Hội nghị góp ý đề án phát triển nông nghiệp phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh

Thứ sáu - 06/05/2016 17:00 159 0

Sáng ngày 25/02/2016 và 04/3/2016 tại Hội trường Sở Nông nghiệp và PTNT, ngành đã tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo các Đề án phát triển nông nghiệp phục vụ Tái cơ cấu ngành với sự tham gia của Lãnh đạo UBND các huyện, Thành phố và các Sở Ngành liên quan. Trong đó, đồng chí PGĐ Sở Nguyễn Thái Sơn đã chủ trì góp ý cho các đề án lĩnh vực chăn nuôi: Phát triển chăn nuôi bò thịt trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016-202;  Phát triển chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh theo hướng nâng cao hiệu quả kinh tế, đảm bảo ATTP và VSMT đến năm 2020. Tiếp theo đồng chí PGĐ Sở Nguyễn Duy Ân đã chủ trì góp ý cho các đề án lĩnh vực trồng trọt: Sản xuất sơ chế và tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016-2020; Xây dựng vùng sản xuất lúa chất lượng cao và lúa đặc sản giai đoạn 2016- 2020.

Theo đó, mục tiêu của Đề án Phát triển chăn nuôi bò thịt trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016-2020 là phát triển chăn nuôi bò thịt phù hợp với các vùng sinh thái nhằm sản xuất thịt bò có số lượng và chất lượng cao đáp ứng một phần nhu cầu tiêu thụ trong nước, chuyển hướng chăn nuôi bò truyền thống sang bán thâm canh và thâm canh, tạo việc làm, tăng giá trị gia tăng cho đàn bò và giá trị chăn nuôi, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho nông dân, phát triển chăn nuôi bò thịt bền vững và bảo vệ môi trường góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn. Dự kiến khi đề án được thực hiện thì đến năm 2020 quy mô đàn bò đạt 110.000 con, trong đó: Đàn bò nuôi trong nông hộ: 90.000 con, đàn bò nuôi trong các trang trại, doanh nghiệp: 20.000 con. Sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng 8.500 tấn, tăng 21,4% so năm 2016; GTSX (theo giá CĐ 2010) đạt 430 tỷ đồng, tăng 23% so năm 2016. Tỷ lệ đàn bò hướng thịt đạt 34.520 con chiếm 31,4% tổng đàn (từ gieo tinh nhân tạo chiếm 10,9%; từ phối giống trực tiếp chiếm 2,3%; từ tăng cơ học chiếm 18,2%). Tăng trọng lượng bò thịt từ 270 kg/con lên 448 kg/con; tăng tỷ lệ thịt xẻ từ 42% lên 47%; giảm giá thành sản xuất 20%, nâng cao hiệu quả chăn nuôi 30%.

Đối với Đề án Phát triển chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh theo hướng nâng cao hiệu quả kinh tế, đảm bảo ATTP và VSMT đến năm 2020, xác định mục tiêu cần phát triển chăn nuôi heo bền vững theo hướng nâng cao thu nhập, đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường, góp phần nâng tỷ trọng giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi trong nông nghiệp; Giảm giá thành sản xuất để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm thịt heo trên thị trường nội địa, đồng thời hình thành mối liên kết trong sản xuất, phối hợp sử dụng nguồn lực xã hội phục vụ phát triển chăn nuôi heo. Cụ thể đến năm 2020 sẽ tiến tới giảm giá thành chăn nuôi tại các trại, nông hộ tham gia Đề án 10% so đại trà; Tỷ lệ heo lai từ 3 máu trở lên trong đàn heo thịt đạt 98%; Năng suất heo nái tại các hộ, trại tham gia đề án đạt bình quân 20 heo con/nái/năm; Tỷ lệ heo đạt tiêu chuẩn VietGAHP 25% so với tổng đàn.





Tiếp theo Đề án Sản xuất sơ chế và tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu sẽ tạo động lực thúc đẩy việc phát triển sản xuất và tiêu thụ RAT trong những năm tới, đưa công tác quản lý sản xuất và tiêu thụ RAT trên địa bàn tỉnh dần đi vào nề nếp, nâng cao hiệu quả cho người trồng rau, đáp ứng nhu cầu về sản phẩm RAT cho người tiêu dùng. Áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm; xây dựng các vùng sản xuất rau chuyên canh theo tiêu chuẩn VietGAP gắn kết với sơ chế, chế biến và tiêu thụ; hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, hộ nông dân đầu tư vào sản xuất, chế biến, kinh doanh RAT, nâng cao năng suất, chất lượng rau, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người sản xuất. Dự kiến đến năm 2020: có 50% diện tích sản xuất tại các vùng rau chuyên canh áp dụng công nghệ cao; sản lượng rau qua sơ chế, chế biến, đóng gói đạt 30%; có 90% diện tích sản xuất rau được giám sát, kiểm tra điều kiện ATTP, trong đó diện tích đạt tiêu chuẩn VietGAP là 20%; có 50% cửa hàng kinh doanh rau an toàn tại trung tâm các huyện, thành phố, chợ đầu mối, chợ đấu giá nông sản phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP kinh doanh rau an toàn; 100% chợ tại các xã, phường, thị trấn phải có cửa hàng kinh doanh rau an toàn; xây dựng ít nhất 2 chuỗi liên kết sản xuất, sơ chế, kinh doanh rau an toàn.

Và đề án cuối cùng mà ngành cần thông qua lấy ý kiến góp ý đó là Đề án Nâng cao hiệu quả sản xuất lúa và xây dựng vùng lúa chất lượng cao nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh theo hướng nâng cao năng suất và giá trị hạt gạo; Nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo, nghiên cứu và ứng dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Hình thành mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Khi đề án được thực hiện dự kiến đến năm 2020: Tỷ lệ diện tích sử dụng giống lúa cấp xác nhận đến năm 2020 chiếm hơn 80% tổng diện tích lúa của Tỉnh; Diện tích sản xuất lúa chất lượng cao và lúa đặc sản chiếm 30% diện tích sản xuất lúa cả năm của Tỉnh (trong đó diện tích lúa đặc sản chiếm 8%); Nâng cao hiệu quả sản xuất lúa chất lượng cao và lúa đặc sản so với sản xuất lúa hiện nay từ 10-20%; Góp phần xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn.



 

Nhiều ý kiến tại cuộc họp đã góp ý để đề án được cụ thể hơn những nội dung liên quan đến mức hỗ trợ, kinh phí thực hiện cùng thời gian thực hiện và công tác triển khai thực hiện.

Kết luận cuộc họp, Lãnh đạo Sở đã cảm ơn các đơn vị tham dự đã có những ý kiến góp ý định hướng cho việc xây dựng chi tiết nội dung để khi triển khai thực hiện sẽ mang lại hiệu quả thiết thực góp phần phát triển nông nghiệp tỉnh nhà, qua đó Lãnh đạo Sở đề nghị các đơn vị xây dựng đề án tiếp thu các ý kiến góp ý, hoàn chỉnh Đề án để Sở tiếp tục lấy ý kiến của các chuyên gia đầu ngành như: Viện Khoa học kỹ thuật miền Nam; Phân viện Chăn nuôi Nam Bộ trước khi trình thông qua UBND tỉnh trong tháng 03/2016./.

 

​PHÒNG KH-TC SỞ


  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây