Tìm ‘từ khóa’ cho sâm Việt Nam

Thứ bảy - 17/08/2024 15:52 21 0

'Tôi gặp người Hàn Quốc, họ ca ngợi sâm Việt Nam rất tốt. Nghe họ khen mà mình thấy buồn, vì tại sao chúng ta có sâm quý nhưng không làm tốt được như họ?', Bộ trưởng Lê Minh Hoan tâm tư.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan gợi mở và “ra đầu bài” cho các nhà doanh nghiệp, nhà quản lý tìm cho bằng được “từ khóa” để định danh, định hướng phát triển cây sâm Việt Nam thời gian tới.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi mở hướng phát triển của ngành sâm Việt Nam. Ảnh: Kiên Trung.

Bài học từ các “cường quốc” sâm - nhìn vào sự yếu kém của sâm Việt Nam

Theo Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), Việt Nam hiện có 3.055ha diện tích trồng sâm, trong đó diện tích sâm Ngọc Linh là 3.000ha; 55ha sâm Lai Châu. Sâm được trồng chủ yếu dưới tán rừng (3.050ha), sản lượng hiện tại khoảng vài tấn/năm. Diện tích sâm trồng trong nhà lưới, nhà màng chiến diện tích nhỏ (5ha tại tỉnh Lai Châu), chưa có sản lượng do đều là sâm mới trồng.

Ngoài ra, một vài địa phương khác đang trồng thí điểm nhưng quy mô nhỏ, không đáng kể.

So sánh với Hàn Quốc, Trung Quốc – hai “cường quốc” sản xuất sâm, Việt Nam mới chỉ có con số rất khiêm tốn.

Hàn Quốc hiện có 15.000ha trồng sâm, năng suất đạt 6 tấn/ha. Tổng sản lượng sâm nước này thu hoạch từ 22.000 – 23.000 tấn/năm, chiếm 27% sản lượng toàn cầu, mang lại nguồn thu 2,5 tỷ USD/năm.

Trong khi đó, Trung Quốc có diện tích trồng sâm rất lớn tại khu vực Đông Bắc (gồm Cát Lâm, Liêu Ninh, Hắc Long Giang), sản lượng đạt 44.000 tấn/năm, doanh thu 2,8 tỷ USD/năm.

Cả hai quốc gia này đều đã đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ sâm, gồm đồ uống, thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm.

Tọa đàm "Định hướng phát triển sâm Việt Nam" tổ chức chiều 15/8. Ảnh: Kiên Trung.

Từ kinh nghiệm quốc tế trong canh tác vùng trồng cho thấy, cả hai quốc gia Hàn Quốc, Trung Quốc đều đang theo xu thế đưa cây sâm xuống núi, hạ độ cao vùng trồng để có thể kiểm soát được năng suất, sản lượng và chất lượng của sản phẩm. Tại Hàn Quốc, sâm trồng trên cánh đồng cho sản lượng 6 tấn/ha, dễ canh tác, kiểm soát chất lượng và có thể thâm canh. Hàn Quốc đã nâng tầm lên thành một ngành công nghiệp chế biến sâm với việc phát triển nhiều cơ sở chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng đối tượng tiêu dùng. Sản phẩm chế biến từ sâm được Hàn Quốc đưa vào nhiều kênh tiêu thụ (nhà vườn, chợ sâm, siêu thị, trung tâm thương mại…) và đã xuất khẩu sang được 90 quốc gia trên thế giới.

So sánh và nhìn vào thực trạng mới thấy sự yếu kém, non trẻ của ngành sâm Việt Nam. Về vùng trồng, chúng ta diện tích ít, chủ yếu trồng dưới tán rừng, sản lượng hạn chế. Về thương hiệu, kiểm soát chất lượng, chúng ta chưa có thương hiệu, chưa kiểm soát được chất lượng, chưa có sự tham gia của các doanh nghiệp nổi tiếng. Về quảng bá – truyền thông, hạn chế, chưa đa dạng hình thức, chưa kết hợp được yếu tố văn hóa, truyền thống; các công trình khoa học, nghiên cứu dàn trải, nguồn lực phân tán…

Tìm “từ khóa” cho sâm Việt Nam

4 nội dung chủ đạo được Cục Lâm nghiệp gợi mở cho các nhà quản lý, doanh nghiệp trồng sâm, đó là: Việt Nam nên phát triển vùng trồng dưới tán rừng (như hiện tại) hay trồng sâm ngoài rừng như Hàn Quốc? Với việc trồng sâm dưới tán rừng, sẽ gặp phải những vấn đề về tỷ suất đầu tư, dược tính, sản lượng hạn chế, khó thâm canh, vấn đề kiểm soát chất lượng, suy thoái hệ sinh thái rừng…

Vườn sâm của anh Trần Cao Nguyên tại thôn K'Long K'Lanh, xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng.

Nếu trồng ngoài rừng (bằng nhà lưới, nhà màng…), tỷ suất đầu tư sẽ cao hơn nhưng ngược lại kiểm soát được chất lượng, kiểm soát được dược tính, không ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng?

Thứ hai, về phát triển nguồn giống, nên sử dụng nguồn giống từ hạt (hữu tính) hay từ mô (vô tính), điều này liên quan tới chi phí, nghiên cứu khoa học, quy trình nhân giống và chất lượng sâm?

Thứ ba, vấn đề nghiên cứu khoa học, có nhất thiết phải thành lập Viện nghiên cứu sâm hay để các doanh nghiệp thành, lập các hiệp hội, ngành hàng sâm? Viện nghiên cứu sâm được nhà nước đầu tư toàn bộ, đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu đề tài nghiên cứu hay do Nhà nước tài trợ cho các doanh nghiệp, doanh nghiệp tham gia đấu thầu đề tài nghiên cứu hoặc tự nghiên cứu; hợp tác công tư trong chương trình nghiên cứu sản phẩm quốc gia sâm Việt Nam?

Thứ tư, xây dựng thương hiệu sâm Việt Nam và chế biến sản phẩm: Lấy tên gọi “sâm Việt Nam” hay chỉ dẫn địa lý theo các loại sâm khác nhau, như sâm Ngọc Linh Kon Tum, sâm Lai Châu…; tiếp cận sản phấm thương hiệu (như Hàn Quốc đã làm); công bố quốc tế nghiên cứu khoa học; thu hút các tập đoàn lớn cùng tham gia và định hướng phát triển văn hóa, du lịch gắn với sâm? Hiệp hội sâm quản lý thương hiệu, các doanh nghiệp quản lý nhãn hiệu…

Việc chế biến sản phẩm tập trung vào lĩnh vực dược phẩm, thực phẩm, mỹ phẩm hay đa giá trị, đa chức năng gồm tất cả các lĩnh vực trên?

Trung tâm nghiên cứu về cây sâm Lai Châu của Viện Nghiên cứu Lâm sinh thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam.

Trước những vấn đề đặt ra, Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn câu chuyện sâm Núi Giành (Bắc Giang) với truyền thuyết một vị hoàng hậu dâng lên cho nhà vua sử dụng và có hiệu nghiệm tốt về sức khỏe, từ đó có câu chuyện sâm Núi Giành là sâm tiến vua. Đó là một cách quảng bá thương hiệu của sản phẩm nông nghiệp của Bắc Giang.

Cũng tương tự như câu chuyện Hàn Quốc in cờ tổ quốc lên các sản phẩm sâm (cắm cờ) hay đưa logo các tập đoàn lớn có yếu tố toàn cầu làm nhãn mác sản phẩm… Bộ trưởng yêu cầu các doanh nghiệp, nhà quản lý cùng tư duy để tìm ra cho được “từ khóa” giúp sâm Việt Nam phát triển.

“Để có chương trình phát triển sâm Việt Nam chúng ta cần có một tư duy khác. Chúng ta mong muốn trở thành một cường quốc về sâm cần thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận, tạo ra giá trị tăng thêm ở các khâu trong chuỗi giá trị nông sản.

Trước giờ, nhắc tới sâm chúng ta thường nghĩ đó là một lĩnh vực của nông nghiệp mà chưa nghĩ đó là một ngành công nghiệp. Nông nghiệp chỉ liên quan ở khâu trồng, chăm sóc, nhưng giá trị của nó nằm ở chuỗi phía sau. Hàn Quốc đang xây dựng và phát triển thành ngành công nghiệp sâm bao gồm công nghiệp dược phẩm, công nghiệp mỹ phẩm rồi tiến lên là công nghiệp giải trí…

Còn trồng sâm như thế nào nó chỉ là sự khởi đầu. Cần có sự thay đổi trong tư duy vận hành mới có thể giúp sâm Việt Nam trở thành ngành hàng.

Thứ hai, cần có tư duy sản phẩm sâm là sản phẩm chính phủ, quốc gia. Khi Hàn Quốc gắn lá cờ của họ lên sản phẩm để định danh, đó là sản phẩm quốc gia, từ đó họ định hướng sẽ tiếp thị sâm của họ ra thị trường quốc tế. Nếu chúng ta cứ băn khoăn sản phẩm đó là sâm Ngọc Linh hay sâm Lai Châu, thì phạm vi nó sẽ chỉ bó hẹp trong một khuôn khổ vùng miền. Chúng ta phải chấp nhận và nâng nó dần dần lên để người tiêu dùng tiếp cận được sản phẩm sâm.

Thứ ba, không để sản phẩm sâm đơn độc mà cần cộng thêm những dược liệu khác, biết đâu khi đó sẽ đa dạng hóa sản phẩm. Bộ đã tham mưu để Chính phủ ban hành các quyết sách cho phép mở cửa tán rừng để trồng dược liệu. Nếu trồng trong nhà lưới thì như thế nào; truy xuất nguồn gốc về rừng, nếu chỉ nghĩ cục bộ thì không giải quyết được.

“Tư duy hệ thống và hành động hệ thống, trong đó có vai trò đầu tầu của doanh nghiệp, biến việc canh tác sâm trở thành một ngành công nghiệp sâm để đa dạng hóa sản phẩm, phát triển thành chuỗi ngành hàng - đó mới là những định hướng, đường đi cho ngành sâm Việt Nam trong tương lai”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Tác giả: So Nong Nghiep

Nguồn tin: nongnghiep.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây