Quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán vật tư nông nghiệp là hàng giả

Thứ sáu - 16/10/2020 18:00 490 0

Ngày 26/8/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2020 và thay thế Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP (Nghị định số 124/2015/NĐ-CP, Nghị định số 141/2018/NĐ-CP).

Theo đó, đối với hàng hóa nói chung, cá nhân có hành vi buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng, cá nhân có hành vi sản xuất hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, các mức phạt được căn cứ vào giá trị hàng giả tương đương với hàng thật hoặc số tiền thu lợi bất hợp pháp.

Đối với hành vi buôn bán, sản xuất hàng giả là thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi (gọi chung là vật tư nông nghiệp) sẽ bị phạt gấp hai lần các mức tiền phạt nêu trên.

Theo quy định mới, các mức phạt đối với hành vi buôn bán, sản xuất hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng cao gấp 1,3-1,7 lần so với mức phạt trước đây.

Vật tư nông nghiệp được xác định là hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng khi: có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất, không có đủ loại hoạt chất đã đăng ký, có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa, có ít nhất một trong các hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng.

Ngoài hình thức phạt tiền, người vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả như: tịch thu tang vật; tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc được sử dụng để sản xuất hàng giả; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn; đình chỉ hoạt động một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất vi phạm từ 12 tháng đến 24 tháng; buộc tiêu hủy tang vật; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Mức phạt tiền nêu trên là mức phạt tiền áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực sản xuất, buôn bán hàng giả là 200.000.000 đồng đối với cá nhân và 400.000.000 đồng đối với tổ chức./.

Nghị định số 98/2020/NĐ-CP: 98_2020_ND.pdf

Thanh tra Sở

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây