Hội nghị triển khai kế hoạch, nhiệm vụ và giải pháp ngành Nông nghiệp và PTNT năm 2017

Thứ ba - 21/02/2017 17:00 194 0

Sáng ngày 13/01/2017, Sở Nông nghiệp và PTNT Tây Ninh đã tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch, nhiệm vụ và giải pháp ngành Nông nghiệp và PTNT năm 2017. Tham dự Hội nghị có ông Trần Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các Sở, Ban, ngành tỉnh; Đảng ủy Sở, Công đoàn ngành Nông nghiệp và PTNT; đại diện Lãnh đạo phòng Kinh tế Thành phố Tây Ninh, phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện; Thủ trưởng các phòng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở cùng với các cơ quan thông tấn, báo chí đến dự và đưa tin.


Hình 1. Hội nghị triển khai kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp ngành Nông nghiệp và PTNT năm 2017


Năm 2016, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ ngành Nông nghiệp và PTNT còn gặp một số khó khăn do thời tiết, thị trường tiêu thụ, một số mặt hàng nông sản chủ lực giá thấp… Song cũng có nhiều thuận lợi như phát triển nông nghiệp, nông thôn luôn được các cấp ủy, chính quyền và nông dân đặc biệt quan tâm; công tác chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng khai thác lợi thế của từng vùng nên khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm từng bước được nâng cao. Kết quả đến cuối năm 2016, hầu hết các chỉ tiêu chính đều tăng trưởng so với năm 2015, các chỉ tiêu chủ yếu đạt hoặc vượt so với kế hoạch đề ra điển hình như: Giá trị sản xuất (GTSX) đạt 26.903 tỷ đồng, tăng 4,36%, trong đó: Nông nghiệp 26.200 tỷ đồng, tăng 4,5%, lâm nghiệp 317 tỷ đồng, đạt 95%, thuỷ sản 385 tỷ đồng, tăng 3,2%; Tỷ lệ che phủ rừng 16,2% (nếu tính cả diện tích cao su ngoài quy hoạch lâm nghiệp 37,4%); Tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh 97,6%; Số xã đạt tiêu chí nông thôn mới đến cuối năm là 22 xã, tăng thêm 06 xã; Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn trên toàn tỉnh ước đạt 36,7 triệu đồng/người/năm, tăng 9,6% so với năm 2015; Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,3%...Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả khả quan đã đạt được thì ngành nông nghiệp Tây Ninh còn một số tồn tại như sản xuất nông nghiệp tuy có tăng trưởng nhưng chưa thật sự bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh; Hiệu quả sản xuất một số cây trồng truyền thống thấp; tái cơ cấu nông nghiệp tuy được triển khai nhưng đến nay các đề án, một số chính sách chưa được phê duyệt. Việc triển khai thực hiện một số Quy hoạch, Đề án, Chính sách của ngành còn chậm và đôi lúc lúng túng trong công tác phối hợp thực hiện;…

Trên cơ sở đánh giá những mặt làm được, mặt tồn tại, hạn chế cũng như phân tích nguyên nhân để đề ra kế hoạch, nhiệm vụ và giải pháp năm 2017. Tại Hội nghị, ông Trần Thanh Nhã – Trưởng phòng Kế hoạch,Tài chính thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT đã thông qua kế hoạch ngành Nông nghiệp và PTNT Tây Ninh năm 2017, với nhiệm vụ trọng tâm tập trung tham mưu chỉ đạo xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao, bền vững đáp ứng nhu cầu đa dạng trong tỉnh, ngoài tỉnh và khu vực; thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của dân cư nông thôn; quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng. Phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch năm 2017, cụ thể: Giá trị sản xuất ngành nông, lâm thủy sản đạt 28.113 tỷ đồng, tăng từ 4,5% trở lên so với thực hiện năm 2016. Tỷ lệ che phủ của rừng đạt 16,2% (không tính cây cao su); Tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh đạt 97,7%; Duy trì 22 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và phấn đấu xây dựng thêm 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 50 xã còn lại, mỗi xã tăng từ 1- 3 tiêu chí so với năm 2016. Bình quân toàn tỉnh đạt 14,6 tiêu chí/xã.


Hình 2. Ông Trần Thanh Nhã – Trưởng phòng KH-TC thông qua kế hoạch năm 2017


Cũng tại Hội nghị, ông Trần Văn Chiến – Phó chủ tịch UBND tỉnh đã ghi nhận và biểu dương những thành quả đạt được của của ngành nông nghiệp năm 2016, đồng thời chỉ đạo ngành Nông nghiệp Tây Ninh tập trung triển khai thực hiện tốt bốn nhóm nhiệm vụ trọng tâm sau nhằm hoàn thành các chỉ tiêu kế họach đề ra trong năm 2017:

          1. Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng và hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu trồng trọt theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm. Tập trung ứng dụng các giống năng suất, chất lượng, kháng bệnh và giá trị thương mại cao cho các đối tượng cây trồng chủ lực (lúa, mía, mì,...) phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đẩy mạnh ứng dụng giống vật nuôi chủ lực (heo, bò, gia cầm); ứng dụng công nghệ và kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến an toàn dịch bệnh. Đẩy mạnh thực hiện một số mô hình khuyến nông áp dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Tăng cường công tác bảo vệ, phát triển và sử dụng hiệu quả, bền vững diện tích rừng hiện có và quỹ đất được quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp.

        2. Đẩy mạnh kêu gọi đầu tư; khuyến khích các dự án nông nghiệp công nghệ cao; phát triển cánh đồng lớn trên cây trồng. Kêu gọi, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất, chế biến. Chủ động ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các công ty, doanh nghiệp nhằm chốt giá bán sản phẩm hoặc bán theo giá thị trường ở từng thời điểm nhằm tránh bị thương lái ép giá, tạo sự an tâm sản xuất và nâng cao thu nhập cho nông dân

        3. Điều chỉnh mạnh mẽ cơ cấu đầu tư theo kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 phù hợp định hướng phát triển sản xuất và quy hoạch mới, nhất là cơ sở hạ tầng. Sử dụng có hiệu quả vốn sự nghiệp đầu tư cho các đề án, dự án phát triển nông nghiệp phục vụ nhiệm vụ tái cơ cấu nông nghiệp. Ưu tiên đầu tư phát triển và huy động các nguồn lực thuộc các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng, sản xuất (hệ thống tưới tiêu, đê bao, giao thông nội đồng), các công trình, dự án phục vụ tái cơ cấu trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp có khả năng tạo ra đột phá cho ngành phục vụ vận chuyển nông sản hàng hóa, tạo tiền đề cho cơ giới hóa nông nghiệp.

       4. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả. Tạo môi trường sản xuất - kinh doanh thuận lợi để các HTX liên kết với các doanh nghiệp  sản xuất - kinh doanh nông nghiệp.  Tiếp tục cụ thể hóa các chính sách Trung ương ban hành; đồng thời đẩy mạnh triển khai chính sách hiện có hiệu quả, Tổ chức tổng kết đánh giá các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp rút kinh nghiệm và đề ra các giải pháp thực hiện trong thời gian tới.


Hình 3. Ông Trần Văn Chiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị

Sau khi lắng nghe, tiếp thu các ý kiến chỉ đạo Phó chủ tịch UBND tỉnh, ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị, ông Võ Đức Trong – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đã phát biểu kết luận Hội nghị triển khai kế hoạch, nhiệm vụ và giải pháp ngành Nông nghiệp và PTNT năm 2017, tập trung những nhiệm vụ chính như sau:

           1. Tổ chức rà soát, đánh giá lại các quy hoạch ngành để tổ chức thực hiện phù hợp mục tiêu, tình hình thực tế.

           2. Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng và hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu trồng trọt theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm.

           3. Đẩy mạnh kêu gọi đầu tư; khuyến khích các dự án nông nghiệp công nghệ cao; phát triển cánh đồng lớn trên cây trồng. Kêu gọi, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất, chế biến. Chủ động ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các công ty, doanh nghiệp nhằm tạo sự an tâm sản xuất và nâng cao thu nhập cho nông dân.

           4. Trên cơ sở chính sách của chính phủ, phối hợp các tổ chức kinh tế, các hợp tác xã liên kết với các doanh nghiệp  sản xuất - kinh doanh nông nghiệp nhằm tạo nhận thức cho người dân sản xuất gắn liên kết tiêu tiêu thụ và khi có liên kết tạo ra chuỗi giá trị nông nghiệp.

          5. Tham mưu có kế hoạch làm tốt công tác trồng rừng, bảo vệ ; công tác phòng cháy chữa cháy rừng.

          6. Tiếp tục cụ thể hóa, phát huy các chính sách Trung ương phù hợp điều kiện, tình hình thực tế của tỉnh Tây Ninh.

        7. Trên cơ sở những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo thực hiện kế hoạch năm 2017 của ngành Nông nghiệp và PTNT các phòng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đảm bảo hiệu quả, chất lượng, hoàn thành kế hoạch đề ra năm 2017 và trong đó cần tập trung một số công tác trọng tâm sau:   

              -  Có giải pháp cụ thể tổ chức thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu gắn thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là xây dựng chuỗi giá trị và chuyển đổi các mô hình sản xuất nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh tỉnh Tây Ninh.

            - Trong chỉ đạo, điều hành: Tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Phối hợp các sở, ban, ngành tỉnh; các huyện, thành phố trong thực hiện các nhiệm vụ của tỉnh giao ngành Nông nghiệp và PTNT.

Hình 4. Ông Võ Đức Trong – GĐ Sở Nông nghiệp và PTNT phát biểu tại Hội nghị


Để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm 2017, ngành Nông nghiệp rất mong sự hỗ trợ, hợp tác của các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, phòng Kinh tế thành phố, phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện cũng như các doanh nghiệp và nông dân trên địa bàn tỉnh. Cũng tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, ông Võ Đức Trong đã chúc toàn thể đại biểu lời chúc tốt đẹp, sức khỏe, hạnh phúc, năm mới gặt hái được nhiều thành công và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm 2017./.

Phòng Kế hoạch - Tài chính


  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây