BTNO - Tính đến cuối tháng 8 các huyện, thành phố trong tỉnh đã hình thành được một số mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, gắn với các cơ sở tiêu thụ.
Các mô hình này bước đầu ổn định được diện tích và chủng loại cây trồng hàng năm, tăng thêm thu nhập cho người sản xuất. Sau khi sơ kết, được đánh giá có kết quả tốt, sẽ được phổ biến rộng rãi ra nhiều địa bàn khác trong tỉnh.
Điển hình như mô hình sản xuất mãng cầu VietGAP quanh khu vực chân núi Bà Đen với diện tích gần 100 ha tập trung tại các xã Thạnh Tân (TP.Tây Ninh), Tân Hưng (huyện Tân Châu), xã Phan (huyện Dương Minh Châu).
Mô hình trồng bưởi da xanh tại xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên.
Mô hình này đã giúp giảm thiểu những tổn hại cho môi trường và người sản xuất do lạm dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, tạo ra sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, nâng cao được giá trị sản phẩm; tạo thương hiệu, uy tín cho người sản xuất, bước đầu tăng thêm thu nhập cho người sản xuất từ 210 – 300 triệu đồng/ha/năm so với kiểu sản xuất truyền thống.
Mô hình sản xuất bưởi da xanh (khoảng trên 700 ha, diện tích đang thu hoạch 340 ha) tại các huyện Tân Biên, Tân Châu, Dương Minh Châu đem lại lợi nhuận cao gấp 3,4 lần so với trồng lúa.
Hay mô hình trồng khóm (dứa) Queen trên đất lúa nhiễm phèn trên 65 ha tại xã An Hòa (Trảng Bàng) và xã Tiên Thuận (Bến Cầu) để bán cho Công ty Lavifood, lợi nhuận trên 50 triệu đồng/ha.
Mô hình sản xuất chuối già xuất khẩu (diện tích khoảng 380 ha) tại các huyện Tân Biên, Tân Châu, Trảng Bàng cho thu nhập khoảng 100-400 triệu đồng/ha/năm.
Đối với cây chuối, ngành nông nghiệp tỉnh đang đàm phán với Công ty TNHH xuất khẩu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Bình Dương (BD HAPIMEX) để tiếp tục triển khai trồng thêm 500 ha chuối Cavendish đạt tiêu chuẩn xuất khẩu trong năm 2018 này theo hình thức ký hợp đồng đầu tư, bao tiêu sản phẩm với nông dân.
Cùng với đó, các huyện, thành phố của Tây Ninh cũng đã xây dựng được 17 mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, với gần 70 ha với sự tham gia của 169 hộ nông dân, trồng nhiều loại sản phẩm như: nhóm rau lá; nhóm rau sông, rau núi; nhóm rau thơm (rau gia vị); nhóm rau ăn quả... sản lượng được chứng nhận 4.556 tấn/năm.
Việc áp dụng quy trình kỹ thuật để sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP góp phần bảo vệ môi trường, sử dụng phân bón cân đối, tăng số lượng phân hữu cơ vi sinh; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng góp phần đảm bảo an toàn cho môi trường, an toàn cho người sản xuất và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Mô hình trồng nhãn Idor tại xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu.
Việc sản xuất theo quy trình VietGAP cũng giúp thuận lợi hơn trong việc thỏa thuận, ký kết hợp đồng tiêu thụ với các đơn vị thu mua.
Góp phần hình thành các chuỗi sản xuất tiêu thụ rau, quả như HTX Long Mỹ (xã Long Thành Bắc, huyện Hòa Thành), HTX Rỗng Tượng (xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu), tổ hợp tác rau Lộc Trác (xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng) đã ký kết hợp đồng dài hạn tiêu thụ hàng ngàn tấn mỗi năm cho hệ thống Siêu thị Co.opmart trong tỉnh và TP.Hồ Chí Minh.
Ông Võ Đức Trong- Giám đốc Sở NN&PTNT Tây Ninh cho biết, thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục xem xét, điều chỉnh giảm những diện tích đất trồng lúa, cao su, mía, sắn... kém hiệu quả để quy hoạch bổ sung các vùng trồng trồng cây ăn quả theo mô hình sản xuất công nghệ cao như nhãn Idor, sầu riêng, bưởi da xanh, thanh long ruột đỏ, xoài cát chu, khóm, mãng cầu...
Giám đốc Sở NN&PTNT Tây Ninh cho biết thêm, Sở đã trình UBND tỉnh phê duyệt 18 vùng, 6 điểm sản xuất với trên 17.000 ha tại các huyện Tân Biên, Tân Châu, Trảng Bàng, Châu Thành, Gò Dầu, Dương Minh Châu, nhằm khuyến khích người dân chuyển đổi và kêu gọi đầu tư (phần đất nhà nước quản lý) sang phát triển cây ăn trái, rau quả, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, để doanh nghiệp và người dân ký hợp đồng, cung cấp sản phẩm lâu dài theo đơn đặt hàng của nhà máy chế biến trái cây Tanifood, từng bước hình thành chuỗi liên kết sản xuất lâu dài giữa người nông dân và doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm./.
Nguồn: Lê Đức Hoảnh (BTN)
Ý kiến bạn đọc