Chỉ có 19% diện tích cây cao su bị chặt bỏ do không có lãi

Thứ ba - 09/09/2014 16:30 86 0

Chỉ có 19% diện tích cây cao su bị chặt bỏ do không có lãi

(Mard-14/7/2014): Ngày 11/7, tại Tp. Hồ Chí Minh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) tổ chức hội nghị sản xuất cao su năm 2014.

 Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Cao Đức Phát thừa nhận vừa qua có tình trạng người dân chuyển đổi một số diện tích cao su, tuy nhiên trong số trên 3.800 ha cao su đã chặt năm nay thì chỉ có 19% diện tích chặt bỏ là do không có lãi, còn lại là diện tích cao su được chặt thanh lý do mưa bão gãy đổ, già cỗi cần được tái canh lại… 

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, diện tích cao su đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản, thậm chí đang khai thác nhưng do trồng không đúng chỗ, không đúng giống, kỹ thuật… khiến năng suất thấp, trong khi trồng các cây khác cho năng suất cao hơn nên người dân thấy không có lãi và đã chặt bỏ. Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, phải làm rõ những nguyên nhân này để cho nhân dân hiểu rõ bản chất vấn đề và không có hành động chặt bỏ cao su quá mức. Cây cao su là cây lâu năm, bài toán hiệu quả cây cao su không thể nói con số của 1 năm mà phải là 25 năm. Vì vậy, cần phải theo dõi sát sao diễn biến của thị trường để tránh việc chặt bỏ cây không đáng có, gây thiệt hại cho người dân. 
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng chỉ đạo VRG, Hiệp hội Cao su Việt Nam, Cục Chế biến - Thương mại nông, lâm, thủy sản và nghề muối… phải theo dõi sát diễn biến của thị trường, cập nhật thông tin diễn tiến của thị trường cao su cho người dân và doanh nghiệp biết; duy trì các quan hệ thương mại bình thường với Trung Quốc và tiếp tục đẩy mạnh đấu nối các thị trường khác để tiêu thụ các sản phẩm cao su. Bộ cũng đề nghị Cục Trồng trọt phối hợp với VRG, các Sở NN và PTNT có văn bản hướng dẫn kỹ thuật khai thác vườn cây cao su phù hợp với thị trường. Các đơn vị phải rà lại các dự án trồng mới cao su, nơi nào tính trong 25 năm nữa giá 1.500 USD/tấn mà vẫn có lãi thì trồng mới, còn không thì kiên quyết không được trồng. 
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Ngọc Thuận, Tổng giám đốc VRG kiến nghị, bên cạnh những giải pháp nhằm phát triển ngành cao su bền vững, Chính phủ cần xem xét, nghiên cứu cơ chế tạm trữ mủ cao su khi giá thị trường thế giới xuống dưới 1.500 USD/tấn mủ. Hiện Thái Lan cũng đã sử dụng phương án này khi giá cao su trên thế giới sụt giảm nhằm bảo vệ nông dân và doanh nghiệp trong nước. Để người dân không hoang mang trước thông tin về tình hình bất lợi của thị trường cao su, ông Thuận đề nghị các cơ quan quản lý Trung ương và địa phương cần thông tin kịp thời tình hình cho nông dân, đưa ra các dự báo định hướng dài hơi để người ổn định tâm lý, chủ động chuyển đổi cây trồng hợp lý. Về thị trường xuất khẩu, cao su Việt Nam hiện đang xuất đi 70 nước trên thế giới, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 55-60% sản lượng xuất khẩu, đây là vấn đề chung của nhiều nước xuất khẩu mủ cao su trên thế giới khi Trung Quốc được coi là đại công xưởng. 
Theo số liệu của VRG, trong 10 năm qua, diện tích cao su nước ta tăng gần gấp 2 lần, từ 454 nghìn ha năm 2004 lên 955 nghìn ha năm 2013, vượt khoảng 115 nghìn ha so với định hướng quy hoạch cao su cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đến năm 2013, sản lượng cao su cả nước đạt 959 nghìn tấn, tăng 34,4% so với năm 2009 (bình quân 6,9%/năm)./. 
 
Liên Phương - Hứa Chung

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây