Hội thảo Đánh giá khẩn trương về tình hình sâu phá hại nặng trên mía

Thứ năm - 25/09/2014 14:25 244 0
Ngày 10/9/2014, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tây Ninh tổ chức Hội thảo Đánh giá khẩn trương về tình hình sâu phá hại nặng trên một số vùng nguyên liệu mía của tỉnh Tây Ninh do ông Vương Quốc Thới - Giám đốc Sở chủ trì.

 Tham dự Hội thảo có các chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực cây mía: TS. Lê Anh Đương - Viện phó Viện Nghiên cứu mía đường Bến Cát; TS. Hồ Văn Chiến - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam; GS.TS. Võ Tòng Xuân - Chuyên gia nông nghiệp; các cơ quan chuyên môn thuộc Sở; đại diện lãnh đạo các Công ty Nhà máy đường trong tỉnh và 60 nông dân hợp đồng trồng mía trong tỉnh.
Theo báo cáo tổng hợp của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Tây Ninh, tổng diện tích trồng mía năm 2014 là 20.984,8 ha phân bố các huyện có diện tích trồng tập trung như: Tân Biên, Tân Châu, Châu Thành, Dương Minh Châu và Bến Cầu, tổng diện tích bị sâu đục thân phá hại 5.065,41ha; trong đó, nhiễm nhẹ 4.115,58ha (<=10%), nhiễm trung bình 493,35 (11-20%), nhiễm nặng 424,2 ha (21-50%), nhiễm rất nặng 32ha (>50%). Diện tích nhiễm nhiều nhất là huyện Châu Thành với tổng diện tích bị nhiễm 3668,61ha.

Qua khảo sát đối tượng gây hại chủ yếu là sâu đục thân 4 vạch, sâu đục thân mình hồng, sâu đục thân mình tím. Gây hại chủ yếu sâu đục thân 4 vạch, loài sâu này có một đặc điểm như sau: Sâu phá hại tập trung trên cây, mật số đông, cắn phá theo từng cụm chung quanh bờ (cách bờ khoảng 10-15m), nếu phá hại nặng cây sẽ bị chết. Sâu phá hại hầu hết các giống có trong vùng nguyên liệu như: LK92-11; K95-156; K84-200; K88-92; K2000-89; Khonkaen3….hầu hết diện tích bị nhiễm ở giai đoạn mía vươn lóng từ 3 - 9 tháng tuổi, khi sâu đã dục vào thân nên rất khó để sử dụng thuốc hóa học phòng trị. Hầu hết các điểm bị nhiễm sâu đều không đánh lá, người dân chưa quan tâm đến việc phòng trừ sâu bệnh.
Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng nêu trên, ngoài do các yếu tố khách quan như điều kiện thời tiết, canh tác…thích hợp cho sâu phát triển, tỉ lệ nở từ trứng đạt tỉ lệ rất cao (khoảng 97,%), thì sự phối hợp công tác dự tính, dự báo và giám sát của ngành Bảo vệ thực vật (BVTV) và các Công ty, nhà máy đường chưa tổ chức thường xuyên, còn chủ quan trong nhiều năm qua.

Hội thảo đưa ra một số giải pháp, kiến nghị đối với phòng, trừ sâu đục thân trên mía như sau:

- Bóc lá mía giúp cho ruộng mía thông thoát, hạn chế nơi trú ẩn của sâu.

- Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phòng trị kịp thời khi tái nhiễm.

- Thu hoạch cần chặt sâu, đốt lá mía làm hạn chế nguồn lây nhiễm trên đồng ruộng.

- Đối với mía trồng mới: Chọn giống chống chịu với sâu đục thân: U Thong 1; F156; K90-54…

- Nuôi nhân thả các loài ong ký sinh ong măt đỏ Trichogramma; Ong kén trắng 
Cotesia flavipes; ong đen Tetrastichus sp; bọ đuôi kìm Eborellia sp.

- Mức độ nhiễm nhẹ chặt bỏ những cây có sâu gây hại ra ngoài ruộng mía tiêu hủy.

- Mức độ nặng phun thuốc hóa học, bằng máy cao áp bằng các loại thuốc trừ sâu có hoạt chất Deltamethrin; Cypermethrin và Chlorantrantraniliprole.

- Sử dụng bẫy Pheramone (không sử dụng bẩy Pheramone chọn lọc).

- Mở rộng các lớp Hội thảo chuyên đề và các tập huấn khuyến nông hướng dẫn tập tính dòng đời, biện pháp phòng trừ trước mắt và sâu dài.

- Các nhà máy có thể cho thu hoạch sớm những ruộng mía bị phá hại nặng. Về phòng trị công ty nhà máy cần hỗ trợ (cho vay vốn) công tác phòng trị sâu đục thân.

Trước khi công bố dịch sâu đục thân trên mía, các công ty, nhà máy phối hợp với chính quyền địa phương, cùng với ngành chức năng kiểm tra nắm rõ diện tích mức độ thiệt hại của từng hộ.

 ​

Nguyễn Văn Nhành Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây