Ngày 27/9/2018, ông Võ Đức Trong- Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đã chủ trì Hội nghị sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện 9 tháng đầu năm 2018, nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm và thông qua Dự thảo Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy ngành Nông nghiệp và PTNT theo Nghị quyết số 18-NQ/TW; Nghị quyết số 19-NQ/TW.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí trong Lãnh đạo Sở; đại diện: các Sở ngành; Đảng ủy Sở, Công ty TNHH MTV (Khai thác thủy lợi Tây Ninh, Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa), Ban quản lý (Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, Dự án đầu tư xây dựng ngành Nông nghiệp và PTNT, Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen); các nông dân, HTX trên địa bàn tỉnh; đại diện Lãnh đạo các phòng, đơn vị trực thuộc Sở; đại diện Lãnh đạo UBND các huyện, Thành phố; phòng Kinh tế thành phố Tây Ninh, phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện.
Mở đầu hội nghị, ông Huỳnh Quang Minh – Phó trưởng phòng Kế hoạch, Tài chính thông qua báo cáo tóm tắt tình hình hoạt động 9 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp 3 tháng cuối năm 2018 ngành Nông nghiệp và PTNT và ông Nguyễn Thế Triển – Trường phòng Tổ chức cán bộ thông qua Dự thảo Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy ngành Nông nghiệp và PTNT theo Nghị quyết số 18-NQ/TW; Nghị quyết số 19-NQ/TW
Tại hội nghị, lãnh đạo các huyện và lãnh đạo Phòng NN&PTNT, Phòng Kinh tế các huyện, thành phố đã đóng góp nhiều ý kiến thảo luận về kết quả thực hiện 9 tháng, kiến nghị những vấn đề liên quan đến địa phương cũng như dự thảo đề án tinh giảm biên chế của ngành Nông nghiệp trong thời gian tới.
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu của cơ quan, đơn vị tham dự. Ông Võ Đức Trong – Giám đốc Sở trả lời, giải đáp trực tiếp tại hội nghị và kết luận một số nội dung chính sau:
1. Về đánh giá kết quả thực hiện: Trong 9 tháng đầu năm 2018 ngành Nông nghiệp và PTNT tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm và đạt một số kết quả như sau:
Tình hình sản xuất nông nghiệp 9 tháng đầu năm 2018 tương đối ổn định, các cây trồng chính sinh trưởng, phát triển tốt. Cơ cấu cây trồng có sự chuyển biến theo hướng tập trung, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh gắn với thị trường và công nghiệp chế biến.
Tình hình sâu bệnh trên một số cây trồng chính (trừ cây khoai mì) phát sinh giảm, chủ yếu gây hại ở mức nhẹ. Riêng bệnh khảm lá cây khoai mì tiếp tục phát sinh gây hại diện rộng trên địa bàn toàn tỉnh nguyên nhân do phần lớn nguồn giống sử dụng đã bị nhiễm bệnh.
Tình hình chăn nuôi phát triển ổn định. Các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh được quan tâm, phát triển theo mô hình trang trại, quy mô lớn, chăn nuôi tăng trưởng.
Trong 9 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm và thủy sản, tình hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh tăng nhẹ.
Sở đang phối hợp với các địa phương rà soát các mô hình sản xuất như: Thanh long ruột đỏ, xoài cát Chu, mít Thái lá bàng, Mít siêu sớm,... để đánh giá tổng kết, nhân rộng phát triển phục vụ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến nông sản.
Công tác bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh tự nhiên được các đơn vị thực hiện khá tốt, hạn chế tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác gỗ và lâm sản trái phép, việc trồng rừng sai mô hình đã giảm được khoảng 30%. Từ đầu năm đến nay đã xảy ra 02 vụ cháy rừng tự nhiên và 21 trường hợp cháy trảng cỏ, cây bụi với tổng diện tích cháy là 11,5 ha; phát hiện ngăn chặn 91 vụ vi phạm quy định Luật bảo vệ và phát triển rừng.
Công tác thanh tra được triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch, số mẫu kiểm tra tăng 50% so với năm 2017, các cuộc thanh tra được thực hiện trên nhiều lĩnh vực (An toàn vệ sinh thực phẩm, vật tư nông nghiệp,...), qua thanh tra, kiểm tra tỷ lệ mẫu vi phạm vẫn chiếm tương đối cao (về an toàn vệ sinh thực phẩm không đạt chất lượng chiếm 20%; vật tư nông nghiệp hàng giả, hàng kém chất lượng chiếm 19,6%).
Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được, còn tồn tại, khó khăn sau: Các mô hình dự án khuyến nông triển khai chậm so với kế hoạch; một số nông sản mới chuyển đổi nên tiêu thụ còn bấp bênh; liên kết chuỗi sản xuất gắn tiêu thụ và thị trường phát triển chậm; việc nhân rộng, mở rộng các dự án thụ hưởng chính sách nông nghiệp còn ít, chậm; bệnh khảm lá cây khoai mì tiếp tục phát sinh gây hại trên địa bàn toàn tỉnh, chiếm 96% diện tích xuống giống; Chất lượng của cây ăn quả còn thấp, đang đi lệch hướng sản phẩm so với thị trường; Chăn nuôi đang đối diện với nguy cơ dịch bệnh tả lợn Châu phi, công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh hiện tại 4 huyện và 45 xã chưa thực hiện các kế hoạch giai đoạn và kế hoạch năm; về xây dựng nông thôn mới hiện nay của các địa phương triển khai các đề án còn chậm; tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ cho việc trồng rừng còn rất chậm nên công tác trồng rừng chậm so với kế hoạch; công tác phối hợp thực hiện kế hoạch xử lý tình trạng trồng cây nông nghiệp trên đất quy hoạch lâm nghiệp có địa phương triển khai chưa quyết liệt nên không có mặt bằng trồng rừng theo kế hoạch; vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm qua kiểm tra, giám sát cho thấy mức độ vi phạm chưa có chiều hướng giảm,...
2. Nhiệm vụ, giải pháp 3 tháng cuối năm 2018
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các phòng, cơ quan, đơn vị trực thuộc khẩn trương triển khai thực hiện đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch và cần tập trung một số công tác trọng tâm sau: Tập trung thực hiện các nhiệm vụ kế hoạch năm 2018 theo Quyết định số 40/QĐ-SNN ngày 22/01/2018, các văn bản chỉ đạo của Ban Giám đốc Sở và các nhiệm vụ do Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao; trong đó tập trung một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
- Rà soát, đánh giá lại chuỗi giá trị ngành hàng về những khó khăn vướng mắc của các loại nông sản, cơ giới hóa, các vấn đề về kỹ thuật để xây dựng quy trình về kỹ thuật để người nông dân và doanh nghiệp có thể tiếp cận và áp dụng thực hiện.
- Triển khai thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đảm bảo kế hoạch và trình tự thủ tục đảm bảo quy định.
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm tra phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi phá và bao chiếm đất rừng; vận chuyển, mua bán lâm sản trái pháp luật, tái trồng cây nông nghiệp trên đất phá rừng; khai thác rừng trái phép, trộm lậu lâm sản và phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn; củng cố nâng cao chất lượng hiệu quả mạng lưới tin báo, thực hiện tốt quy chế quản lý công cụ, dụng cụ đưa vào rừng;
- Trung tâm Khuyến nông đưa những giống mì chưa bị nhiễm bệnh khảm lá ở một số tỉnh khác về để cung cấp giống cho người nông dân canh tác.
- Đối với Đề án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy Sở Nông nghiệp và PTNT: Phối hợp lấy ý kiến các huyện, thành phố để sắp xếp bộ máy và bố trí nhân sự nhất là góp ý tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, phòng Kinh tế thành phố Tây Ninh và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thị.
Đề nghị địa phương phối hợp với ngành Nông nghiệp và PTNT triển khai thực hiện:
- Triển khai phát triển vùng nguyên liệu: Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện tập hợp những đăng ký của người nông dân về diện tích, loại sản phẩm gửi về Sở Nông nghiệp và PTNT (qua phòng Kế hoạch - Tài chính) để tổng hợp ký hợp đồng giữa người nông dân với các nhà máy chế biến.
- Tổng hợp những loại cây ăn trái chuẩn bị tiêu thụ để Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn chứng nhận VietGAP lần đầu và trao đổi doanh nghiệp hỗ trợ tiêu thụ.
- Phối hợp triển khai các chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp, người nông dân trên địa bàn biết và được thụ hưởng từ các chính sách.
- Về chính sách hỗ trợ hệ thống xử lý nước cho hộ gia đình nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh theo Quyết định số 05/2018/QĐ-UBND của UBND tỉnh Tây Ninh đề nghị các huyện khẩn trương triển khai giải ngân trong năm nay.
- Đối với Dự án Tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông đề nghị huyện Châu Thành và huyện Bến Cầu tiếp tục hỗ trợ giải phóng mặt bằng.
- UBND các huyện chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc: Kế hoạch phòng chống thiên tai giai đoạn 2016-2020 (phường Ninh Thạnh và Bình Minh - Tp Tây Ninh, xã Long Thành Bắc - Hòa Thành), Phương án ứng phó thiên tai các cấp độ (xã Đồng Khởi - Châu Thành, phường Hiệp Ninh – Tp Tây Ninh, xã Long Thành Bắc - Hòa Thành), Kế hoạch phòng chống thiên tai năm 2018 (Châu Thành còn 14/15 xã, Tp Tây Ninh - phường 2, Hòa Thành - Long Thành Bắc, Hiệp Tân, Trường Hòa, thị trấn Hòa Thành; Bến Cầu có 9 xã và thị trấn).
- Công tác thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm và vật tư nông nghiệp: Phòng Kinh tế thành phố và phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện cung cấp thông tin về Sở Nông nghiệp và PTNT đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh có vấn đề để Sở chỉ đạo lực lượng thanh tra đột xuất làm việc trực tiếp tại địa phương./.
Phòng KHTC
Ý kiến bạn đọc