Những năm gần đây trên cả nước tình trạng chó tấn công người xảy ra ngày càng nhiều đặc biệt là các giống chó dữ ngoại lai gây ra nhiều tai nạn thương tâm. Bên cạnh các loài chó cảnh, thì nhiều giống chó dữ to cao được nhập về như: Pitbull, Ngao, Béc giê, Rottweiler…Đây là những giống chó săn mồi, chó nghiệp vụ có tập tính thích tấn công, được các chủ nuôi chó thuần dưỡng, huấn luyện khá tỉ mỉ mới sử dụng được. Còn các loại chó ngoại đang nuôi trong nước, chủ yếu không huấn luyện đến nơi đến chốn, thả rông, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cắn người rất nguy hiểm như thời gian gần đây. Người dân khi nuôi chó không áp dụng các biện pháp an toàn cho cộng đồng, chưa có kỹ năng thuần dưỡng chó dữ đúng kỹ thuật thì không nên nuôi.
Hình ảnh: Một số giống chó nguy hiểm
Chó Rottweiler |
Chó Pitbull |
Chó Béc giê |
Chó Doberman |
Chó Ngao Tây Tạng |
Chó Alaskan |
* Để bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho gia đình và những người xung quanh, khuyến cáo người dân có hoạt động nuôi chó thực hiện một số nội dung sau:
- Quy định đối với chủ nuôi về quản lý chó:
a) Phải đăng ký, kê khai hoạt động nuôi chó với UBND cấp xã theo quy định tại Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT ngày 30/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số Điều của Luật chăn nuôi về hoạt động chăn nuôi và Thông tư sô 18/2023/TT-BNNPTNT ngày 15/12/2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT.
b) Xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt;
c) Nuôi chó tập trung phải bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không gây ồn ào, ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh;
d) Chấp hành tiêm vắc-xin phòng bệnh Dại cho chó theo quy định;
đ) Chịu mọi chi phí trong trường hợp có chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó. Trường hợp chó cắn, cào người thì chủ vật nuôi phải bồi thường vật chất cho người bị hại theo quy định của pháp luật.
- Phòng bệnh bắt buộc bằng vắc-xin
+ Hàng năm, cần tiêm phòng bệnh Dại cho chó theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
+ Chủ vật nuôi có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, giám sát chó của gia đình, nếu phát hiện con vật vô cớ cắn, cào người hoặc tấn công động vật khác thì phải cách ly và báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y nơi gần nhất.
* Một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến việc phòng bệnh động vật trên cạn theo Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y; Nghị định số 04/2020/NĐ-CP ngày 03/01/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 31/2016/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng , chống bạo lực gia đình như sau:
** Quy định về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến việc phòng bệnh động vật trên cạn:
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng.
** Quy định về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình:
- Thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng;
- Chăn, thả gia súc, gia cầm trong chung cư.
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi để động vật nuôi gây thương tích hoặc gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, cá nhân khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tại địa phương, những cá nhân, tổ chức có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm hành chính nói trên, bao gồm: Chủ tịch UBND cấp xã, Công an nhân dân đang thi hành nhiệm vụ; Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn Công an; Chủ tịch UBND cấp huyện, Trưởng Công an cấp huyện. Tùy theo tình hình thực tế, các địa phương xem xét, tham mưu người có thẩm quyền ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính phù hợp.
Ngoài bị xử phạt hành chính theo quy định, chủ vật nuôi phải chịu trách nhiệm nếu để vật nuôi cắn người gây thương tích hoặc gây chết người theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015. Cụ thể:
* Trường hợp chó cắn người gây thương tích thì chủ nuôi phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại điều 603 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
1. Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
3. Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
4. Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội
* Trường hợp chó cắn chết người, nếu xác minh được việc để chó gây chết người là do sự cẩu thả, chủ quan của chủ vật nuôi thì người chủ vật nuôi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người theo điều 128 Bộ luật Hình sự 2015: "Người nào vô ý làm chết người thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Phạm tội làm chết 2 người trở lên thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm"./.
Tác giả: Chan nuoi thu y
Ý kiến bạn đọc