UBND tỉnh phê duyệt Đề án chuyển đổi mô hình rừng trồng có cây Xà cừ tại Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát

Thứ ba - 10/11/2020 21:00 153 0

Công tác trồng rừng tại Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát (trước đây là Lâm trường Tân Bình) là một trong những nhiệm vụ chính của Ban Quản lý Vườn quốc gia, được thực hiện tập trung mạnh trong giai đoạn triển khai Quyết định số 327-CT, ngày 15/9/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về một số chủ trương, chính sách sử dụng đất trống, đồi núi trọc, rừng bãi bồi ven biển và mặt nước và Quyết định số 556/TTg ngày 12/9/1995 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 327-CT, ngày 15/9/1992; Trong các mô hình trồng rừng được triển khai thực hiện có một số mô hình trồng có cây xà cừ. Qua thời gian theo dõi cây xà cừ sinh trưởng và phát triển kém, nhận thấy không phù hợp điều kiện lập địa của Vườn quốc gia, hơn nữa cây xà cừ không phải là cây bản địa. Việc bố trí cây keo và xà cừ cùng nhau là chưa phù hợp do chúng đều thuộc loài ưa sáng, khi bị che bóng xà cừ không có điều kiện phát triển, bị chèn ép. Nhiều diện tích rừng được trồng đã hơn 20 năm (trồng từ 1996), nhưng đến nay cây trồng chính (xà cừ) vẫn trong tình trạng kém phát triển, cong queo, chất lượng rừng đạt thấp.

Do đó, Ban quản lý Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát đã xin chủ trương của Tổng cục Lâm nghiệp, UBND tỉnh và lấy ý kiến của các Sở, ngành tỉnh và UBND huyện Tân Biên để xây dựng Đề án chuyển đổi mô hình rừng trồng có cây Xà cừ sang trồng cây bản địa (Sao, Dầu) nhằm đảm bảo việc phục hồi sinh thái rừng tại Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát đúng mục tiêu bảo tồn, nhằm nâng cao chất lượng rừng trồng.

Ngày 02 tháng 11 năm 2020, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành Quyết định số 2681/QĐ-UBND phê duyệt Đề án chuyển đổi rừng trồng mô hình có cây xà cừ tại Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát. Đề án xác định chuyển đổi 400,5ha rừng trồng mô hình có cây xà cừ để trồng cây bản địa sao, dầu với thời gian thực hiện chuyển đổi từ năm 2020 đến năm 2025; phương thức chuyển đổi là thực hiện chuyển đổi dần từ mô hình cây xà cừ sang mô hình cây bản địa gỗ lớn trên cơ sở vận động các hộ dân tự nguyện thực hiện chuyển đổi và Nhà nước không cấp bù ngân sách, cho hộ nhận khoán được hưởng toàn bộ sản phẩm phụ rừng trồng chặt bỏ (gỗ, củi cây xà cừ), các hộ nhận khoán có trách nhiệm tự đầu tư trồng lại rừng với mô hình có cây bản địa. Các hộ nhận khoán thực hiện việc chia sẻ nguồn lợi thu được từ sản phẩm phụ rừng trồng chặt bỏ; dự kiến kinh phí thực hiện chuyển đổi bình quân khoảng 27.280.000 đồng/ha.

Hằng năm, Ban quản lý Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát có trách nhiệm xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện theo Đề án được phê duyệt, tổ chức kiểm tra đánh giá, rút kinh nghiệm để có giải pháp đẩy nhanh tiến độ hoàn thành chuyển đổi trước năm 2025. Tuyên truyền, vận động các hộ nhận khoán và Nhân dân trên địa bàn hiểu rõ về chủ trương chuyển đổi mô hình rừng trồng nhằm nâng cao chất lượng rừng trồng để người dân tích cực tham gia chuyển đổi thành công mô hình. Giao Sở Nông nghiệp và PTNT có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án của Ban quản lý Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát theo đúng quy định.

Chi cục Kiểm lâm (PQLVBVR)

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây