Xây dựng quy trình canh tác hữu cơ trên cây mãng cầu ta và cây bưởi da xanh ruột hồng

Thứ sáu - 03/05/2024 07:07 371 0

Hiện nay, phát triển nông nghiệp hữu cơ đang là xu thế tất yếu nhằm tận dụng và khai thác tốt nguồn tài nguyên thiên nhiên giúp tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn với sức khỏe con người, mang lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất, từng bước hướng tới nền nông nghiệp tuần hoàn và phát triển bền vững. Tây Ninh cũng đã ban hành Kế hoạch số 1934/KH-UBND ngày 19/8/2020 về triển khai thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Tuy nhiên, hai loại cây ăn trái chủ lực của tỉnh là mãng cầu ta và bưởi da xanh lại chưa có vùng sản xuất nào đạt được tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ. Theo số liệu thống kê đến năm 2022, diện tích mãng cầu ở tỉnh đã đạt 5.032 ha, sản lượng đạt 71,75 nghìn tấn, phân bổ các huyện phía Ðông và Ðông Bắc của tỉnh như huyện Dương Minh Châu, thành Tây Ninh và huyện Tân Châu. Bưởi da xanh có diện tích 1.133 ha và năng suất đạt 4.219 tấn/năm. Việc xây dựng thành công quy trình sản xuất hữu cơ cho hai loại cây này là rất cấp thiết để làm tiền đề cho các loại cây trồng khác và thúc đẩy nông nghiệp tỉnh nhà phát triển.

          Do đó, Sở NN và PTNN đã chủ trì thực hiện đề tài nghiên cứu xây dựng quy trình canh tác hữu cơ trên cây mãng cầu ta và cây bưởi da xanh ruột hồng theo tiêu chuẩn Việt Nam – TCVN 11041:2017 tại tỉnh Tây Ninh. Trung tâm Khuyến nông là đơn vị trực tiếp triển khai đề tài. Sáng ngày 26/04/2024, đoàn khảo sát gồm có Sở KH-CN, Sở NN và PTNT, Trung tâm Khuyến Nông, phòng nông nghiệp huyện, đại diện UBND xã, PGS.Ts Phạm Văn Hiền - chuyên gia tư vấn chuyên môn, đã có buổi làm việc chung để khảo sát tình hình triển khai thí nghiệm tại vườn mãng cầu ta thuộc huyện Dương Minh Châu và vườn bưởi da xanh tại huyện Tân Châu.

Đoàn khảo sát tình hình thực hiện đề tài xây dựng quy trình canh tác hữu cơ trên cây bưởi da xanh huyện Dương Minh Châu.

            Đề tài được xây dựng với tổng số 6 thí nghiệm, thực hiện trên diện tích 10.600m2 đối với bưởi và 3.400 m2 đối với mãng cầu ta. Nhằm tìm kiếm loại sản phẩm đầu vào phù hợp cho quy trình canh tác hữu cơ của hai loại cây trồng trên. Trong đó, ưu tiên sử dụng những loại phụ phế phẩm nông nghiệp có sẵn tại địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân áp dụng trong thực tế sản xuất. Bên cạnh đó, các sản phẩm quản lý sâu bệnh hại có nguồn gốc sinh học, thân thiện với môi trường và sức khỏe người tiêu dùng cũng được thử nghiệm để đảm bảo năng suất và chất lượng nông sản.

Đoàn khảo sát tình hình thực hiện đề tài xây dựng quy trình canh tác hữu cơ trên cây mãng cầu ta huyện Dương Minh Châu.

          Kết quả của đề tài này sẽ cung cấp cho nông dân quy trình sản xuất hữu cơ chuẩn mực, làm cơ sở để mở rộng diện tích sản xuất, đạt được mục tiêu của tỉnh đề ra cho phát triển nông nghiệp bền vững.

TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG./.

Tác giả: Khuyen nong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

  Góp ý

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây