Hành trình lấy mẫu nước xét nghiệm - cảm xúc người dân vùng nông thôn

Thứ sáu - 21/10/2016 00:00 287 0

          Việt Nam hiện có khoảng 17,2 triệu người (tương đương 21,5% dân số) đang sử dụng nguồn nước sinh hoạt từ giếng khoan, chưa được kiểm nghiệm hay qua xử lý (theo thống kê của Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường)

          Trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 9.000 người tử vong vì nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém (Theo thống kê của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên - Môi trường)....

          Những con số biết nói trên đã thể hiện một vấn đề bức thiết cũng như tầm quan trọng của nước sạch đối với cuộc sống của con người.

          Hiện nay, do nhiều nguyên nhân, các nguồn nước phục vụ sinh hoạt của người dân nông thôn đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Thực tế trên không chỉ đặt ra yêu cầu đẩy mạnh xây dựng các công trình cung cấp nước sạch tập trung, cần chú trọng công tác xét nghiệm chất lượng nước, nhằm giúp người dân vùng nông thôn được sử dụng nguồn nước sạch bảo đảm vệ sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống và sức khỏe cho người dân;

          Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2016, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (gọi tắt là Trung tâm Nước sạch) thực hiện xét nghiệm mẫu nước hộ gia đình tại các xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh;

          Ngày 10/6/2016, được cử hỗ trợ Đoàn đi lấy mẫu nước xét nghiệm, chúng tôi có mặt tại UBND xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng lúc 7h 30 phút. Nhận được sự hướng dẫn tận tình của cán bộ UBND xã, Đoàn chúng tôi nhanh chóng tiến hành đi lấy mẫu nước.

          Địa điểm lấy mẫu nước đầu tiên là ấp Lộc Thanh, xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng. Đây là khu dân cư gần chợ, nhiều người sinh sống; tuy nhiên đa phần người dân đều sử dụng nước giếng khoan. Thay mặt đoàn lấy mẫu trao đổi và xin ý kiến của hộ dân, nhờ vậy tôi đã tiếp xúc và nhận được rất nhiều thông tin phản hồi từ người dân - đó có thể gọi là một hành trình của cảm xúc!


          Hộ dân đầu tiên chúng tôi trao đổi là ông Thân Văn Nơi, số nhà 254, ấp Lộc Thanh, xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng. Ban đầu Ông khá e dè khi tiếp xúc với chúng tôi, sau khi nghe tôi trình bày rõ lý do và mục đích lấy mẫu nước để xét nghiệm kiểm tra, phân tích nguồn nước thì Ông vô cùng phấn khởi và trao đổi rất cởi mở: "Được chính quyền chăm lo và quan tâm đời sống của người dân như vậy tôi thấy thật vui, các cô chú cứ lấy mẫu về xét nghiệm rồi nhớ báo cho tôi biết kết quả xem nguồn nước mình sử dụng có an toàn không".

          Tiếp tục cuộc hành trình, chúng tôi được nghe rất nhiều ý kiến của người dân vùng nông thôn:

          - "Bao năm nay người dân sử dụng nước giếng là chủ yếu, nhưng chúng tôi cũng thấp thỏm không biết là nguồn nước mình sử dụng có an toàn không!";

- "Người dân quanh đây mong nước sạch về lắm!";

- "Khi nào có kết quả xét nghiệm thì báo về cho tôi được biết để có biện pháp xử lý nha cô, chú".

          Đoàn chúng tôi cảm thấy vô cùng phấn khởi, vì đại đa số người dân đã ý thức được việc sử dụng nước sạch và việc làm thiết thực của Nhà nước. Tuy nhiên bên cạnh đó, vẫn còn đại đa số bộ phận người dân còn khá mơ hồ và không quan tâm về việc chất lượng nước đang sử dụng:

          - "Tôi sử dụng nguồn nước từ giếng đã mấy chục năm nay, cũng không biết là có sạch thật sự không, thấy trong thì xài thôi";

          - "Gia đình tôi xài nước mấy chục năm nay có thấy gì đâu? không cần làm xét nghiệm gì đâu mấy cô, chú ơi";

          - "Nước mưa trên trời rơi xuống, dưới đất sâu bơm lên là sạch rồi";

          Những ý kiến trái chiều của người dân không làm đoàn chúng tôi chùn chân, mà lại tạo một động lực vô hình để chúng tôi cố gắng tiếp tục cuộc hành trình; nhằm từng bước vận động người dân thay đổi thói quen sử dụng nước sạch, nâng cao chất lượng nguồn nước và vệ sinh môi trường nông thôn - chìa khóa chính là làm tốt công tác tuyên truyền!

          Tuy nhiên, có một câu hỏi mà Đoàn chúng tôi không mạnh dạn trả lời đồng thời cũng là niềm trăn trở, là hi vọng và đợi chờ của người dân: "Làm xét nghiệm nếu nước không đạt tiêu chuẩn thì bao giờ người dân nơi đây có nước sạch sử dụng?". Đây chính là trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương cần quan tâm đến sức khỏe của cộng đồng và có biện pháp xử lý kịp thời, để giúp người dân vùng nông thôn có nguồn nước sạch sử dụng;

          Người dân sử dụng nguồn nước mưa để phục vụ cho nhu cầu ăn, uống, nguồn nước ngầm lấy lên từ các giếng khoan và giếng khơi để tắm, giặt và phục vụ cho các sinh hoạt thường ngày khác. Hiện nay, nước mưa cũng không thể coi là nguồn nước sạch; vì sự phát triển nhanh chóng của các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp kéo theo lượng khí thải thoát ra từ các nhà máy tăng lên nhanh chóng, ô nhiễm môi trường. Khi mưa những chất thải độc hại theo nước mưa rơi xuống bể chứa nước của người dân. Còn đối với các nguồn nước ngầm, không phải ở đâu nước lấy lên từ giếng khoan và giếng khơi cũng đạt tiêu chuẩn vệ sinh. Nhiều nơi, hàm lượng sắt trong nước là rất lớn, chính vì vậy nếu sử dụng nguồn nước này sẽ gây ra những hậu quả không tốt cho sức khoẻ của người dân hiện tại và mai sau.

Nước sạch về làng (Nguồn: sưu tầm.)

          Kết thúc một ngày hành trình, kết quả thu về không chỉ là những mẫu nước đã được lấy, mà còn là tâm tư, là niềm tin, là nguyện vọng của người dân dành cho chúng tôi, dành cho chính quyền. Qua bài viết này, tôi mong rằng chúng ta có cái nhìn và hành động thiết thực hơn để cùng nhau chăm lo cho đời sống của người dân nói chung và về vấn đề cấp bách "Nước sạch" nói riêng./.

                                                                                                                      

      Trung tâm Nước sạch và VSMTNT

 

                                                                      

      

 

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây