Một số thành tựu phát triển nông nghiệp Tây Ninh trong thời gian qua

Thứ hai - 19/07/2021 22:00 746 0

Một số thành tựu phát triển nông nghiệp Tây Ninh trong thời gian qua

I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH

Tỉnh Tây Ninh nằm trong vùng Đông Nam bộ và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam; phía Tây và Bắc giáp Vương quốc Campuchia với đường biên giới dài 240 km có 2 cửa khẩu Quốc tế (Mộc Bài, Xa Mát), 4 cửa khẩu chính, 10 cửa khẩu phụ; phía Đông giáp tỉnh Bình Dương và Bình Phước, phía Nam giáp TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Long An. Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài cách TP. Hồ Chí Minh 70 km và thủ đô Phnôm Pênh - Campuchia 170 km. Tây Ninh có các trục giao thông quan trọng như đường Xuyên Á, Quốc lộ 22B… Các dự án giao thông quan trọng đi qua tỉnh sẽ khởi động trong tương lai như: đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài, đường Hồ Chí Minh, đường vành đai biên giới, đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Tây Ninh… Tây Ninh đang trở thành giao điểm của trục hành lang kinh tế quốc tế; kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các nước ASEAN và trục hành lang kinh tế quốc gia kết nối Tây Nguyên với Tây Nam bộ… mở ra những triển vọng lớn, tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và khu vực.

Địa hình Tây Ninh tương đối bằng phẳng, khí hậu tương đối ôn hòa, ít chịu ảnh hưởng của bão lũ và những yếu tố bất lợi khác. Nguồn nước mặt dồi dào nhờ vào 2 con sông lớn là sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông, nguồn nước ngầm của Tây Ninh khá lớn, phân bố rộng khắp trên địa bàn tỉnh với ổng lưu lượng khai thác được 50 – 100 ngàn m3/giờ. Vào mùa khô, vẫn có thể khai thác nước ngầm, đảm bảo chất lượng cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, công nghiệp. Hệ thống thuỷ lợi từng bước được kiên cố hoá bảo năng lực tưới tiêu, kết hợp với phát triển hệ thống kênh nội đồng, nhằm tận dụng tối đa công năng của hệ thống thủy lợi hồ Dầu Tiếng – công trình thuỷ lợi lớn nhất cả nước (diện tích 27.000 ha, dung tích 1,5 tỷ m3 nước) có khả năng tưới tiêu cho 185.700 ha đất nông nghiệp. Đây chính là những điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt là các loại cây công nghiệp, ăn quả, dược liệu và chăn nuôi gia súc, gia cầm trên quy mô lớn.



Hình 1. Hồ Dầu Tiếng - công trình thuỷ lợi lớn nhất cả nước


II. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Trải qua lịch sử 45 năm hình thành và phát triển, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có nhiều thay đổi về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức; từ các Ty Nông nghiệp, Ty Lâm nghiệp, Ty Thủy lợi (1976); năm 1989 hợp nhất 02 Ty Nông nghiệp và Ty Lâm nghiệp thành Sở Nông Lâm nghiệp và đổi tên Ty Thủy lợi thành Sở Thủy lợi. Năm 1996, để nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thuỷ lợi và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh đã quyết định thành lập Sở Nông nghiệp và PTNT trên cơ sở hợp nhất 02 Sở: Sở Nông Lâm nghiệp và Sở Thuỷ lợi, thực  hiện chức năng quản lý Nhà nước các lĩnh vực: Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi; thủy sản và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Qua 45 năm hoạt động, mặc dù sản xuất nông nghiệp luôn chịu tác động lớn thời tiết khí hậu, giá cả nông sản, con giống, vật tư tăng giảm bất thường, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, nhưng được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự hỗ trợ của các Sở, ban ngành tỉnh, sự nỗ lực của Ngành Nông nghiệp và PTNT, nông nghiệp Tây Ninh đã đạt được những thành tựu đáng kể, góp phần vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh.

III. THÀNH TỰU ĐẠT ĐƯỢC

1. Đánh giá chung tình hình sản xuất nông, lâm, thuỷ sản

45 năm qua đã đánh dấu bước phát triển vượt bậc của nền nông nghiệp Tỉnh. Từ khởi đầu với diện tích tự nhiên hơn 400.000 ha nhưng phần lớn đầy tàn tích chiến tranh, hầu hết đất đai khô cằn, thiếu kênh thủy lợi, trình độ thâm canh thấp kém, phần lớn diện tích chỉ canh tác một vụ, năng suất thấp. Sản lượng lúa năm 1976 chỉ đạt 180.743 tấn, bình quân đầu người 276 kg. Bên cạnh đó có một số thuận lợi: Tiếp quản diện tích đồn điền cao su 5.126 ha, một số vùng chuyên canh mía với sản lượng 567.600 tấn, sản lượng mì đạt 98.539 tấn. Hệ thống thủy lợi rất khó khăn, nguồn cung cấp nước duy nhất là sông Sài gòn và sông Vàm Cỏ, lòng sâu và hẹp, mực nước mùa kiệt quá sâu rất khó khai thác, hưởng ứng chủ trương làm thủy lợi, Tây Ninh cũng đã tích cực xây dựng được một số công trình hạng vừa và nhỏ như: Tà Băng, Phước Chỉ, Trà Phí, Suối Ông Hùng… Nhưng hoạt động không hiệu quả, đã thiếu nước lại bị mặn theo sông Sài gòn và sông Vàm Cỏ vào sâu trong đồng uy hiếp hang vạn ha đất sản xuất nông nghiệp, mùa lũ nước sông Sài Gòn rất hung dữ, thường xuyên gây ngập úng trên diện rộng.

Đến năm 2020, nông nghiệp luôn phát triển ổn định; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tích cực; ứng dụng khoa học công nghệ được mở rộng, năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi được nâng lên, dịch bệnh trong nông nghiệp được phòng chống, ngăn chặn hiệu quả; nuôi trồng thủy sản phát triển, nhiều mô hình đạt hiệu quả cao, hình thành vùng nuôi chuyên canh. Tăng trưởng đạt tốc độ khá, chất lượng dần được cải thiện, giá trị sản xuất nông lâm thủy sản ước năm 2020 đạt 26.521 tỷ đồng, tăng gấp 39,6 lần so với năm 1976 (chiếm tỷ trọng 24,6% trong GDP của tỉnh. Trong đó giá trị sản xuất nông nghiệp 25.793 tỷ đồng, lâm nghiệp 240 tỷ đồng, thủy sản 487 tỷ đồng;  Tỷ lệ che phủ rừng 16,3%; Tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh 99% (theo Quy chuẩn của Bộ Y tế đạt 62%); Số xã đạt tiêu chí nông thôn mới đạt 45/71 xã chiếm tỷ lệ 63,4%; giá trị sản phẩm bình quân thu được trên 01 ha đất trồng trọt đạt 100 triệu đồng.

2. Sản phẩm nông, lâm thuỷ sản chủ yếu

Hiện nay, thực hiện đề án cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng chuyên canh gắn với công nghiệp chế biến đặc biệt là mía, khoai mì, cao su, cây ăn quả...Cụ thể như sau:

- Cây mía diện tích khoảng 7.000 ha, sản lượng đạt 526.000 tấn/năm. Hiện tỉnh có 02 nhà máy chế biến đường với công suất 9.800 tấn mía cây/ngày, với định hướng đẩy mạnh việc sử dụng các giống mía mới, tăng cường cơ giới hoá để đạt năng suất và chữ đường cao, phát triển công nghiệp chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng các loại sản phẩm sau đường để tăng năng lực cạnh tranh của ngành.


Hình 2. Cánh đồng mía áp dụng công nghệ tưới tiên tiến


- Cây mì có lợi thế mạnh về đất đai, công nghiệp chế biến, nhất là ứng dụng giống mới nên năng suất, hiệu quả cao, diện tích hiện nay của vùng nguyên liệu đạt 57.000 ha với năng suất bình quân 33,3 tấn/ha, sản lượng 1,9 triệu tấn. Hiện trên địa bàn tỉnh có 65 nhà máy chế biến mì với tổng công suất 6,4 triệu tấn củ/năm (trong đó có 08 nhà máy chế biến sâu; 06 nhà máy sản xuất tinh bột biến tính và 02 nhà máy sản xuất mạch nha)

- Cây cao su diện tích khoảng 100.500 ha với năng suất bình quân duy trì từ 2,1 tấn/ha trở lên, sản lượng trên 179.000 tấn. Hiện tỉnh có 21 nhà máy chế biến cao su với tổng công suất khoảng 480.000 tấn nguyên liệu/năm, các sản phẩm chế biến và tiêu thụ trong nước và các thị trường ngoài nước như Trung Quốc, Mỹ, Úc, Ý, Đức,…

- Cây điều với diện tích duy trì 1.500 ha, sản lượng đạt 3.000 tấn. Hiện tỉnh có 20 nhà máy chế biến hạt điều với tổng công suất 20.000 tấn điều nhân/năm.

- Cây ăn quả với diện tích 23.340 ha trong đó diện tích cho sản phẩm đạt trên 20.000 ha, năng suất bình quân đạt 13,4 tấn/ha với tổng sản lượng 270.000 tấn/năm. Một số loại cây ăn quả chủ lực của tỉnh như mãng cầu: 5.406 ha, sản lượng 67.700 tấn, nhãn: 4.500 ha, sản lượng 40.506 tấn; xoài: 2.460 ha, sản lượng 22.375 tấn; sầu riêng: 2.270 ha, sản lượng 19.750 tấn). Hiện tỉnh có 01 nhà máy chế biến rau, củ, quả công suất 500 tấn sản phẩm/ngày.

- Rau các loại với diện tích hơn 20.600 ha, năng suất đạt 18,5 tấn/ha và sản lượng đạt 381.600 tấn. Hiện tỉnh đang đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất rau tập trung, áp dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình sản xuất tốt, hữu cơ, đảm bảo an toàn thực phẩm gắn với công nghiệp sơ chế và chế biến.

- Sản phẩm chăn nuôi chủ yếu gồm 3 nhóm: (1) Lợn: phát triển chăn nuôi lợn với các giống cao sản theo hướng trang trại công nghiệp; tăng đàn lợn chăn nuôi theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học. Tổng đàn lợn khoảng 160.000 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 41.000 tấn; (2) Thịt và sữa bò: phát triển chăn nuôi bò trang trại quy mô lớn, tập trung. Hiện nay, quy mô đàn bò thịt đạt 81.700 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 2.825 tấn; quy mô đàn bò sữa là 13.600 con và sản lượng sữa đạt trên 40.000 tấn; (3) thịt và trứng gia cầm: phát triển chăn nuôi gia cầm theo phương thức trang trại, công nghiệp tập trung với tổng đàn trên 9 triệu con, sản lượng thịt đạt 38.500 tấn, sản lượng trứng đạt 480 triệu quả.

 

 

 Hình 3. Trang trại Bò sữa Vinamilk tại huyện Bến Cầu


- Lâm nghiệp: Toàn tỉnh hiện có 66.406 ha rừng được các đơn vị chủ rừng, các tổ chức được giao rừng quản lý, bảo vệ ổn định, rừng ít bị tác động, tăng cả về số lượng và chất lượng rừng. Thực hiện công tác trồng rừng bình quân trồng trên 503 ha/năm và cung cấp bình quân cây giống các loại 625.000 cây/năm góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2020 đạt 16,3%.  Về chế biến gỗ, trên địa bàn tỉnh hiện có 88 cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ; trong đó có 09 cơ sở kinh doanh gỗ xây dựng, 44 cơ sở chế biến gỗ và 35 cơ sở cưa xẻ gỗ; hầu hết các cơ sở cưa xẻ gỗ có quy mô sản xuất nhỏ, lẻ (hộ gia đình). Nguyên liệu gỗ được đưa vào chế biến chủ yếu là: gỗ tự nhiên nhập khẩu từ nước ngoài và các vùng lân cận, gỗ tỉa thưa từ rừng trồng, gỗ vườn tạp, cây phân tán…

3. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC)

Những năm qua, lãnh đạo tỉnh rất chú trọng chỉ đạo phát triển NNƯDCNC nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, gia tăng về hiệu quả và chất lượng sản phẩm trong đó phát triển nông nghiệp công nghệ cao là một trong bốn nhóm giải pháp mang tính đột phá phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngày 22/12/2016, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình số 07-CTr/TU về phát triển NNƯDCNC gắn với cơ cấu lại nông nghiệp; ngày 20/02/2017 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 382/QĐ-UBND phê duyệt Đề án cơ cấu lại nông nghiệp tỉnh Tây Ninh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định 2029/QĐ-UBND ngày 20/9/2019 về phê duyệt Đề án Phát triển chuỗi giá trị và cụm ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh…

Một trong những giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững được Tây Ninh xác định là kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư vùng chuyên canh rau củ và cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao. Xây dựng, thực hiện chính sách phù hợp nhằm thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp nông nghiệp phát triển tạo điều kiện dẫn dắt nông dân cùng phát triển, giúp người nông dân tiếp cận, nâng cao hiểu biết nhằm chuyển đổi từ hình thức làm nông nghiệp truyền thống sang làm NNƯDCNC. Đồng thời xây dựng và phát triển mở rộng bảo quản, chế biến sâu các sản phẩm nông sản như: mía, mì, cao su, thịt, sữa, thủy sản. Việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật còn tạo ra những "hạt nhân" thúc đẩy liên kết, chế biến, tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản địa phương.

Giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn tỉnh đã thu hút 360 doanh nghiệp nông lâm thủy sản đăng ký hoạt động với tổng số vốn đăng ký 5.177 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 2 nhà máy chế biến đường, đạt công suất 10.800 tấn/ngày; 65 nhà máy chế biến tinh bột sắn, đạt công suất 6,4 triệu tấn củ/năm; 23 nhà máy chế biến mủ cao su, đạt công suất 48.000 tấn nguyên liệu/năm; 20 nhà máy chế biến hạt điều, đạt công suất 20.000 tấn/năm và 1 nhà máy chế biến rau, củ quả đạt công suất 500 tấn nguyên liệu/ngày;… Nhìn chung cơ bản đáp ứng nhu cầu liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Các hình thức liên kết sản xuất - tiêu thụ giữa nông dân và doanh nghiệp ngày càng được nhân rộng. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đến năm 2020 đạt 12,5%.

Bên cạnh đó, để đẩy mạnh khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nhất là nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh đang tập trung thực hiện 3 chính sách lớn: chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (theo Quyết định số 20/2020/QĐ-UBND ngày 12/6/2020); chính sách hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, NNƯDCNC, nông nghiệp hữu cơ (theo Quyết định số 21/2019/QĐ-UBND ngày 17/6/2019); chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (theo Quyết định số 23/2019/QĐ-UBND ngày 28/6/2019).

 



Hình 4. Trồng rau trong nhà màng và sử dụng thiết bị bay chăm sóc cây trồng


Với những điều kiện thuận lợi trên, Tây Ninh rất phù hợp cho phát triển NNƯDCNC nhằm tạo ra các sản phẩm an toàn, có giá trị và sức cạnh tranh cao để phục vụ cho tiêu dùng và chế biến xuất khẩu. Đến nay, nhiều mô hình NNƯDCNC đã được ứng dụng ngày càng rộng rãi trong sản xuất. Tỷ trọng giá trị sản xuất (GTSX) NNƯDCNC trong tổng GTSX nông nghiệp của tỉnh đạt 30%, sản lượng nông sản thực phẩm sạch đạt trên 20%. Tỉnh đã đề ra mục tiêu đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của nông sản. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng GTSX NNƯDCNC trong tổng GTSX nông nghiệp của tỉnh chiếm trên 40%; giá trị sản phẩm được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (GAP) hoặc tương đương trên 25%, nâng giá trị mang lại trên 1 ha đất nông nghiệp trên 130 triệu đồng/năm.

4. Làng nghề truyền thống

Lĩnh vực ngành nghề nông thôn luôn phát triển ổn định, một số ngành nghề nông thôn có thế mạnh của tỉnh như: nghề mây tre đan, nghề làm nhang, nghề bánh tráng, muối ớt, nghề trồng hoa lan, mộc gia dụng...được duy trì và phát triển đã góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Hiện nay trêm địa bàn tỉnh có10 nghề truyền thống và 01 làng nghề truyền thống được công nhận, đã hình thành tổ chức kinh tế hợp tác như mây, tre đan (đan lát); đúc gang; mộc gia dụng; se nhang; chầm nón lá…Trong đó, một số sản phẩm đặc sản của tỉnh đã có thương hiệu và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận như: Muối ớt Tây Ninh; Mãng cầu núi Bà Đen; đặc biệt sản phẩm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận, là một trong các sản phẩm nằm trong danh mục Di sản Văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia (năm 2016).

 

 

 Hình 5. Làng nghề làm bánh tráng truyền thống


5. Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới

Tây Ninh bắt đầu triển khai xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm rất thấp; năm 2010, bình quân mỗi xã chỉ đạt 3,1 tiêu chí, có 68 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Cơ sở hạ tầng thiết yếu của các xã (điện, đường, trường, trạm,...) không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí, đời sống vật chất, tinh thần của người dân rất khó khăn với thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 17,3 triệu đồng/năm. Trải qua hơn 10 năm triển khai và thực hiện phong trào thi đua "Tây Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới" đã đạt được những kết quả khả quan, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã trở thành cuộc vận động lớn, được các ngành, các cấp, các địa phương, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tích cực hưởng ứng tham gia, trên cơ sở phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của chi bộ Đảng ấp, khu dân cư và vai trò chủ thể trực tiếp của từng hộ dân. 


 Hình 6. Lễ công bố xã Cầu Khời, huyện Dương Minh Châu đạt chuẩn nông thôn mới


Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 45/71 xã đạt chuẩn, bình quân mỗi xã của tỉnh đạt 17,1 tiêu chí, trong đó có 17 xã biên giới, chiếm 63,4% số xã toàn tỉnh, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần X và chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1865/QĐ-TTg ngày 23/11/2017 (50% số xã). Có 02 đơn vị cấp huyện: thị xã Hòa Thành, thành phố Tây Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Hạ tầng nông thôn được đầu tư đáp ứng cơ bản nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội các địa phương, góp phần từng bước thay đổi diện mạo nông thôn Tây Ninh với 45 xã đạt tiêu chí giao thông (chiếm tỷ lệ 63%), 71 xã đạt tiêu chí thủy lợi, điện, thông tin và truyền thông, nhà ở (chiếm tỷ lệ 100%), 47 xã đạt tiêu chí trường học (chiếm tỷ lệ 66%), 45 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa (chiếm tỷ lệ 63%), 65 xã đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn (chiếm tỷ lệ 92%)... đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn được cải thiện rõ rệt với thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/năm (tăng 2,9 lần so với năm 2010)./.

Phòng Kế hoạch, Tài chính

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây