Tọa đàm “Hội quán đồng hành cùng sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương Đồng Tháp

Thứ sáu - 24/11/2023 21:30 559 0

Sáng ngày 19/11/2023, ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tây Ninh đã tham dự buổi tọa đàm "Hội quán đồng hành cùng sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương Đồng Tháp" tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Đồng Tháp. Tại buổi tọa đàm có ông Lê Minh Hoan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, ông Phạm Thiện Nghĩa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cùng gần 300 đại biểu đến từ cấp trung ương, địa phương, cùng các tổ chức quốc tế (FAO, USAID, UNESCO, WB, UNDP…) đến dự.

Phát biểu khai mạc, ông Lê Thành Công - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Tháp, Trưởng Ban tổ chức Ngày hội nhấn mạnh: “Hoạt động tọa đàm nhằm đánh giá, tôn vinh các đóng góp của Hội quán và sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương Đồng Tháp. Qua đó khẳng định vị trí, vai trò và trách nhiệm của các Hội quán trong quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp nói riêng và sự phát triển kinh tế của tỉnh Đồng Tháp nói chung”.

Ông Lê Minh Hoan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT phát biểu tại buổi tọa đàm.

Từ Hội quán đầu tiên là “Canh Tân Hội quán” ra đời vào ngày 03/7/2016 tại xã An Nhơn, huyện Châu Thành với 105 thành viên, là hội quán đầu tiên trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã có 145 Hội quán, với gần 8.000 thành viên, hoạt động trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nông thôn và nhiều lĩnh vực khác.

Những Hội quán được thành lập ở Đồng Tháp trong thời gian qua là hình thức liên kết tự nguyện của nông dân, nhằm chia sẻ những kiến thức trong lĩnh vực nông nghiệp, văn hóa, xã hội ... nhằm hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh. Đặc trưng của mô hình này là sự tự nguyện tham gia của người dân, không biên chế, không ngân sách, hoạt động đơn thuần là hướng đến sự thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân. 

Từ khi ra đời cho đến nay, Hội quán đã khẳng định được vai trò quan trọng trong việc tham gia thiết lập cộng đồng dân cư theo xu hướng tự lực - bền vững và ngày càng phát huy rõ nét vai trò chủ thể của người dân trong phát triển kinh tế - xã hội, là trung tâm, động lực của người dân trong xây dựng nông thôn mới (NTM) và phát triển kinh tế nông thôn. Thông qua hợp tác, chia sẻ trong các sinh hoạt Hội quán, đã dần xuất hiện tư duy lớn cho mô hình kinh tế tập thể, đây còn là không gian để cộng đồng, người dân có thể chia sẻ, đồng hành và cùng nhau hành động để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, xây dựng đời sống mới ... Đặc biệt là từng bước xóa bỏ tư tưởng trông chờ cấp ủy, chính quyền nghĩ thay, làm thay. Từ mô hình Hội quán đã phát triển 38 hợp tác xã, góp phần xây dựng NTM, qua đó chủ động tạo ra sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, đáp ứng nhu cầu thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao, thúc đẩy tích cực chương trình OCOP.

Nhằm tạo điều kiện cho các Hội quán hoạt động, chính quyền các cấp ở Đồng Tháp đã chỉ đạo các ngành chức năng tập huấn công nghệ thông tin, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, cung cấp thông tin về thị trường và hỗ trợ máy vi tính, đường truyền cáp quang, tivi, máy chiếu… giúp các Hội quán kết nối nhanh về ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng vào sản xuất, tiêu thụ nông sản, hoạt động chuyên nghiệp, năng động, hiệu quả và tự tin hơn trong liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng NTM.

Trong khuôn khổ chương trình Ngày hội Hội quán Đất sen hồng lần thứ I, tọa đàm “Hội quán đồng hành cùng sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương Đồng Tháp” diễn ra trong 3 phiên. Phiên thứ nhất có chủ đề: Vấn đề lý luận và thực tiễn về Hội quán, phiên thứ hai và ba, cụ thể là: Cách tiếp cận để phát huy vai trò của Hội quán và Hội quán đồng hành cùng sự phát triển kinh tế xã hội.

Đại biểu trao đổi tại buổi tọa đàm Hội quán đất Sen hồng đồng hành cùng sự phát triển kinh tế xã hội địa phương Đồng Tháp

Tại buổi tọa đàm, nhiều đại biểu phát biểu ý kiến và đưa ra nhiều dẫn chứng cụ thể, khẳng định Hội quán đóng vai trò rất quan trọng vào hành trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Song song đó, các đại biểu cũng bày tỏ nhiều ý kiến lo ngại và hạn chế từ thực tiễn hoạt động và mong muốn các đại biểu, các chuyên gia, đặc biệt là chuyên gia đến từ các tổ chức quốc tế tham gia đóng góp, đề xuất ý kiến giải pháp để cấp ủy, chính quyền tỉnh Đồng Tháp có thêm nhiều giải pháp phát huy hơn nữa hiệu quả của Hội quán trong tương lai./.

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

  Góp ý

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây