Tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2018 - công trình thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa

Thứ sáu - 21/09/2018 16:00 140 0

Ngày 07/9/2018, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn công trình thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2018, Ông Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, ông Nguyễn Tiếp Tân Chủ tịch Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa chủ trì Hội nghị. Tham gia Hội nghị gồm có: Chi cục phòng, chống thiên tai miền Nam, Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ, Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy lợi, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi, Đài Khí tượng Thủy văn các tỉnh Tây Ninh, Binh Dương, Bình Phước, Long An, Tp Hồ Chí Minh, ...



Sau khi nghe đại diện Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa báo cáo Tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn công  trình thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2018; ý kiến phát biểu đại biểu dự Hội nghị. Ông Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phát biểu kết luận, chỉ đạo Hội nghị như sau:

Một là, hiện nay, đang bước vào mùa mưa, do đó Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa phải chủ động xây dựng kế hoạch vận hành nước hồ Dầu Tiếng đảm bảo an toàn công trình (thông báo kế hoạch đến UBND các tỉnh, thành phố biết để chủ động trong công tác phối hợp), mặt khác phải chủ động đảm bảo cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, cung cấp nước sinh hoạt các tỉnh Tây Ninh, Tp Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương, Bình Phước và đảm bảo an toàn khu vực hạ du sông Sài Gòn,...

Hai là, xây dựng kế hoạch kiểm tra, sửa chữa, nâng cấp đảm bảo công trình an toàn tuyệt đối, phải có kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư theo phương châm "4 tại chỗ" để ứng phó trong trường hợp công trình xảy ra sự cố (nếu có), chủ động phối hợp với tỉnh Tây Ninh trong việc triển khai dự án đầu tư, sửa chữa nâng cấp kênh Tây thuộc hệ thống Dầu Tiếng (từ vị trí K21+719-K30+730, K34+930-K36+560) với dự án Tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông mà hiện nay tỉnh đang thực hiện (đặc biệt không ảnh hưởng đến công tác tưới, tiêu của hệ thống kênh Tây, Tân Biên; thông báo rộng rãi cho Nhân dân biết để chủ động chuyển đổi cây trồng ít sử dụng nước tưới).

Ba là, chủ động đề xuất phát huy khả năng khai thác đa mục tiêu công trình thủy lợi hồ Dầu Tiếng trên cơ sở tham mưu UBND tỉnh Tây Ninh kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT sớm phê duyệt quy hoạch tổng thể hồ Dầu Tiếng - Phước Hòa theo hướng phát triển đa mục tiêu: Du lịch, phát triển điện năng, phát triển sử dụng tổng hợp nguồn tài nguyên nước, khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản,.... nhưng phải theo đúng quy định của pháp luật, có kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ.

Bốn là, thực hiện quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả diện tích đất bán ngập đã được UBND tỉnh Tây Ninh giao quản lý theo Quyết định số 2812/QĐ-UBND ngày 09/12/2014 về việc giao đất từ cao trình +24,4m trở xuống khu vực lòng hồ Dầu Tiếng (địa phận tỉnh Tây Ninh) cho Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa quản lý; phối hợp với Chủ đầu tư, đơn vị liên quan giám sát việc bàn giao đất, thi công dự án nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng 1,2,3, Nhà máy điện Tân Châu 1; kiểm tra, báo cáo kịp thời tình hình hoạt động khai thác khoáng sản, tình hình người Việt kiều Campuchia về sinh sống ở trong khu vực đất bán ngập và hồ nước; đánh bắt thủy sản, xả thải vào công trình thủy lợi, kiểm soát chất lượng nguồn nước, để UBND tỉnh biết chỉ đạo.

Năm là, tham mưu, đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng quy chế phối hợp trong công tác quản lý bảo vệ công trình giữa Chủ hồ với UBND các tỉnh, thành phố trong vùng hưởng lợi nhằm tăng cường chức năng quản lý nhà nước; rà soát, hoàn chỉnh các phương án bảo vệ công trình thủy lợi; phương án phòng, chống lụt, bão công trình hồ chứa nước Dầu Tiếng đúng theo quy định, Luật Thủy lợi năm 2017.

Sáu là, Chủ động, đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Tây Ninh tổng kết, đánh giá hiệu quả công trình hồ Dầu Tiếng sau hơn 35 năm xây dựng, 30 năm quản lý, vận hành khai thác, nhằm đánh giá tiềm năng hiện có của công trình, những mặt được, chưa được để hoàn chỉnh, phát huy hiệu quả công trình thủy lợi hồ Dầu Tiếng sau khi đã được bổ sung cấp nước từ hồ Phước Hòa.

Bảy là, thực hiện vận hành điều tiết tích nước, xả lũ hồ Dầu Tiếng theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Đồng Nai được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 471/QĐ-TTg ngày 24/3/2016, đồng thời Công ty phối hợp với UBND Tp Hồ Chí Minh, Bộ Nông nghiệp và PTNT, đơn vị liên quan làm việc Bộ Tài nguyên Môi trường để đề xuất điều chỉnh Quy trình vận hành liên hồ chứa để phù hợp với điềi kiện của hồ Dầu Tiếng, đảm bảo tích, cấp đủ nước; chủ động thông báo kịp thời cho chính quyền địa phương, Nhân dân khu vực hạ du trước khi xả tràn hạ thấp mực nước hồ nhằm đảm bảo an toàn công trình, an toàn vùng hạ du.

Tám là, Quan trắc đập chính, đập phụ, tràn; thực hiện đúng các kết luận theo Biên bản kiểm tra ngày 11/5/2018; tập kết phương tiện, vật tư, trang thiết bị, tổ chức trực ban, báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh theo quy định.

Công an Tây Ninh, huyện Dương Minh Châu, Huyện Tân Châu, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa tuần tra đập chính, đập phụ; UBND huyện Dầu Tiếng hỗ trơ xử lý các hộ nuôi cá lồng, bè trong hồ Dầu Tiếng; các địa phương hỗ trợ kinh phí để Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa sửa chữa, khắc phục công trình của hồ./.

                                                                                                                                                             Chi cục Thủy lợi Tây Ninh

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây