Ngày 30/12/2022, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 30/2022/TT-BNNPTNT hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn về nông nghiệp và phát triển nông thôn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, Thông tư này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 31/3/2023.
Thông tư số 30/2022/TT-BNNPTNT đã bãi bỏ Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BNNPTNT-BNV ngày 25/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về nông nghiệp và phát triển nông thôn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và bãi bỏ hầu hết các quy định tại Thông tư số 15/2015/TT-BNNPTNT ngày 26/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn nhiệm vụ các chi cục và các tổ chức sự nghiệp trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
* Theo Thông tư số 30/2022/TT-BNNPTNT, vị trí, chức năng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không có thay đổi so với quy định hiện hành tại Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BNNPTNT-BNV.
* Về nhiệm vụ và quyền hạn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tư số 30/2022/TT-BNNPTNT quy định theo hướng chi tiết hơn và có bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn như:
- Tách quy định tại khoản 4 Điều 2 của Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BNNPTNT-BNV “Về nông nghiệp (trồng trọt, bảo vệ thực vật, chăn nuôi, thú y)” thành 02 khoản tại Điều 2 của Thông tư số 30/2022/TT-BNNPTNT là: “4. Về trồng trọt, bảo vệ thực vật” và “5. Về chăn nuôi, thú y”, đồng thời bổ sung một số quy định cho phù hợp với Luật Thú y năm 2015, Luật Trồng trọt năm 2018 và Luật Chăn nuôi năm 2018.
- Tách quy định về phòng, chống thiên tai ra khỏi quy định về thủy lợi. Nếu khoản 8 Điều 2 của Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BNNPTNT-BNV (về thuỷ lợi) chỉ quy định chung chung về công tác phòng, chống thiên tai “c) Hướng dẫn, kiểm tra và chịu trách nhiệm về việc xây dựng, khai thác, bảo vệ đê điều, bảo vệ công trình phòng, chống thiên tai; xây dựng phương án, biện pháp và tổ chức thực hiện việc phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật” thì Thông tư số 30/2022/TT-BNNPTNT đã tách quy định về công tác này thành 01 khoản riêng tại Điều 2 (khoản 10. Về phòng, chống thiên tai) với nhiều quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác phòng, chống thiên tai.
- Bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn như: (1) Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp kết hợp công nghiệp, nông nghiệp kết hợp dịch vụ, tăng trưởng xanh, kinh tế chia sẻ trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật (khoản 15 Điều 2); (2) Thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp và phát triển nông thôn theo quy định (khoản 27 Điều 2).
* Thông tư số 30/2022/TT-BNNPTNT không quy định về cơ cấu tổ chức của Sở, do đã được quy định tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Thông tư số 30/2022/TT-BNNPTNT chỉ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chi cục thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, như: Chi cục về lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật; Chi cục về lĩnh vực chăn nuôi, thú y; Chi cục về lĩnh vực lâm nghiệp, kiểm lâm; Chi cục về lĩnh vực thủy sản, kiểm ngư; Chi cục về lĩnh vực thủy lợi, đê điều, phòng, chống thiên tai; Chi cục về lĩnh vực kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn; Chi cục về lĩnh vực chất lượng, chế biến và phát triển thị trường.
* Về thẩm quyền quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của các phòng, cơ quan, đơn vị thuộc Sở:
Khoản 26 Điều 2 của Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BNNPTNT-BNV quy định: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn “quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của văn phòng, phòng chuyên môn nghiệp vụ, chi cục, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở theo hướng dẫn chung của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh”.
Tuy nhiên, quy định này không còn phù hợp với quy định tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP. Do đó, Thông tư số 30/2022/TT-BNNPTNT đã quy định lại như sau:
- Tại khoản 30 Điều 2: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn “quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các phòng chuyên môn, nghiệp vụ, văn phòng (nếu có); mối quan hệ công tác của các đơn vị thuộc Sở theo hướng dẫn chung của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh”.
- Tại điểm d khoản 1 Điều 2: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh “Dự thảo quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở, chi cục thuộc Sở; dự thảo quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở theo quy định của pháp luật”.
- Tại điểm b khoản 2 Điều 2: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh “Dự thảo quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở”./.
Tác giả: Thong tin can biet -tts
Ý kiến bạn đọc