SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI ĐỊNH HƯỚNG CHĂN NUÔI VÀ CÁC CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI NĂM 2022

Thứ hai - 28/03/2022 17:00 2.922 0
SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI ĐỊNH HƯỚNG CHĂN NUÔI VÀ CÁC CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI NĂM 2022

      Trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi của tỉnh đã có bước phát triển khá và đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Giai đoạn 2015-2020, giá trị sản xuất (GTSX) chăn nuôi tăng bình quân 6,2%/năm. GTSX chăn nuôi năm 2021 (theo giá cố định 2010): 4.651 tỷ đồng, tăng 8,4% so với năm 2020, tỷ trọng chăn nuôi trong giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm 17,9%.

     Cơ cấu chăn nuôi đang tiếp tục chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn sinh học sang chăn nuôi quy mô trang trại đảm bảo an toàn sinh học. Năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 612 trang trại gia súc với tổng đàn hơn 192.000 con (trong đó: 143 trang trại heo với hơn 170.000 con, 43 trang trại trâu với 1.140 con, 426 trang trại bò với 20.500 con), 112 trang trại gia cầm với tổng đàn khoảng 5,7 triệu con. Hiện trên địa bàn tỉnh có 62 cơ sở chăn nuôi (22 cơ sở chăn nuôi gà, 39 cơ sở chăn nuôi heo, 01 cơ sở chăn nuôi bò) được cấp giấy chứng nhận VietGAHP.   

      Công tác thu hút đầu tư chăn nuôi mang lại kết quả tích cực; từ năm 2016 đến nay có 145 dự án xin chủ trương đầu tư của UBND tỉnh và đã có 86 dự án được UBND tỉnh chấp thuận. Số lượng vật nuôi đăng ký đầu tư: 6.992.200 con gà (3.240.000 gà đẻ, 3.752.200 gà thịt), 743.584 con heo (112.600 nái, 284 nọc, 513.300 heo thịt, 61.400 hậu bị, 56.000 heo con), 1.500 con bò (1.450 con bò thịt, 50 bò sữa).

      Công tác phòng chống dịch bệnh động vật đã được ngành quan tâm thực hiện; hiện nay tỉnh đã công bố hết dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò và Dịch tả heo Châu Phi; Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành kế hoạch phòng chống 8 loại dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm, thuỷ sản; triển khai Kế hoạch tiêm phòng gia súc gia cầm đợt 1/2022 và tổ chức 02 đợt tiêu độc sát trùng phòng chống dịch bệnh động vật từ đầu năm đến nay.

Công tác hỗ trợ phát triển sản xuất chăn nuôi được duy trì thường xuyên, Sở đã triển khai các chính sách của tỉnh về chăn nuôi; hỗ trợ, tư vấn và thẩm định cho các nhà đầu tư sản xuất chăn nuôi, xây dựng cơ sở chế biến, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm; thẩm định vị trí xây dựng nhà yến; kiểm tra việc chấp hành các quy định của các nhà yến, nhất là các nhà yến trong khu dân cư, các nhà yến do cử tri phản ánh; tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi về giống, chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi; hướng dẫn chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi công nghệ cao; thực hiện các giải pháp phòng chống dịch bệnh cũng như hỗ trợ các cơ sở chăn nuôi có gia súc, gia cầm bị chết, tiêu hủy do dịch bệnh.

Nhằm triển khai, phổ biến các chính sách hỗ trợ và định hướng phát triển chăn nuôi đến các tổ chức, cá nhân có liên quan; ngày 18/3/2022, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức Hội nghị triển khai định hướng chăn nuôi và các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi. Chủ trì hội nghị là ông Nguyễn Đình Xuân – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT và có sự tham gia của đại diện Hiệp hội Yến Sào Việt Nam; Hội Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tây Ninh; cùng đại diện các công ty chăn nuôi trên địa bàn tỉnh như C.P, Emivest.

      Hội nghị đã nghe ông Nguyễn Thành Thúc – Phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y cung cấp thông tin về tình hình chăn nuôi và công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trong những năm qua; nêu tóm lược các định hướng và chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi, cũng như tình hình triển khai: Nghị quyết số 17/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh quy định khu vực không được phép chăn nuôi và vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Tây Ninh (hiện Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với địa phương tham mưu xây dựng dự thảo Quyết định UBND tỉnh ban hành danh mục các khu dân cư không được phép chăn nuôi), Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022-2025, Quyết định số 02/2021/QĐ-UBND ngày 18/01/2021 của UBND tỉnh ban hành quy định mật độ chăn nuôi đến năm 2030, Kế hoạch số 3625/KH-UBND ngày 18/10/2021 của UBND tỉnh thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045; Qua đó, quý đại biểu tham dự Hội nghị đã lắng nghe, đóng góp ý kiến và đề xuất các giải pháp hữu hiệu nhằm thúc đẩy phát triển chăn nuôi một cách ổn định, an toàn và bền vững.

     Kết luận Hội nghị, ông Nguyễn Đình Xuân – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đã đề nghị Chi cục Chăn nuôi và Thú y, các tổ chức, cá nhân và đơn vị có liên quan cùng các trang trại chăn nuôi cùng nhau phối hợp thực hiện các định hướng và chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi, mang lại lợi ích thiết thực cho người chăn nuôi, trong đó chú trọng phát triển những loại vật nuôi chủ lực, có thế mạnh của tỉnh; không chăn nuôi tại khu vực không được phép nuôi; thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi với UBND cấp xã để được hưởng chính sách hỗ trợ khi xảy ra dịch bệnh; tuyên truyền, vận động người chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh phù hợp với phương châm "phòng bệnh hơn chữa bệnh"./.

                          Phòng Chăn nuôi và Thú y - Chi cục Chăn nuôi và Thú y

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây