Trong những năm qua, tỉnh đã triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo đúng quy định pháp luật về chăn nuôi và thú y. Tuy nhiên, công tác quản lý đàn vật nuôi vẫn còn nhiều hạn chế. Người dân chưa chú trọng thực hiện biện pháp phòng bệnh, đặc biệt là việc chủ động tiêm phòng vắc xin để bảo vệ đàn vật nuôi. Việc áp dụng các quy định xử phạt hành chính liên quan đến quản lý và phòng, chống dịch bệnh động vật còn lỏng lẻo, dẫn đến các hậu quả như người tử vong do bệnh Dại và dịch bệnh bùng phát trên đàn vật nuôi, gây thiệt hại kinh tế, ảnh hưởng đến thương mại, sức khỏe cộng đồng và sự phát triển ngành chăn nuôi.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, tăng cường nhận thức của người dân cũng như trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân liên quan, ngày 24/01/2025, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND về Tăng cường công tác quản lý đàn vật nuôi và xử lý vi phạm hành chính trong phòng, chống dịch bệnh động vật, với các nội dung chính cần tập trung thực hiện như sau:
Sở Nông nghiệp và PTNT: Chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định quản lý vùng an toàn dịch bệnh động vật; Tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật; xây dựng các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật, đặc biệt là công tác tiêm vắc xin phòng bệnh gia súc, gia cầm theo quy định; Phối hợp, chia sẻ thông tin với ngành y tế để triển khai các giải pháp phòng, chống các bệnh truyền lây giữa động vật và người.
UBND các huyện, thị xã, thành phố:
+ Phân công trưởng ấp, khu phố phối hợp với Trưởng Ban Thú y các xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện điều tra thống kê tổng đàn chó, mèo và danh sách theo dõi tiêm phòng bệnh Dại đúng định kỳ; khuyến khích lập sổ quản lý đàn chó, mèo với số hộ nuôi;
+ Thành lập các đội chuyên trách để bắt chó, mèo thả rông; chó không đeo rọ mõm; động vật nghi mắc bệnh Dại nhằm đảm bảo phòng, chống bệnh Dại và trật tự công cộng;
+ Đưa công tác quản lý chó, mèo; phòng, chống bệnh Dại vào chỉ tiêu thi đua khen thưởng hằng năm của UBND cấp xã và các phòng, ban có liên quan theo quy định tại Quyết định số 107/QĐ-UBND.
- Chỉ đạo các phòng, UBND cấp xã, tổ chức chính trị - xã hội và đoàn thể, trường học trực thuộc phối hợp với cơ quan chuyên môn liên quan triển khai chiến dịch truyền thông sâu rộng trong cộng đồng dân cư, trường học… về tính chất nguy hiểm, mức độ thiệt hại kinh tế của dịch bệnh động vật, nhất là bệnh Dại, Cúm gia cầm, Dịch tả heo Châu phi, Lở mồm long móng, Viêm da nổi cục,… và biện pháp phòng chống;
- Làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân, người đứng đầu các đơn vị còn chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh động vật, để xảy ra dịch bệnh, lây lan gây hậu quả nghiêm trọng; nhất là những địa phương đã được công nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật;
- Địa phương nào chủ quan, lơ là, không quyết liệt trong chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; để dịch bệnh động vật xảy ra, lây lan nhất là trong vùng được công nhận an toàn dịch bệnh động vật; có người tử vong do chó, mèo mắc bệnh Dại cắn hoặc người chết do nhiễm vi rút Cúm gia cầm xuất phát từ nguyên nhân chó, mèo, gia cầm chưa được tiêm phòng vắc xin thì người đứng đầu các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh;
- Xử lý theo thẩm quyền các cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính về phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định tại Nghị định số 90/2017/NĐ-CP; Nghị định số 04/2020/NĐ-CP, Nghị định số 07/2022/NĐ-CP và vi phạm quy định về trật tự công cộng theo quy định Nghị định số 144/2021/NĐ-CP.
Cục Quản lý Thị trường: Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường và các đơn vị có liên quan phối hợp với lực lượng thú y, công an, thanh tra giao thông đấu tranh, xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc trên thị trường.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Chủ trì phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan, chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới.
Công an tỉnh: Chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương phối hợp với các đơn vị có liên quan và chính quyền địa phương tăng cường kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật trái phép trên địa bàn tỉnh.
Chi tiết nội dung được nêu rõ trong Chỉ thị số 02/CT-UBND kèm theo
Tác giả: Chan nuoi thu y
Ý kiến bạn đọc