Hội thảo rà soát đánh giá nhu cầu thông tin thị trường nông sản

Thứ tư - 23/06/2021 22:00 284 0
Vừa qua, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT thành phố Cần Thơ tổ chức Hội thảo rà soát đánh giá nhu cầu thông tin thị trường nông sản của các địa phương.

Tại hội thảo, các địa phương cũng đã nêu lên tầm quan trọng của việc nắm bắt được thông tin thị trường nông sản và thực trạng công tác thông tin thị trường nông sản của địa phương hiện nay vẫn còn nhiều bất cập như ngành nông nghiệp nước ta còn mang tính thời vụ khá cao, thể hiện rõ ở sự biến động của giá cả thị trường đầu ra theo thời vụ. Vào vụ mùa giá rất thấp do cung vượt quá cầu, vào vụ nghịch giá lại bị đẩy lên cao do cung nhỏ hơn cầu. Chính vì vậy, việc giá cả nông sản không bình ổn đã gây rất nhiều khó khăn đến tất cả các thành phần tham gia vào thị trường.

Do thiếu thông tin nên không biết rõ nơi tiêu thụ, sản lượng và yêu cầu về chất lượng sản phẩm của thị trường, nên điệp khúc "được mùa mất giá" diễn ra dai dẳng mà nông dân luôn là người chịu thiệt. Việc tiêu thụ nông sản vẫn thực hiện theo cách thức giới thiệu những mặt hàng mình có, trong khi mặt hàng đó thị trường có cần không, cần bao nhiêu, thời điểm nào cần, tiêu chuẩn như nào thì lại không có đủ thông tin. Công tác dự báo thị trường nông sản vẫn còn bỏ ngỏ, thông tin về giá cả thị trường chủ yếu vẫn dừng lại ở công tác thống kê giá tại chợ đầu mối do các địa phương báo về, chưa có điều tra, nghiên cứu, dự báo về nhu cầu của thị trường, thiếu nhiều dữ liệu thông tin căn bản về thị trường và các ngành hàng.

Hiện nay, hệ thống thông tin thị trường mới chỉ dừng lại ở việc thu thập giá bán buôn nông sản; hiện chỉ có 15 tỉnh thành trên cả nước được tham gia hệ thống và mới thống kê được 14 mặt hàng nông lâm thủy sản (mặt hàng xuất khẩu chủ lực).

 Tại Hội thảo, lãnh đạo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhìn nhận trong bối cảnh xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19, nhưng kim ngạch xuất khẩu nông sản thời gian qua là đáng ghi nhận. Trong năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm thủy sản đạt 41,25 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành khoảng 2,65% (2019: 40,20 tỷ USD, 2018: 36,37 tỷ USD), hiện nông sản Việt Nam đã có mặt trên 186 nước và vùng lãnh thổ. Thị trường xuất khẩu nông sản chính của Việt Nam bao gồm Mỹ (26,2 %), Trung Quốc (24,6 %), EU (9,2 %) , ASEAN (9,18 %), Nhật Bản (8,3 %) và theo dự báo, trong thời gian tới Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu nông sản tiềm năng của Việt Nam. Để đạt được kết quả như trên, một mặt do công tác thị trường được chú trọng; mặt khác, đã tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị và xây dựng các chính sách phù hợp để hỗ trợ sản xuất trong nước và xuất khẩu. Hiện nay, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng đã xây dựng một số website để cung câp thông tin thị trường và giới thiệu nông sản Việt Nam như: http://ipsard.gov.vn/defauld.aspx;http://agro.gov.vn/defauld.aspx; http://thitruongnongsan.gov.vn.

Từ những vấn đề nêu trên, lãnh đạo các địa phương đã đề xuất, kiến nghị Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đề ra một số giải pháp tăng cường công tác thị trường thời gian tới như sau: (1) tăng cường đào tạo, tập huấn cán bộ thực hiện công tác thông tin và dự báo thị trường; (2) tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại tìm hiểu thị trường trong và ngoài nước; (3) cung cấp thông tin quy hoạch, kế hoạch sản xuất chi tiết để doanh nghiệp, nông dân bố trí sản xuất theo nhu cầu thị trường; (4) tiếp tục hỗ trợ, vận động sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm; (5) Đồng bộ thông tin thị trường từ trung ương đến cơ sở và số hóa công tác thông tin, kết nối với chuyên gia ngành hàng chuyên nghiên cứu thị trường trong và ngoài nước./.

Phòng Phát triển nông thôn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây