Nhằm đánh giá hiện trạng chuỗi giá trị một số sản phẩm nông nghiệp tỉnh Tây Ninh; phân tích thuận lợi, khó khăn, khả năng phát triển của các chuỗi giá trị và cụm ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Từ đó, có định hướng, giải pháp, cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển, góp phần đưa nền nông nghiệp Tây Ninh phát triển theo hướng nông nghiệp hiệu quả, giá trị cao và bền vững;
Vào lúc 7 giờ 30 phút ngày 04 tháng 01 năm 2019, tại Hội trường khách sạn Vinpearl đường 30/4 TP. Tây Ninh, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội thảo "Phát triển chuỗi giá trị và cụm ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh",
1. Tham dự hội thảo gồm có
- Đại diện Lãnh đạo các Viện, Trường: Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD); Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam; Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam; Phân Viện Chăn nuôi Nam Bộ; Trưởng khoa Nông học, Đại học Nông lâm TP.HCM; Đại học Cần Thơ (Lê Nguyên An Khôi, Phạm Thành Lợi, Dương Hải Đăng); Tiến sỹ Đặng Kim Sơn – Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn; Tiến sỹ Huỳnh Thế Du -Trường Đại học FullBright; Đại diện Lãnh đạo Công ty TNHH Tư vấn Quản lý và Phát triển ASEAN (ASEC). Đại diện Lãnh đạo Hội đồng nhân dân tỉnh.
- Đại diện một số doanh nghiệp: Công ty Cổ phần Lavifood; Công ty Cổ phần Nafoods Group; Công ty Cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa. Công ty CP Bình Điền- Mekong; Công ty Sáu Như Một; Công ty Thành Thành Công Biên Hòa, Công ty Pacow Khải Nam, Công ty CP Lavifood, Công ty Phân bón Đất Phúc, Công ty QL Farm, Công ty CP chứng nhận và GĐ Vinacert, Công ty Ecotech, Công ty Duy Bảo Linh và HTX trên địa bàn tỉ
- Tỉnh Tây Ninh: Ông Trần Văn Chiến Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Đại diện Lãnh đạo các Sở, ban ngành: Văn phòng UBND; Công Thương; Sở Tài nguyên và Môi trường; Liên minh Hợp tác xã tỉnh; Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Tây Ninh; Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Tây Ninh; Hội Nông dân tỉnh Tây Ninh; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị trực thuộc Sở; Đại diện Lãnh đạo UBND các huyện, thành phố Tây Ninh; Đại diện Lãnh đạo phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, phòng Kinh tế thành phố Tây Ninh; Đại diện Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Nhân dân chi nhánh Tây Ninh, Thông tấn xã Việt Nam chi nhánh Tây Ninh, Báo Tây Ninh (tham dự và đưa tin).
2. Diễn biến Hội thảo
- Mở đầu Hội Thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến phát biểu khai mạc
- Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, Giảng viên trường Đại học Fulbright trình bày tổng quan Đề án Phát triển chuỗi giá trị và cụm ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh. Các đồng sự của tiến sĩ trình bày cụ thể về chuỗi giá trị và cụm ngành chăn nuôi, cụm ngành trồng trọt tỉnh trong thời gian tới.
- Ông Võ Đức Trong, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu các giải pháp phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh với các nội dung: thu hút đầu tư doanh nghiệp nông nghiệp tiên phong gắn với vùng quy hoạch, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tổ chức lại sản xuất; phát triển các mô hình hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp; đầu tư phát triển nguồn nhân lực, tăng cường thu hút, đào tạo tri thức cho nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy phát triển công nghệ 4.0; rà soát hoạt động tài chính, đầu tư, thị trường.
- Đại diện Công ty Lavifood trình bày tham luận về cách làm của doanh nghiệp trong phát triển chuỗi giá trị và cụm ngành nông nghiệp ở Tây Ninh
- Tiến sĩ Trần Công Thắng, Viện phó Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn tham luận về những chủ trương, chính sách có tính chiến lược của cả nước về phát triển ngành nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị
- Đại diện Công ty TNHH Tư vấn quản lý và phát triển ASEAN (ASEC) tham luận về những khả năng và cách thức hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong phát triển chuỗi giá trị và cụm ngành nông nghiệp.
- Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn tham luận về những định hướng và thách thức trong phát triển chuỗi giá trị và cụm ngành nông nghiệp, nhất là thu hút doanh nghiệp đầu tàu, tạo đột phá trong xây dựng nông nghiệp công nghệ cao.
- GS.TS Võ Tòng Xuân góp ý kiến tại hội thảo để trả lời câu hỏi "trồng cây gì, nuôi con gì và làm thế nào?", dành sự quan tâm đặc biệt đến chất lượng nguồn giống cây trồng (cây mía, cây lúa…); đề cao vai trò của cây mía, làm sao để gia tăng giá trị cho cây mía. Trong đó đề nghị cần thay đổi nhận thức của người trồng và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đề xuất tỉnh cần nghiên cứu phân tích loại đất để chọn loại trồng cây thích hợp; chuỗi giá trị cần có đầu ra, nhưng hạn chế thương lái, khâu trung gian, phải đi thẳng vào các doanh nghiệp; xác định thị trường.
Một số ý kiến khác nêu các vấn đề về định hướng của cây mía, những khó khăn của nông dân khi đầu tư phát triển sản xuất; khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn từ các chính sách cùng với kiến nghị tỉnh cần có chính sách cụ thể, rõ ràng để cho nông dân, các hợp tác xã được hưởng các ưu đãi nâng cao hoạt động và chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả.
3. Kết luận
Ông Võ Đức Trong, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phát biểu kết luận Hội thảo: Nhìn chung các đại biểu tham dự cơ bản thống nhất, đánh giá cao nội dung Đề án chuỗi giá trị và cụm ngành nông nghiệp, đồng thời tiếp thu, ghi nhận các ý kiến của đại biểu tại hội thảo, sẽ bổ sung, hoàn chỉnh Đề án để trình thông qua UBND tỉnh. Trong đó, giai đoạn tới Tỉnh sẽ tập trung thực hiện các vấn đề trọng tâm sau:
- Đối với khoa học và công nghệ, cần nghiên cứu, xác định loại sản phẩm gắn giống cây trồng vật nuôi không chỉ cho năng suất cao mà phải có chất lượng phù hợp thị hiếu, thị trường, phù hợp với từng hệ sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và quan trọng hơn cả là phù hợp với nhu cầu ngày càng cao của thị trường...
- Tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp cũng như thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.
- Tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu phát triển khoa học và công nghệ trong nông nghiệp, tham gia liên kết sản xuất quy mô lớn, hình thành vùng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm đầu ra, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao năng lực và phát huy vai trò của các bên trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.
Để thực hiện các vấn đề đặt ra, Tỉnh sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành liên quan và chính quyền địa phương chủ động giúp đỡ doanh nghiệp nông dân tận dụng cơ hội và vượt qua các thách thức, phát triển củng cố chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, giúp nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp ngày càng tốt hơn./.
Phòng Kế hoạch, Tài chính
Ý kiến bạn đọc