của người giải quyết tố cáo thì cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình xem xét, quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ theo quy định tại Điều 52 Luật Tố cáo và thông báo bằng văn bản cho người giải quyết tố cáo, người được bảo vệ."

Nhằm tăng cường bảo vệ thông tin của người tố cáo, người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, ngày 05/6/2020, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 774/QĐ-TTg về việc ban hành Danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2020. Theo đó, trong hoạt động giải quyết tố cáo, phòng, chống tham nhũng, danh mục Bí mật nhà nước độ Mật gồm:

"2. Trong hoạt động giải quyết tố cáo gồm:

a) Họ tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và những thông tin khác có thể làm lộ danh tính của người tố cáo, người được bảo vệ theo quy định của Luật Tố cáo, trừ trường hợp người tố cáo có yêu cầu khác;

b) Báo cáo kết quả xác minh nội dung tố cáo trước khi công khai kết luận nội dung tố cáo;

3. Trong hoạt động phòng, chống tham nhũng gồm:

a) Họ tên, địa chỉ, bút tích của người phản ánh, báo cáo về hành vi tham nhũng, trừ trường hợp người phản ánh, báo cáo về hành vi tham nhũng có yêu cầu khác;

b) Nội dung báo cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về hành vi tham nhũng;

c) Kết quả kiểm tra, xác minh phản ánh, báo cáo về tham nhũng;

d) Những thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định là không công khai."

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây