Qua 3 năm thực hiện, mô hình liên kết 4 nhà trên cây lúa tại xã Phước Lưu đã mang lại hiệu quả cao, số hộ nông dân và diện tích tham gia mô hình không ngừng tăng lên. Kết quả, vụ Hè thu năm 2014 có 108 hộ tham gia với tổng diện tích canh tác là 210 ha, được thực hiện ở 3 ấp Phước Tân, Phước Lợi, Phước Giang.
Từ tập quán canh tác truyền thống, lạc hậu, bà con nông dân ở Phước Lưu từ khi tham gia mô hình trình độ sản xuất ngày càng nâng cao, ngày càng thuần thục áp dụng kỹ thuật trong việc sản xuất như dùng giống, sạ thưa, xuống giống tập trung, phòng trừ sâu hại đúng lúc, giúp chất lượng và năng suất nông sản được tăng cao.
Ông Trần Văn Na, nông dân tham gia mô hình ở ấp Phước Lợi cho biết, dù đã có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, mỗi vụ lúa ông vẫn phải tốn khá nhiều chí phí lẫn công sức, nhưng năng suất mang lại không cao. Tuy nhiên, sau khi tham gia vào mô hình, thực hiện đúng các quy tắc, hiệu quả mô hình đem lại khá rõ ràng. Không những nông dân vừa ít tốn công, giảm chí phí sản xuất, mà năng suất lúa còn tăng từ 4,5 tấn/ha lên 5,5 tấn/ha, đạt lợi nhuận cao hơn nông dân ngoài mô hình từ 3-4 triệu/ha.
Còn ông Lê Tuấn Khiêm, một nông dân ngoài mô hình ở ấp Phước Tân chia sẻ, do mảnh đất của ông không được thuận lợi nên không tham gia vào mô hình cùng bà con được. Nhưng chỉ qua học hỏi kinh nghiệm từ những người tham gia vào mô hình và áp dụng thực hiện vào cánh đồng lúa nhà của gia đình cũng đã cho hiệu quả khá tốt. Nhìn những hộ xung quanh hưởng nhiều lợi ích từ mô hình liên kết 4 nhà, ông Khiêm khao khát được tham gia vào mô hình.
Theo ông Nguyễn Văn Sim - Phó chủ tịch UBND xã Phước Lưu, trên 80% nông dân ở Phước Lưu sống bằng nghề trồng lúa. Do đặc thù địa hình, thời tiết, bà con còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất. Nhưng qua từng mùa vụ, mô hình liên kết 4 nhà trên cây lúa ngày càng cho thấy hiệu quả cao, giúp bà con nơi đây giải quyết được nhiều vấn đề trong quá trình sản xuất. Địa phương đang tiếp tục đẩy mạnh vận động, tuyên truyền bà con nông dân tự nguyện tham gia vào mô hình, góp phần thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình.
Phát huy hiệu quả kinh tế từ mô hình liên kết 4 nhà qua 13 vụ, vụ Hè thu năm 2014 huyện Bến Cầu tiếp tục triển khai thực hiện với diện tích gần 819 ha/374 hộ, ở 4 xã gồm: nhiều nhất là An Thạnh 407,2 ha, Lợi Thuận 150 ha, Tiên Thuận 152 ha và Long Chữ 109,5 ha.
Vụ Hè thu này xã An Thạnh có 13 tổ với 223 hộ nông dân trên địa bàn ấp Chánh, ấp Bến và ấp Voi thực hiện theo mô hình, được triển khai trên vùng đất có địa hình bằng phẳng ven sông Vàm Cỏ Đông, nguồn nước tưới tiêu chủ yếu theo nước sông và theo yêu cầu chuyên môn là: Gieo sạ thưa, đồng loạt, né rầy, có năng suất và chống chịu sâu bệnh, với lúa giống cấp xác nhận OM 6976, OM4900, OM5451, OM 576 và OM7347;
Lượng giống được gieo sạ lan 120 kg/ha; phân bón do Công ty Bình Điền cung ứng cho 1 ha là 450kg đầu trâu TEA; áp dụng “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm”; ghi chép nhật ký sản xuất; theo dõi tình hình dịch hại trên đồng ruộng và biện pháp phòng trừ.
Tại hội nghị, kết quả thực hiện mô hình liên kết 4 nhà được anh Lê Hoàng Nam, sinh năm 1989, ngụ ở ấp Chánh xã An Thạnh chia sẻ kinh nghiệm. Theo anh Nam, vụ Hè thu này anh sản xuất 04 ha lúa tại cánh đồng Công Điền theo quy trình sản xuất, dù năm nay thời tiết bất lợi mưa nhiều, nhưng ruộng anh vẫn cho năng suất khoảng 6,3 tấn/ha, thu trên 10 triệu đồng/ha, anh đã tham gia mô hình được trên 13 vụ và đều mang lại kinh tế cao nên rất an tâm, tin tưởng tham gia trong các vụ lúa tới.
Qua thực hiện mô hình liên kết 4 nhà vụ Hè Thu tại xã An Thạnh, nông dân đã thay đổi được tập quán canh tác, nâng cao chất lượng nông sản và hiệu quả kinh tế. Nông dân tham gia mô hình tiết kiệm chi phí sản xuất được gần 900 ngàn đồng/ha, lợi nhuận cao hơn ngoài mô hình gần 1,4 triệu đồng/ha.
Ngoài ra, các hoạt động trong mô hình còn giúp cho nông dân thể hiện tính cộng đồng cao hơn, tạo điều kiện tốt để tiếp thu và ứng dụng những tiến bộ khoa học mới vào sản xuất, giảm thiểu tác hại đến môi trường…
(Nguồn TayNinhOnline.com)
Ý kiến bạn đọc