Triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, nhằm thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) phát triển về số lượng, chất lượng, đóng góp vào sự phát triển KT-XH

Thứ sáu - 20/05/2022 10:09 483 0

​Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có khoảng 6.051 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, trong đó chủ yếu là các DNNVV, chiếm trên 96% tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh. Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp nói chung gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Với chủ trương luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là trước những khó khăn, thách thức ở thời điểm hiện nay, ngày 07/02/2022, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành Quyết định số 291/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Đề án đề ra mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025 tạo thêm việc làm mới khoảng 9.959 lao động; số lượng DNNNVV thành lập mới khoảng 3.250 doanh nghiệp. Phấn đấu đến năm 2025, hình thành được các cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất, chế biến các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của tỉnh (sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao).

 Để góp phần thực hiện được mục tiêu trên và nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với lĩnh vực nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có Công văn số 1734/SNN-KHTC ngày 16/5/2022 triển khai thực hiện Quyết định số 291/QĐ-UBND, theo đó sẽ thực hiện hỗ trợ DNNVV tham gia xây dựng cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, mục tiêu đến năm 2025 Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ hỗ trợ DNNVV tham gia ít nhất 1 cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị đối với sản phẩm có thế mạnh của địa phương.

 Một số nội dung hỗ trợ cụ thể như sau:

1. Hỗ trợ đào tạo

a) Hỗ trợ 50% chi phí tổ chức khóa đào tạo nâng cao trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất chuyên sâu tại doanh nghiệp (không quá 50 triệu đồng/khoá/năm/doanh nghiệp).

b) Hỗ trợ 50% chi phí đào tạo cho học viên của doanh nghiệp khi tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu theo nhu cầu phát triển của ngành, chuỗi giá trị (không quá 10 triệu đồng/học viên/năm và không quá 03 học viên/doanh nghiệp/năm).

2. Hỗ trợ nâng cao năng lực liên kết sản xuất và kinh doanh

a) Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn đánh giá toàn diện năng lực của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị (không quá 30 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp);

b) Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn cải tiến, nâng cấp kỹ thuật chuyên sâu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm cải thiện năng lực sản xuất, đáp ứng yêu cầu kết nối, trở thành nhà cung cấp của doanh nghiệp đầu chuỗi (không quá 100 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp).

3. Hỗ trợ thông tin, phát triển thương hiệu, kết nối và mở rộng thị trường

a) Miễn phí tra cứu thông tin về các sự kiện kết nối với doanh nghiệp đầu chuỗi, quy trình tìm kiếm, xác định nhu cầu đặt hàng của các doanh nghiệp đầu chuỗi trên Cổng thông tin và các trang thông tin điện tử của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

b) Miễn phí tra cứu thông tin về hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trên Cổng thông tin và các trang thông tin điện tử của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

c) Hỗ trợ 50% giá trị hợp đồng tư vấn đăng ký thành công tài khoản bán sản phẩm, dịch vụ trên các sàn thương mại điện tử quốc tế (không quá 100 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp);

d) Hỗ trợ 50% chi phí duy trì tài khoản trên các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế (không quá 50 triệu đồng/năm/doanh nghiệp và không quá 02 năm kể từ thời điểm doanh nghiệp đăng ký thành công tài khoản trên sàn thương mại điện tử quốc tế);

đ) Hỗ trợ chi phí thuê địa điểm, thiết kế và dàn dựng gian hàng, vận chuyển sản phẩm trưng bày, chi phí đi lại, chi phí ăn, ở cho đại diện của doanh nghiệp tham gia tại hội chợ triển lãm xúc tiến thương mại (không quá 50 triệu đồng/năm/doanh nghiệp đối với sự kiện tổ chức trong nước và không quá 70 triệu đồng/năm/doanh nghiệp đối với sự kiện tổ chức ở nước ngoài);

e) Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn về thủ tục xác lập, chuyển giao, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở trong nước (không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp);

g) Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn tìm kiếm thông tin, quảng bá sản phẩm, phát triển thương hiệu cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị (không quá 20 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp).

* Về trình tự thủ tục: thành phần hồ sơ và trình tự thực hiện theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 80/2018/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.           

  Với các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ nêu trên, cùng với việc triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ khác đã ban hành trước đó như: Chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2020-2025 theo Quyết định số 20/2020/QĐ-UBND ngày 12/6/2020 của UBND tỉnh tây Ninh; Chương trình Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2020-2025 tại Quyết định số 1754/QĐ-UBND ngày 14/8/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt…, hy vọng rằng các DNNVV sẽ sát cánh cùng tỉnh Tây Ninh, tranh thủ cơ hội, vượt qua khó khăn, thách thức nhằm phát triển nhanh và bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tây Ninh nói chung và lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh nói riêng.

Kèm theo Quyết định số 291/QĐ-UBND.

291 qd.signed.pdf

 

Tác giả: So Nong Nghiep

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây