Bệnh Dại là bệnh lây truyền giữa động vật và người, là một trong những bệnh truyền nhiễm đáng sợ nhất lịch sử nhân loại, do Lyssavirus thuộc họ Rhabdoviridae gây ra. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính ở động vật máu nóng, động vật sau khi nhiễm vi rút dại có thời gian ủ bệnh khác nhau tùy thuộc loài, độc lực của vi rút và vị trí vết cắn. Khi đã lên cơn dại, kể cả là động vật hay con người đều sẽ tử vong nhanh chóng trong đau đớn và hoảng loạn.
Từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước xảy ra 158 ổ bệnh Dại trên 34 tỉnh, thành phố, với 219 ca chó mắc bệnh Dại và 49 ca người tử vong do bệnh Dại, tăng 25% so với cùng kỳ. Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, xảy ra 01 trường hợp chó mắc bệnh Dại tại thị trấn Gò Dầu, huyện Gò Dầu và 04 ca tử vong trên người do bệnh Dại tại thị trấn Dương Minh Châu, huyện Dương Minh Châu (01 ca); xã Trường Đông, thị xã Hòa Thành (02 ca); phường Gia Bình, thị xã Trảng Bàng (01 ca).
Trước tình hình bệnh Dại đang có chiều hướng gia tăng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đề nghị các Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thị xã, thành phố; người dân nuôi chó, mèo cần thực hiện một số nội dung sau:
1. Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thị xã , thành phố
- Rà soát, nắm tổng đàn chó, mèo của trên địa bàn quản lý, đặc biệt các khu vực xảy ra bệnh Dại, người tử vong do bệnh Dại, ổ bệnh cũ để lập kế hoạch tiêm phòng vắc xin bổ sung và vệ sinh, tiêu độc sát trùng phòng bệnh Dại. Tính đến ngày 10/7/2024, tổng đàn chó trên địa bàn tỉnh 83.164 con, trong đó có 34.218 con chó được tiêm phòng vắc xin Dại đạt 41,15% tổng đàn.
Hình ảnh tiêm phòng vắc xin Dại cho chó
- Tổ chức tuyên truyền trên Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh các huyện, thị xã, thành phố về sự nguy hiểm của bệnh Dại nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống bệnh Dại.
- Phối hợp với chính quyền địa phương, ngành Y tế vận động người dân nuôi chó, mèo, đặc biệt tại các khu vực ổ bệnh cũ, có người chết do bệnh Dại, nguy cơ cao không được thả rông chó ra ngoài đường, chủ động tiêm phòng khi bị chó cắn, nuôi chó, mèo phải tiêm phòng bệnh Dại và chấp hành theo quy định của nhà nước.
- Chủ động giám sát dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhằm phát hiện sớm, tiến hành lấy xét nghiệm xác định nguyên nhân gây bệnh qua đó triển khai các biện pháp xử lý hiệu quả, ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
2. Chủ nuôi chó, mèo
- Chủ nuôi chó, mèo có trách nhiệm đăng ký, khai báo nuôi chó, mèo với UBND cấp xã; cam kết nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình; chó, mèo khi đưa ra khỏi nhà phải được xích, rọ mõm và có người dắt đề phòng cắn người.
- Chủ động liên hệ với nhân viên Thú y tại các xã, phường, thị trấn hoặc Trạm Chăn nuôi và Thú y gần nhất hoặc các phòng khám thú y để được hướng dẫn, tiêm phòng vắc xin Dại cho chó, mèo đầy đủ;
- Thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của chó, mèo, khi thấy có dấu hiệu bất thường, nghi ngờ bệnh Dại đề nghị báo ngay cho cơ quan quản lý thú y, chính quyền địa phương để xử lý kịp thời;
- Khi bị chó, mèo cào, cắn, gây vết thương, trước hết cần phải rửa sạch vết thương bằng xà phòng dưới vòi nước sạch chảy liên tục 10-15 phút để rửa trôi vi rút, tiếp theo đó sát trùng vết thương với cồn 45-70% cồn iod hoặc povidone – iodine (nếu có) và nhanh chóng đến cơ sở Y tế gần nhất để được khám, tư vấn và tiêm phòng.
- Khi bị chó, mèo cắn tuyệt đối không giấu người thân, không điều trị bằng thuốc Đông y, không nhờ thầy lang, không sử dụng biện pháp dân gian như rút nọc để xử lý vết thương và cần nhanh chóng đến cơ sở Y tế gần nhất để được khám, tư vấn hướng xử lý và theo dõi sức khỏe.
- Chịu mọi chi phí trong trường hợp có chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó. Trường hợp chó, mèo cắn, cào người thì chủ vật nuôi phải bồi thường vật chất cho người bị hại theo quy định của pháp luật.
Chủ vật nuôi mà không tiêm phòng vaccine phòng bệnh dại cho chó, mèo nuôi; không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng có thể bị xử phạt với mức phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng theo quy định tại Khoản 2, Điều 7 Nghị định 90/2017/NĐ-CP và khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Bệnh Dại là do vi rút gây ra, khi xâm nhập vào cơ thể, vi rút sẽ phá huỷ mô thần kinh, gây những kích động điên dại dẫn tới tử vong. Mặc dù vậy, những ca tử vong này hoàn toàn có thể phòng, tránh được nếu người dân tự giác chấp hành nghiêm các quy định của nhà nước về quản lý đàn chó, mèo và phòng chống bệnh Dại trên người và động vật.
Phòng Kỹ thuật – Chi cục Chăn nuôi và Thú y
Tác giả: Chan nuoi thu y
Ý kiến bạn đọc