Ngày 01/10/2021, Tổng Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư số 06/2021/TT-TTCP quy định về tổ chức, hoạt động của Đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra. Thông tư này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 15/11/2021 và thay thế Thông tư số 05/2014/TT-TTCP ngày 16/10/2014 của Tổng Thanh tra Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác của Đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra.
Thông tư số 06/2021/TT-TTCP có nhiều nội dung mới, trong đó, có một số nội dung quan trọng mà lực lượng làm công tác thanh tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Thanh tra Sở và các Chi cục trực thuộc Sở) cần lưu ý, như:
1. Việc ghi Sổ nhật ký Đoàn thanh tra: Thông tư số 06/2021/TT-TTCP quy định ghi Sổ nhật ký Đoàn thanh tra từ khi công bố Quyết định thanh tra đến khi ban hành Kết luận thanh tra (hiện nay, theo Thông tư số 05/2014/TT-TTCP thì ghi Sổ nhật ký Đoàn thanh tra từ khi có Quyết định thanh tra đến khi bàn giao hồ sơ thanh tra cho cơ quan có thẩm quyền); tổng hợp các quy định về Sổ nhật ký Đoàn thanh tra tại Thông tư số 08/2015/TT-TTCP ngày 15/12/2015 của Tổng Thanh tra Chính phủ quy định về Sổ nhật ký Đoàn thanh tra và thay thế Thông tư này.
2. Xây dựng Báo cáo kết quả thanh tra của Đoàn thanh tra, dự thảo Kết luận thanh tra: Thông tư số 06/2021/TT-TTCP bổ sung nội dung "Trong trường hợp vì lý do sức khỏe hoặc lý do khác mà Trưởng đoàn thanh tra không thể tiếp tục thực hiện được nhiệm vụ thì Người ra quyết định thanh tra giao Phó Trưởng đoàn thanh tra (trong trường hợp Đoàn thanh tra có Phó Trưởng đoàn) hoặc giao thành viên Đoàn thanh tra xây dựng, trình Báo cáo kết quả thanh tra/dự thảo Kết luận thanh tra trong thời gian chưa có quyết định thay đổi Trưởng đoàn thanh tra". Quy định mới này đã giải quyết được trường hợp phát sinh trên thực tế hiện nay, khi Trưởng đoàn thanh tra không thể tiếp tục thực hiện nhiệm vụ thì Đoàn thanh tra cũng không thể xây dựng, trình Báo cáo kết quả thanh tra hoặc xây dựng, trình dự thảo Kết luận thanh tra theo quy định.
3. Trình dự thảo Kết luận thanh tra: Thông tư số 06/2021/TT-TTCP bổ sung nội dung dự thảo Kết luận thanh tra phải xin ý kiến của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ trì cuộc thanh tra trước khi trình Người ra quyết định thanh tra và việc trình dự thảo Kết luận thanh tra phải thực hiện bằng Phiếu trình dự thảo Kết luận thanh tra (Mẫu số 38 ban hành kèm theo Thông tư số 06/2021/TT-TTCP).
4. Thẩm định dự thảo kết luận thanh tra: hiện nay, vấn đề này đã được đề cập đến trong Thông tư số 05/2014/TT-TTCP, tuy nhiên, quy định còn chung chung, khó thực hiện ("Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất với người ra quyết định thanh tra xử lý nội dung giải trình của đối tượng thanh tra để hoàn thiện và gửi đơn vị thẩm định Dự thảo kết luận thanh tra. Nội dung tiếp thu ý kiến giải trình của đối tượng thanh tra, ý kiến tham gia của đơn vị thẩm định ... phải được Trưởng đoàn thanh tra báo cáo bằng văn bản với Người ra quyết định thanh tra và được lưu trong hồ sơ thanh tra") và cũng không có quy định về giải thích thuật ngữ "Thẩm định dự thảo Kết luận thanh tra".
Thông tư số 06/2021/TT-TTCP đã dành riêng 01 mục để quy định về thẩm định dự thảo Kết luận thanh tra và giải thích thuật ngữ "Thẩm định dự thảo Kết luận thanh tra" như sau: "Thẩm định dự thảo Kết luận thanh tra là việc xem xét, đánh giá để đưa ra kiến nghị nhằm hoàn thiện dự thảo Kết luận thanh tra do người có chuyên môn về lĩnh vực có liên quan đến nội dung thanh tra thực hiện khi được Người ra quyết định thanh tra giao".
5. Ban hành Kết luận thanh tra: Thông tư số 06/2021/TT-TTCP bổ sung nội dung "Một cuộc thanh tra có thể ban hành nhiều Kết luận thanh tra nhằm phục vụ kịp thời yêu cầu quản lý nhà nước" và "Người ra quyết định thanh tra có thể ban hành kết luận bổ sung, sửa đổi, thay thế một phần hoặc toàn bộ Kết luận thanh tra khi có căn cứ cho thấy Kết luận thanh tra không bảo đảm đầy đủ, chính xác, khách quan, làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Trình tự, thủ tục ban hành, công khai kết luận bổ sung, sửa đổi, thay thế Kết luận thanh tra được thực hiện như trình tự, thủ tục ban hành, công khai Kết luận thanh tra".
6. Công khai Kết luận thanh tra: Thông tư số 06/2021/TT-TTCP bổ sung nội dung "Kết luận thanh tra phải được công khai toàn văn theo quy định của pháp luật, trừ nội dung bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật" và "Trưởng đoàn thanh tra kết thúc việc thực hiện nhiệm vụ sau khi Kết luận thanh tra được công khai" (hiện nay, Thông tư số 05/2014/TT-TTCP chỉ quy định phải thực hiện việc công khai Kết luận thanh tra, không quy định rõ phải công khai toàn văn hay chỉ công khai một phần Kết luận thanh tra, cũng như không quy định thời điểm kết thúc việc thực hiện nhiệm vụ của Trưởng đoàn thanh tra).
7. Hồ sơ thanh tra: Trên cơ sở kế thừa các quy định của Quyết định số 2278/2007/QĐ-TTCP ngày 24/10/2007 của Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành Quy chế lập, quản lý hồ sơ thanh tra, hồ sơ giải quyết khiếu nại, hồ sơ giải quyết tố cáo, Thông tư số 06/2021/TT-TTCP quy định hồ sơ thanh tra phải sắp xếp theo 4 nhóm (Nhóm 1 về các văn bản chủ yếu; Nhóm 2 về các văn bản, tài liệu do Đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra hoặc người được giao nhiệm vụ soạn thảo, ban hành trong quá trình thanh tra; Nhóm 3 về văn bản, tài liệu thu thập từ đối tượng thanh tra, là chứng cứ phục vụ Kết luận thanh tra; Nhóm 4 về văn bản, tài liệu khác liên quan đến cuộc thanh tra) và việc mở hồ sơ bắt đầu từ ngày ban hành Quyết định thanh tra và đóng hồ sơ vào ngày người có thẩm quyền ra văn bản chỉ đạo hoặc quyết định về việc xử lý kết quả thanh tra.
8. Xử lý hành vi vi phạm của Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra: là nội dung mới được bổ sung tại Thông tư số 06/2021/TT-TTCP, cụ thể:
"1. Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật khi có một trong các hành vi sau:
a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi trái pháp luật, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng thanh tra;
b) Thanh tra vượt quá thẩm quyền, mở rộng hay thu hẹp phạm vi, nội dung thanh tra được xác định trong Quyết định thanh tra, kế hoạch tiến hành thanh tra;
c) Làm sai lệch Hồ sơ thanh tra, giả mạo, sửa chữa, tiêu hủy tài liệu, chứng cứ nhằm kết luận, báo cáo sai sự thật; chiếm đoạt Hồ sơ thanh tra;
d) Bao che cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật;
đ) Tiết lộ thông tin, tài liệu về nội dung thanh tra trong quá trình thanh tra khi chưa có kết luận chính thức; quản lý, sử dụng trái phép hồ sơ, tài liệu thanh tra;
e) Không báo cáo hành vi vi phạm pháp luật đã được phát hiện; báo cáo, kết luận không đúng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm;
g) Các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật.
..."
9. Thông tư số 06/2021/TT-TTCP bổ sung các nội dung về giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra và thay thế Thông tư số 05/2015/TT-TTCP ngày 10/9/2015 của Tổng Thanh tra Chính phủ quy định về giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra.
10. Mẫu văn bản:
- Thông tư số 06/2021/TT-TTCP bổ sung một số mẫu văn bản mới, gồm:
+ Mẫu số 4. Đề cương về yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu để ban hành quyết định thanh tra.
+ Mẫu số 17. Biên bản kiểm kê tài sản.
+ Mẫu số 38. Phiếu trình dự thảo Kết luận thanh tra.
+ Mẫu số 39. Báo cáo kết quả thẩm định dự thảo Kết luận thanh tra.
+ Mẫu số 41. Biên bản công bố Kết luận thanh tra.
- Không còn quy định một số mẫu văn bản theo Thông tư số 05/2015/TT-TTCP, như:
+ Mẫu biên bản làm việc.
+ Mẫu Quyết định trưng cầu giám định.
- Tổng hợp các mẫu văn bản về giám sát của Thông tư số 05/2015/TT-TTCP, mẫu Sổ nhật ký đoàn thanh tra của Thông tư số 08/2015/TT-TTCP.
- Tất cả văn bản của Đoàn thanh tra đều có số, ký hiệu (các mẫu theo Thông tư số 05/2014/TT-TTCP không có số, ký hiệu)./.
Ý kiến bạn đọc