Chiều 15.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đối với những vấn đề trọng tâm của ngành về bảo đảm an ninh lương thực, xuất khẩu nông sản chủ lực, giải pháp hạn chế tình trạng được mùa mất giá, chuyển đổi đất lúa, cải thiện thu nhập người nông dân…
Người dân Tây Ninh thu hoạch sầu riêng (Ảnh: Tâm Giang)
Đáng chú ý là câu chuyện phát triển và xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc thời gian gần đây được một số đại biểu quan tâm đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Lê Minh Hoan. Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý- Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng đây là tín hiệu vui về thị trường, nhưng thực trạng phát triển “nóng” loại trái cây này trong giai đoạn hiện nay ở nhiều vùng trồng trên cả nước, trong đó có Tây Ninh, gây ra những lo ngại về tương lai của sản phẩm sầu riêng Việt Nam.
Không nên dùng từ “giải cứu” nông sản
Phát biểu tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, nông nghiệp luôn là trụ đỡ trong bối cảnh kinh tế khó khăn và ngành nông nghiệp đã, đang, sẽ đối mặt trước 3 “biến” lớn: biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng. Từ các thực tiễn này, ngành NN&PTNT vẫn kiên trì thực hiện chiến lược tổng thể trong dài hạn, vừa linh hoạt xử lý tình huống, quản trị đồng bộ trong ngắn hạn.
Theo đó, Bộ thực hiện hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thực hiện các chiến lược, chương trình, đề án, kế hoạch phát triển ngành. Ngành NN&PTNT chuyển mạnh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông lâm thuỷ sản; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển chuỗi ngành hàng.
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, nhóm vấn đề giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản trong điều kiện thị trường đầu ra bị thu hẹp, một số mặt hàng nông sản chủ lực bị rớt giá, thu nhập, đời sống của người nông dân bị ảnh hưởng… được nhiều đại biểu quan tâm đặt câu hỏi.
Trả lời về vấn đề giải pháp giải quyết tình trạng được mùa mất giá, vấn đề cung - cầu, quy hoạch trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng nên tư duy lại vấn đề này, không nên dùng từ “giải cứu” nông sản.
Về câu chuyện trồng sầu riêng, không thể cấm bà con trồng sầu riêng mà cần có giải pháp khuyến nông, phân tích, đánh giá diễn biến thị trường một cách toàn diện, cẩn trọng để kịp thời phổ biến, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt khó, tận dụng cơ hội thị trường, kết nối doanh nghiệp. Những việc này đòi hỏi sự vào cuộc của toàn hệ thống từ nông nghiệp đến ngoại giao, công thương, hiệp hội ngành hàng, cho đến từng hợp tác xã. Bộ NN&PTNT có trách nhiệm chuẩn hoá quy trình trồng sầu riêng, chỉ đạo sản xuất linh hoạt, bảo đảm an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và nguồn cung phù hợp với nhu cầu xuất khẩu; xây dựng mã ngành hàng trong thời gian tới đây.
Về xây dựng thương hiệu nông sản Việt, Bộ trưởng cho biết đã có nhiều nông sản Việt Nam đứng chân trong các siêu thị lớn của nước ngoài. Có được kết quả này là nhờ các doanh nghiệp kiên trì xây dựng thương hiệu. Trong thời gian tới, Bộ tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản chủ lực, trong đó có sầu riêng.
Từ thực tiễn phát triển cây sầu riêng ở Tây Ninh
Trao đổi bên lề phiên chất vấn, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Thị Thanh Thuý cho biết câu chuyện xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang thị trường Trung Quốc là nội dung đại biểu quan tâm. “Đây là một tín hiệu vui cho ngành nông nghiệp và người nông dân.
Tuy nhiên, qua theo dõi, chúng tôi cảm thấy lo lắng khi diện tích vùng trồng sầu riêng phát triển ồ ạt, tự phát, thậm chí phát triển vượt cả quy hoạch cây ăn quả chủ lực của Việt Nam đến năm 2030. Điều này dễ dẫn tới nguy cơ khó khăn cho vấn đề “đầu ra” trong những năm tới.
Chúng tôi mong Bộ NN&PTNT và các ngành liên quan có giải pháp cụ thể để làm sao quản lý chặt chẽ về số lượng, kiểm soát quản lý chất lượng để sầu riêng của Việt Nam thực sự có sức cạnh tranh vượt trội so với các quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Malaysia- cũng đang có chủ trương phát triển mạnh cây sầu riêng để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Thách thức này không chỉ đối với cây sầu riêng mà còn là vấn đề chung của các mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam”.
Trong báo cáo bằng văn bản và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Lê Minh Hoan đối với vấn đề trên, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý cho rằng người đứng đầu Bộ NN&PTNT đã nhận diện được thách thức này. Tuy nhiên, đại biểu mong muốn phần trả lời sẽ cụ thể hơn bởi vì vấn đề này đã hiện hữu. Thực trạng phát triển ồ ạt diện tích cây sầu riêng hiện nay và tương lai xuất khẩu trái cây chủ lực sẽ là thách thức nếu không kiểm soát tốt số lượng, chất lượng.
Nông dân Tây Ninh phấn khởi vì sầu riêng được mùa, được giá (Ảnh: Tâm Giang)
Khuyến cáo, cung cấp thông tin thị trường và tăng cường quản lý nhà nước
Thông tin về tình hình phát triển cây sầu riêng trên địa bàn tỉnh hiện nay, ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, toàn tỉnh có khoảng 2.000 ha sầu riêng đã và đang cho thu hoạch, một số cho thu hoạch trong năm tới; khoảng 1.000 ha trồng mới trong 1-2 năm gần đây. Dự kiến Tây Ninh sẽ phát triển khoảng 5.000 ha sầu riêng.
“Con số này không phải là quá lớn so với diện tích sầu riêng của cả nước, nhưng cũng phải thừa nhận sự phát triển sầu riêng hiện nay là “nóng”. Cũng như những loại cây trồng khác, luôn có chu kỳ tăng giá, giảm giá, chúng ta đã chứng kiến từ cây mít, thanh long, cao su, điều… và hiện tại thì sầu riêng đang trong giai đoạn tăng giá.
Vụ vừa rồi nông dân thắng lớn, vừa đạt năng suất vừa được giá, bình quân khoảng 50.000 đồng/kg, một vườn sầu riêng sản lượng trên 10 tấn, người dân có thể thu về trên 500 triệu đồng, có vườn thu về trên dưới 1 tỷ đồng. Từ đó tạo ra một làn sóng đầu tư mới”- Giám đốc Sở NN&PTNT nói.
Tuy nhiên, theo quy luật thị trường, sau khi hết chu kỳ tăng giá, sầu riêng có thể trở về với giá bình thường, chỉ khoảng 20.000-30.000 đồng/kg, thậm chí thấp hơn. Hơn nữa, sầu riêng là cây khó tính, khó chăm sóc, dễ sâu bệnh, chu kỳ chăm sóc cho đến lúc cho quả phải từ 4-5 năm và chi phí chăm sóc rất lớn. Đó là chưa kể những bất lợi từ thị trường tuỳ từng thời điểm.
Ở góc độ quản lý nhà nước, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Đình Xuân cho biết: một mặt, ngành sẽ khuyến cáo bà con; mặt khác, tăng cường quản lý nhà nước về lĩnh vực của ngành. Cụ thể là thực hiện nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ thực vật và kiểm dịch thực vật.
Bởi vì hiện nay, khi nhu cầu mở rộng diện tích sầu riêng tăng cao, nhiều cơ sở, đơn vị kinh doanh giống không bảo đảm chất lượng; đối với người mua phải mất thời gian dài, có thể 2-3 năm mới thấy hậu quả, lúc đó quá trễ, gây thiệt hại cho bà con. Ngành NN&PTNT sẽ tăng cường phối hợp các ngành, địa phương liên quan để quản lý về chất lượng phân bón, thuốc trừ sâu cho cây sầu riêng; quản lý về vùng trồng, nhất là xử lý tình trạng trồng cây sầu riêng trên đất lúa chưa được phép chuyển đổi mục đích.
Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Đình Xuân cho rằng, đối với vấn đề quy hoạch nông nghiệp, rất khó để yêu cầu người dân trồng cây này hay cây kia. Do đó cần nghĩ tới những giải pháp “mềm” mang tính hỗ trợ, khuyến khích người dân thực hiện theo quy hoạch.
Nhà nước sẽ hỗ trợ công nghiệp chế biến cho vùng được quy hoạch nguyên liệu và có chính sách hỗ trợ giống, hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ liên kết phù hợp với quy hoạch. Những hộ dân thực hiện sản xuất theo đúng quy hoạch sẽ được hưởng lợi, từ đó sản phẩm của họ có lợi thế cạnh tranh hơn so với người làm tự phát./.
Tác giả: Admin_Sonn
Nguồn tin: Tâm Giang - BTN
Ý kiến bạn đọc