Trách nhiệm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của công chức, viên chức

Thứ bảy - 16/10/2021 00:00 273 0

Thời gian qua, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được các cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai thực hiện thường xuyên và đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên, cần phải tiếp tục nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ công chức, viên chức để thực hành tiết kiệm thực sự trở thành thói quen trong công tác và sinh hoạt thường ngày.

Tại Điều 8 của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013 quy định công chức, viên chức có trách nhiệm:

- Thực hiện chương trình, kế hoạch, mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm và yêu cầu chống lãng phí được giao.

-  Quản lý, sử dụng vốn nhà nước, tài sản nhà nước được giao đúng mục đích, định mức, tiêu chuẩn, chế độ; giải trình và chịu trách nhiệm cá nhân về việc để xảy ra lãng phí thuộc phạm vi quản lý, sử dụng.

-  Tham gia hoạt động thanh tra nhân dân, tham gia giám sát, đề xuất các biện pháp, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cơ quan, tổ chức và trong lĩnh vực công tác được phân công; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi gây lãng phí theo thẩm quyền.

Trong quý I/2021, Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Chương trình Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 của Sở, trong đó, đã đề ra một số chỉ tiêu tiết kiệm trong các lĩnh vực như sau:

- Trong quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước: triệt để tiết kiệm các khoản chi ngân sách, rà soát sắp xếp các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết, hạn chế tối đa tổ chức hội nghị, lễ hội, hội thảo, khánh tiết, đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; tiếp tục cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản, trừ các công trình quan trọng quốc gia, công trình dự án nhóm A, công trình có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội tỉnh; tiết kiệm trong quản lý sử dụng kinh phí khuyến nông, không đề xuất, phê duyệt các mô hình có nội dung trùng lắp, mô hình cũ thiếu tính khả thi và khi thực hiện xong không nhân rộng được mô hình.

- Trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công: đảm bảo 100% các dự án đầu tư công có đầy đủ thủ tục theo quy định của Luật Đầu tư công. Không để xảy ra sai sót trong thực hiện công tác tham mưu và thẩm định, giám sát, dự án đầu tư công của ngành và lĩnh vực ngành phụ trách; phải thực hiện đúng thứ tự ưu tiên quy định tại Luật Đầu tư công. Các hạng mục công trình thi công phải đảm bảo tiến độ. Trong chuẩn bị đầu tư cần đánh giá kỹ hiệu quả đầu tư, đảm bảo đầu tư hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả; bảo đảm công khai, minh bạch trong đấu thầu mua sắm thông qua tăng cường đấu thầu rộng rãi, công khai đấu thầu qua mạng, hạn chế tối đa việc chỉ định thầu các dự án đầu tư; tạm ứng, thanh toán vốn đầu tư theo đúng quy định của Nhà nước đảm bảo tiến độ thực hiện dự án và thời hạn giải ngân, sử dụng vốn hiệu quả. Thực hiện đúng quy định về hoàn trả tạm ứng đối với các dự án mới thực hiện. Tăng cường công tác quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước, xử lý dứt điểm tình trạng tồn đọng quyết toán dự án hoàn thành.

- Trong quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình mục tiêu liên quan khác: quản lý và sử dụng kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, Giảm nghèo bền vững và các chương trình mục tiêu khác theo đúng nội dung của Chương trình, đảm bảo tiến độ, tiết kiệm, hiệu quả.

- Trong quản lý, sử dụng tài sản công: thực hiện mua sắm tài sản theo đúng tiêu chuẩn, định mức và chế độ quy định đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và đảm bảo sử dụng tài sản công đúng theo quy định; đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản công theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, đảm bảo tiết kiệm, công khai, minh bạch; thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ về khoán xe công, tổ chức sắp xếp, xử lý xe ô tô đảm bảo tiêu chuẩn, định mức theo đúng Nghị định số 04/2019/NĐ-CP ngày 11/01/2019 của Chính phủ quy định về định mức sử dụng xe ô tô; thực hiện xử lý kịp thời tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước sau khi dự án kết thúc theo đúng quy định của pháp luật, tránh làm thất thoát, lãng phí tài sản.

- Trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên: tiếp tục đẩy mạnh bảo vệ và phát triển rừng, nhất là rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng, thực hiện nghiêm việc đóng cửa rừng tự nhiên và các quy định về bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học để đạt tỷ lệ che phủ rừng 16,3% (không tính cây cao su). Không chuyển diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích sử dụng khác trên phạm vi tỉnh (trừ các dự án phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh hoặc các dự án phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cần thiết do Thủ tướng Chính phủ quyết định); tăng cường công tác quản lý an toàn các công trình thủy lợi, đập, hồ chứa nước; khai thác sử dụng tiết kiệm, bền vững mạch nước ngầm, nước mặt để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

- Trong quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động: tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Sở tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; giảm đầu mối các đơn vị trực thuộc; không thành lập tổ chức mới, trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền quyết định. Trong năm 2021, đảm bảo thực hiện đúng theo Quyết định số 3235/QĐ-UBND ngày 30/12/2020 của UBND tỉnh về việc giao biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính và giao số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập năm 2021...

Bên cạnh việc phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu tại Chương trình Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, công chức, viên chức Sở Nông nghiệp và PTNT cần tích cực tham gia giám sát, phát hiện hành vi lãng phí tại cơ quan, đơn vị. Khi phát hiện lãng phí, công chức, viên chức có quyền cung cấp thông tin cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi để xảy ra lãng phí, thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp, cơ quan thanh tra, kiểm tra, Kiểm toán nhà nước để xem xét giải quyết hoặc cung cấp cho các phương tiện thông tin đại chúng để đưa tin theo quy định và phải chịu trách nhiệm về tính trung thực, tính chính xác của thông tin phát hiện (Điều 9 của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013).

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi nhận được thông tin phát hiện lãng phí phải kịp thời xử lý theo quy định tại Điều 7 của Nghị định số 84/2014/NĐ-CP ngày 08/9/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như sau:

"Điều 7. Trách nhiệm xử lý thông tin phát hiện lãng phí của người đứng đầu cơ quan, tổ chức

1. Khi nhận được thông tin phát hiện lãng phí thuộc thẩm quyền giải quyết, người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi nhận được thông tin có trách nhiệm chỉ đạo kiểm tra, xác minh, làm rõ thông tin, hành vi lãng phí và thiệt hại do hành vi lãng phí gây ra (nếu có). Trường hợp không thuộc thẩm quyền giải quyết thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông tin phát hiện lãng phí phải chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để xác minh, xử lý.

2. Việc xác minh thông tin phát hiện lãng phí bao gồm:

a) Tình hình quản lý, sử dụng tiền, tài sản, lao động có liên quan đến thông tin phát hiện lãng phí tại cơ quan, tổ chức;

b) Làm rõ sự việc lãng phí theo thông tin phát hiện;

c) Xác định hành vi lãng phí, mức độ lãng phí.

3. Căn cứ kết quả xác minh:

a) Trường hợp có lãng phí xảy ra, người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi để xảy ra lãng phí có trách nhiệm thực hiện ngay các biện pháp ngăn chặn, khắc phục; xử lý theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý sai phạm và thông báo công khai kết quả xử lý hành vi lãng phí; thực hiện giải trình trước cơ quan chức năng về việc để xảy ra lãng phí...

b) Trường hợp chưa có cơ sở để xác định có lãng phí xảy ra hoặc thông tin không đúng sự thật thì trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả xác minh, cơ quan, tổ chức nơi tiếp nhận thông tin phát hiện lãng phí có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến người cung cấp thông tin phát hiện lãng phí khi có yêu cầu.

4. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin phát hiện lãng phí không thực hiện, thực hiện không đúng quy định của Nghị định này và quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo mức độ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường hợp do chậm ngăn chặn, khắc phục để tiếp tục xảy ra lãng phí gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật về xử lý trách nhiệm vật chất đối với cán bộ, công chức hoặc pháp luật về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức"./.


  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây