Hội nghị sơ kết 5 năm (giai đoạn 2013 – 2017) cơ cấu lại nông nghiệp

Thứ tư - 08/08/2018 17:00 118 0

Hội nghị sơ kết 5 năm (giai đoạn 2013 – 2017) cơ cấu lại nông nghiệp

​Ngày 31/7/2018, tại Hội trường Sở Nông nghiệp và PTNT Tây Ninh, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm (giai đoạn 2013 – 2017) cơ cấu lại nông nghiệp.

Tham dự Hội nghị có đồng chí Trần Văn Chiến – Phó chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị và có các đồng chí Ban Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT; đại diện các Sở, bàn , ngành tỉnh; UBND các huyện, TP; các doanh nghiệp, công ty, nông dân, HTX trên địa bàn tỉnh; đại diện Lãnh đạo các phòng, đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT.

Mở đầu hội nghị, Sở Nông nghiệp và PTNT thông qua báo cáo tóm tắt kết quả 05 năm cơ cấu lại nông nghiệp giai đoạn 2013 – 2017, phương hướng thực hiện trong thời gian tới và các báo cáo tham luận của các Sở Công thương; Sở Khoa học và Công nghệ; Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Tây Ninh; UBND các huyện: Trảng Bàng, Tân Châu, Châu Thành.

Sau khi nghe các báo cáo; ý kiến thảo luận của các đại biểu tham dự xoay quanh một số vấn đề khó khăn về những chính sách ưu đãi trong quá trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; khó khăn trong sử dụng nguồn giống cây trồng và vật nuôi chất lượng tạo ra sản phẩm đạt yêu cầu phù hợp gắn với tiêu thụ sản phẩm. Theo đó các vấn đề khó khăn của đại biểu đã được các đơn vị liên quan giải trình cụ thể

Ông Trần Văn Chiến – Phó chủ tịch UBND đã có những đánh giá tổng thể qua 5 năm thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp như sau:

- Việc cơ cấu lại nông nghiệp của tỉnh góp phần duy trì giá trị tăng trưởng ngành nông lâm thủy sản ở mức độ cao, đóng góp 24,9% trong tổng giá trị sản phẩm trong tỉnh, chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện.

Ông Trần Văn Chiến- Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị   

- Cơ cấu cây trồng chuyển biến rõ nét theo hướng tập trung, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh gắn với thị trường và công nghiệp chế biến. Đã chuyển đổi mạnh một số nông sản hiệu quả thấp sang trồng các loại cây ăn trái đặc sản quy mô tập trung, có giá trị kinh tế cao, đem lại giá trị tăng thêm 3-4 lần so với cây truyền thống, Lĩnh vực chăn nuôi phát triển khá mạnh theo mô hình trang trại lạnh, quy mô lớn, chăn nuôi khép kín; tỷ lệ chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng trang trại tập trung công nghiệp, bán công nghiệp chiếm trên 60% so với tổng đàn.

- Phát triển nông nghiệp sạch cũng được tỉnh chú trọng, đến nay có trên 5% nông sản sản xuất theo tiêu chuẩn GAP bước đầu mang lại hiệu quả, bảo đảm lợi ích của nông dân và doanh nghiệp.

- Công tác triển khai thực hiện cơ cấu lại lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, rừng được bảo vệ, phát triển ổn định cả về số lượng lẫn chất lượng.


                                  Cây ăn quả có giá trị kinh tế cao                                                                                     Mô hình chăn nuôi trang trại, gia trại

 - Nuôi trồng thủy sản, trên địa bàn tỉnh duy trì hàng năm trên 900 ha, tập trung vào cá tra với khoảng 500 ha, bước đầu tạo vùng nuôi cá tra công nghiệp gắn với nhiệm vụ chế biến xuất khẩu.

- Tỉnh rà soát quy hoạch, kế hoạch sản xuất theo lợi thế và nhu cầu thị trường; thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ; xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn.

- Bên cạnh cơ cấu lại sản xuất thì nông nghiệp Tây Ninh còn tập trung tái cơ cấu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp theo gắn với việc chuyển đổi cây trồng và thực hiện chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, 05 năm qua, ngành đã thực hiện đầu tư 21 dự án thủy lợi, bê tông hóa 42 km kênh nội đồng phục vụ sản xuất; xây dựng, nâng cấp trên 745 km đường giao thông nông thôn; đầu tư cải tạo, nâng cấp, sửa chữa và xây dựng mới 36 công trình điện nông thôn; xây dựng 132 trường học đạt chuẩn quốc gia;…góp phần tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống nhân dân, từng bước thay đổi bộ mặt nông thôn giúp gia tăng thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 39,9 triệu đồng/người.


 Ứng dụng cơ giới hóa trong SX nông nghiệp                              Hệ thống kênh, kênh nội đồng

Sau cùng để kết thúc Hội nghị, Ông Trần Văn Chiến – Phó chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp và các địa phương, Sở ngành cần thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến năm cuối giai đoạn, cơ cấu lại nông nghiệp phải thật sự  tạo được sự chuyển biến rõ nét trong các hoạt động sản xuất, tạo bước đột phát trong việc nâng cao giá trị gia tăng, hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại, tăng sức cạnh tranh trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.

Để đạt được những mục tiêu trên, ngành nông nghiệp Tây Ninh nói riêng và cả Đảng, Nhà nước và Nhân dân Tây Ninh nói chung cần tập trung thực hiện 05 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau:

Thứ nhất, Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức các ngành, các cấp và toàn thể Nhân dân trong tỉnh về tầm quan trọng và ý nghĩa của Tái cơ cấu nông nghiệp.

Thứ hai,  đẩy mạnh phát triển nông nghiệp toàn diện, theo hướng hiện đại.  Theo đó, đẩy nhanh việc định hướng các vùng phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp UDCNC gắn với đầu tư hạ tầng nhằm thúc đẩy phát triển một số vùng sản xuất chuyên canh cây trồng có giá trị kinh tế cao (CAQ, rau thực phẩm…)

Huy động nguồn lực đầu tư vào các hạng mục chuỗi giá trị của các ngành hàng gắn với thị trường (liên kết từ khâu sản xuất tới khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm). Thu hút các doanh nghiệp nông nghiệp phát triển mạnh làm đầu tàu dẫn dắt nông dân phát triển sản xuất nông sản giá trị cao, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến giúp giảm chi phí sản xuất, gia tăng giá trị và sức cạnh tranh của nông sản Tây Ninh.

Thứ ba, tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách và các hình thức tổ chức sản xuất bằng việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chính sách đã ban hành cho phù hợp với tình hình thực tế. Hoàn chỉnh phương án sử dụng đất công hiệu quả, đảm bảo quy định; thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật các vùng nông nghiệp công nghệ cao.

Tổ chức thực hiện Chương trình phát triển hợp tác xã kiểu mới và chuỗi giá trị nông sản. Tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả; đẩy mạnh đổi mới và phát triển. Phấn đấu mỗi huyện, thành phố và từng ngành nghề có hợp tác xã kiểu mới hoạt động hiệu quả. Phát huy vai trò của Liên minh Hợp tác xã trong việc vận động hướng dẫn khuyến khích nông dân tham gia hợp tác xã.

Thứ tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp với trọng tâm là triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đào tạo theo đề án Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2014 – 2020 đồng thời tăng cường nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ; phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh, hiệu quả của ngành.

Thứ năm, Chủ động hội nhập, hợp tác với nhiệm vụ là nghiên cứu, phát triển thị trường, tăng cường công tác thông tin thị trường nhằm cung cấp kịp thời cho người sản xuất về tình hình giá cả, dự báo ngắn và dài hạn để người dân có thể chủ động trong sản xuất.

Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, truyền thông quảng bá thương hiệu, giới thiệu và đưa nông sản của tỉnh vào các hệ thống siêu thị lớn đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham gia vào các dự án đầu tư nông nghiệp của tỉnh./.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây