KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHUỖI LIÊN KẾT SẢN XUẤT – TIÊU THỤ NÔNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TÂY NINH

Thứ năm - 15/09/2022 08:21 696 0

Trong thời gian qua, để mở rộng chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản, Ngành Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án Phát triển chuỗi giá trị và cụm ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh[1] và Kế hoạch phát triển chuỗi giá trị chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022-2025[2], đồng thời triển khai các giải pháp như ưu tiên kêu gọi các nhà đầu tư có thực hiện chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ, cung cấp giống, vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân; triển khai chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Quyết định số 23/2019/QĐ-UBND ngày 28/6/2019 của UBND tỉnh và khuyến khích các hộ nông dân tham gia các hình thức kinh tế hợp tác (HTX, THT).

Kết quả đến nay trên địa bàn tỉnh đã hình thành các chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ trên 09 sản phẩm chủ lực của tỉnh như sau:

1. Chuỗi giá trị chăn nuôi

   - Chuỗi giá trị chăn nuôi heo: Chuỗi liên kết chăn nuôi gia công - giết mổ - tiêu thụ sản phẩm, gồm 64 trang trại với quy mô 118.820 con; sản lượng khoảng 18.980 tấn, chiếm 45% sản lượng thịt heo của tỉnh.

   - Chuỗi giá trị chăn nuôi bò sữa: sản lượng sữa bò tươi của tỉnh khoảng 142 tấn/ngày, 100% sữa ở hộ dân được công ty thu mua.

   - Chuỗi giá trị chăn nuôi bò thịt:

+ Chuỗi thịt bò tươi cung cấp cho thị trường ngoài tỉnh (chủ yếu là Thành phố  Hồ Chí Minh): sản lượng khoảng 5.488 tấn, chiếm 44,6% sản lượng thịt bò được giết mổ tại địa bàn tỉnh.

   + Chuỗi chăn nuôi, giết mổ, pha lóc, chế biến sản phẩm thịt bò của Công ty Pacow theo công nghệ thịt mát; sản lượng 912,5 tấn/năm (trong đó 50% từ nuôi trong tỉnh), chiếm 7,4% sản lượng thịt bò được giết mổ tại địa bàn tỉnh.

   2. Chuỗi giá trị trồng trọt

   - Cây mì: tổng diện tích sản xuất mì năm 2021 là 59.168 ha, hầu hết được tiêu thụ, chế biến tại các doanh nghiệp chế biến khoai mì trên địa bàn tỉnh.

   - Cây mía: tổng diện tích sản xuất mía trên địa bàn tỉnh năm 2021 là 6.135,6 ha, hầu hết diện tích này đều được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Nhà máy đường Thành Thành Công - Biên Hoà từ đầu vụ, ngoài ra Nhà máy còn ký hợp đồng bao tiêu với 8.908 ha mía từ Campuchia.

   - Cây mãng cầu: diện tích sản xuất mãng cầu năm 2021 trên địa bàn tỉnh là 5.494,7 ha, trong đó có khoảng 200 ha mãng cầu được liên kết tiêu thụ sản phẩm với Công ty Cổ phẩn Natani và Hợp tác xã Nông nghiệp Mãng cầu Thạnh Tân.

   - Cây chuối: tổng diện tích sản xuất chuối năm 2021 trên địa bàn tỉnh là 1.995,8 ha, trong đó có khoảng 196 ha chuối già Nam Mỹ của Công ty TNHH Huy Long An và Công ty Cổ phần Thành Thành Công Biên Hòa có hợp đồng xuất khẩu được ký kết, chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường Nhật, Hàn Quốc, Malaysia, Trung Quốc.

- Cây lúa: Hiện đang triển khai xây dựng liên kết chuỗi giữa Công ty CP Sản xuất Thương mại Lúa Vàng Việt và nông dân trên địa bàn.

                                

                        Vườn mãng cầu của Hợp tác xã Mãng cầu Thạnh Tân, TP Tây Ninh.

Các chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ được hình thành, đã đem lại những lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và nông dân, cụ thể:

1. Đối với doanh nghiệp

- Tạo được vùng nguyên liệu tại chỗ, tiết kiệm được chi phí sản xuất và ổn định về số lượng đầu vào.

- Kiểm soát được toàn bộ quy trình sản xuất và truy xuất nguồn gốc sản phẩm thu mua, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm.

- Tiếp cận được nguồn vốn từ các chính sách hỗ trợ liên kết và phát triển sản xuất nông nghiệp.

- Được hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu.

2. Đối với nông dân

- Sản phẩm được bao tiêu, đầu ra và thu nhập ổn định, giảm rủi ro về giá cả, tạo tâm lý an tâm khi sản xuất.

- Được đào tạo, tập huấn, tiếp cận các tiến bộ khoa học, công nghệ để tạo ra các sản phẩm có năng suất, chất lượng và đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, có sức cạnh tranh.

- Được hỗ trợ về vốn từ các chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất – tiêu thụ.

Tuy nhiên để liên kết chuỗi được bền vững thì quyền lợi phải được hài hòa giữa doanh nghiệp và nông dân, đồng thời cần có sự cam kết giữa các bên tham gia: nông dân cam kết sản xuất theo quy trình, không bán nông sản cho đơn vị khác khi thị trường được giá; doanh nghiệp không ép giá hoặc đẩy rủi ro cho nông dân khi thị trường mất giá./.

 

[1] Quyết định số 2029/QĐ-UBND ngày 20/9/2019 của UBND tỉnh Tây Ninh

[2] Kế hoạch số 2826/KH-UBND ngày 26/8/2022 của UBND tỉnh Tây Ninh

Tác giả: Thông tin can biet -khtc

Nguồn tin: Phòng KHTC Sở

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây