Hiện nay, trên địa bàn thành phố Tây Ninh có hơn 160 ha xoài. Các giống được trồng phổ biến là cát hòa lộc, cát chu và một số giống ăn sống như: xoài Thái, xoài Đài Loan,… Trong đó, phần lớn diện tích canh tác tập trung tại khu vực xung quanh chân núi Bà Đen thuộc địa bàn các xã, phường: Tân Bình, Thạnh Tân, Ninh Sơn và Ninh Thạnh. Nhìn chung, xoài là loại cây ăn trái dễ canh tác, ít kén đất. Tuy nhiên, trong quá trình canh tác đã xuất hiện các đối tượng gây hại như: bệnh khô đọt, bệnh thán thư, ruồi đục quả, … trong đó đáng chú ý là đối tượng xén tóc gây ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng, phát triển của cây và có thể gây chết cây nếu phát sinh gây hại nặng.
Xén tóc gây hại cây xoài có 02 loại: xén tóc nhỏ gây hại chủ yếu trên cây tơ và xén tóc lớn gây hại chủ yếu trên cây lớn, khoảng 10 năm tuổi trở lên. Trong đó, xén tóc lớn có tên khoa học là Plocaederus ruficornis, đang là đối tượng gây hại được nhiều nông dân trồng xoài quan tâm. Sau đây là một số thông tin chung về đối tượng gây hại này.
1. Đặc điểm hình thái
- Ấu trùng: dài khoảng 50 – 60 mm, có màu trắng, đầu rất nhỏ so với cơ thể.
- Nhộng: được bao bọc trong kén trắng to, rất cứng.
- Trưởng thành: có thân cứng và màu nâu sậm; chân và râu màu nâu đỏ; dài từ 2,5 – 4cm; râu cứng, dài hơn chiều dài cơ thể và có màu đỏ; cơ thể phủ một lớp lông màu xám ngắn.
2. Tập quán sinh sống, cách gây hại của xén tóc
- Trưởng thành thường bị thu hút bởi ánh sáng đèn vào đầu mùa mưa; thức ăn chủ yếu là mật, phấn hoa hoặc các phần non của đọt.
- Con cái đẻ trứng tại chảng ba của cây, vết nứt hoặc vết thương ở thân cây.
- Ấu trùng sau khi nở bắt đầu hoạt động dưới bề mặt của vỏ cây, chui vào trong thân cây, cành cây đục thành đường hầm quanh co không đều nhau, ăn các mô mềm tại đây và khi đủ lớn sẽ chui ra ngoài đường hầm làm nhộng ngay dưới vỏ cây.
- Ấu trùng gây hại không thải phân ra ngoài đường hầm nên rất khó phát hiện. Thông thường chỉ có thể phát hiện khi phát hiện thành trùng hoặc các lổ đục nhỏ và chảy mủ trên thân, cành. Lưu ý, trên một cây có thể có nhiều ấu trùng cùng đồng thời gây hại.
- Đồng thời, vết đục bị chảy nhựa tạo điều kiện cho nấm mốc xâm nhập, gây hại cây. Trường hợp nghiêm trọng cây xoài có thể bị chết thân, cành, nhánh do nấm mốc, vi khuẩn tấn công.
3. Biện pháp phòng trừ
Do ấu trùng nằm sâu bên trong thân, cành, nhánh nên rất khó để phòng trị. Bà con nông dân có thể áp dụng một số biện pháp quản lý sau:
- Hạn chế tối đa việc chặt hoặc lột vỏ gốc cây để kích thích cây ra hoa, vì đó là tạo điều kiện thuận lợi cho xén tóc đẻ trứng trên thân cây.
- Vào đầu mùa mưa, sử dụng bẫy đèn để bắt trưởng thành xén tóc.
- Thăm vườn thường xuyên, kiểm tra kỹ thân, cành, nhánh để có thể phát hiện sớm ấu trùng xén tóc mới nở, các lổ đục của ấu trùng (nếu có) để phòng trị kịp thời. Sử dụng các sản phẩm thuốc trừ sâu có tính lưu dẫn, xông hơi như: Spirotetramat; Imidacloprid, Thiamethoxam, hỗn hợp Acetamiprid + Fenobucarb … phun lên bề mặt lớp vỏ thân cây nhằm diệt ấu trùng xén tóc tuổi nhỏ (mới nở, bắt đầu phá hại). Khi phát hiện lổ đục, có thể dùng dây kẽm soi lổ đục + dùng bông gòn thấm thuốc trừ sâu nhét vào lổ đục + quét thuốc gốc đồng để phòng các đối tượng gây bệnh tấn công qua lổ đục và cuối cùng là dùng đất sét trám bít lổ đục lại./.
TRẠM TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT THÀNH PHỐ TÂY NINH
Tác giả: Bao ve thuc vat
Ý kiến bạn đọc