Tây Ninh phấn đấu đến năm 2020 có hơn 60% xã đạt chuẩn nông thôn mới

Thứ hai - 14/09/2020 22:00 348 0
Là địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, không có nguồn lực dồi dào như nhiều địa phương khác trong vùng, vì vậy, ngay khi bắt tay vào thực hiện xây dựng nông thôn mới, Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Tây Ninh đã xác định: Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đồng lòng của nhân dân là yếu tố quyết định đến sự thành công của Chương trình.

Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng thiết yếu cấp xã trên địa bàn tỉnh đã được nhà nước quan tâm đầu tư như: hạ tầng giao thông, trường học, trạm y tế, cơ sở vật chất văn hóa,... làm thay đổi bộ mặt của nông thôn, tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của nhiều xã vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn. Nhờ tập trung tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới, phong trào thi đua "Tây Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới" đã đạt được những kết quả khả quan. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã trở thành cuộc vận động lớn, được các ngành, các cấp, các địa phương, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tích cực hưởng ứng tham gia.

Nếu như năm 2010, tỉnh chỉ có 1 xã đạt 7 tiêu chí và có 68 xã đạt dưới 5 tiêu chí, đến nay, tỉnh có 35/71 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 11 xã biên giới, chiếm 49,3% số xã toàn tỉnh; huyện Hòa Thành có 4/4 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Có 36 xã đạt tiêu chí giao thông (chiếm tỷ lệ 51%), 70 xã đạt tiêu chí thủy lợi (chiếm tỷ lệ 99%), 71 xã đạt tiêu chí điện (chiếm tỷ lệ 100%), 40 xã đạt tiêu chí trường học (chiếm tỷ lệ 56%), 36 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa (chiếm tỷ lệ 51%), 62 xã đạt tiêu chí chợ (chiếm tỷ lệ 87%), 71 xã đạt tiêu chí thông tin và truyền thông (chiếm tỷ lệ 100%), 65 xã đạt tiêu chí nhà ở dân cư (chiếm tỷ lệ 92%). Dự kiến năm 2020 toàn tỉnh sẽ có 45/71 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 18 xã biên giới, chiếm 63,3% số xã toàn tỉnh, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần X và chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1865/QĐ-TTg ngày 23/11/2017 (50% số xã); có 02 đơn vị cấp huyện: Thị xã Hòa Thành, thành phố Tây Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Các chính sách thu hút nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp đã được tỉnh triển khai thực hiện. Giai đoạn 2016-2020, Tỉnh đã thu hút được 03 dự án FDI với vốn đăng ký trên 48 triệu USD và 40 dự án nông nghiệp trong nước với vốn đăng ký trên 3.600 tỷ đồng. Đến cuối năm 2015, toàn tỉnh còn 4.354 hộ nghèo, hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 1,49%. Năm 2016, áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều cho giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ, đến cuối năm 2019 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 0,85%.

Quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, các cơ chế, chính sách ưu đãi và hỗ trợ sản xuất nông nghiệp đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chuyển đổi sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, góp phần nâng cao thu nhập của người dân nông thôn. Nhiều mô hình sản xuất áp dụng tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao được nhân rộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao như: hệ thống nhà lưới, nhà màng kết hợp các kỹ thuật tưới tiết kiệm; các trang trại chăn nuôi khép kín, trại lạnh, sử dụng hệ thống phân phối thức ăn, nước uống tự động, sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý trang trại, chẩn đoán bệnh; nuôi cá trong vèo hoặc ao ương, bể ương; đăng ký mã số vùng trồng đối với nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc; ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc KIPUS…

Trang trại lan ngọc điểm, xã Tân Hà, huyện Tân Châu (Tác giả: Đức Kiên)

Trong phát triển giáo dục, y tế cũng đạt nhiều kết quả quan trọng. Có 100% số xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở, tỷ lệ phổ cập mẫu giáo 5 tuổi đạt 100%; 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, trạm y tế xã được đầu tư đáp ứng được nhu cầu hoạt động, phục vụ nhân dân; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 83,3% so với dân số toàn tỉnh. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao phục vụ xây dựng nông thôn mới được tổ chức thường xuyên như: Hội thi, hội diễn, liên hoan kịch ngắn – kịch vui, liên hoan đờn ca tài tử,… Mặt trận tổ quốc phối hợp với chính quyền các cấp tổ chức các hoạt động phát hoang, dọn dẹp vệ sinh môi trường 15.351 km đường giao thông nông thôn; thu gom 43 tấn rác thải các loại; khai thông 26 km kênh mương nội đồng; trồng 7.300 cây xanh các loại; phát hành 3.400 tờ rơi, treo 856 băng rôn và tuyên truyền 221 cuộc với 19.892 lượt người dự, phối hợp tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh được trên 23.000 phút; tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường và phòng ngừa ứng phó với biến đổi khí hậu cho 100 chức sắc các tôn giáo trong tỉnh để bảo vệ môi trường…

Tuyến đường hoa thực hiện từ kinh phí xã hội hóa, xã Long Thành Nam, thị xã Hòa Thành

 

Để hoàn thành mục tiêu năm 2020 và cả giai đoạn 2016-2020, Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh đã đề ra những giải pháp như: Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động và công tác truyền thông; tổ chức các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới từ tỉnh đến cơ sở; phát huy vai trò, trách nhiệm cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đề án Cơ cấu lại nông nghiệp tỉnh Tây Ninh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; đề án thực hiện Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm. lồng ghép nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn để thực hiện các tiêu chí nông thôn mới. Tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng cán bộ xây dựng nông thôn mới các cấp và năng lực, nhận thức cộng đồng, người dân (nhất là khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa) về nội dung, phương pháp, cách làm nông thôn mới./.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây