Ngày 07/12/2018, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị tổng kết sản xuất, chế biến mía đường niên vụ 2017 - 2018 và Kế hoạch niên vụ 2018 - 2019. Tham dự hội nghị có Giám đốc Sở; Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam; Đại diện: Lãnh đạo các Sở, ban, ngành: Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thống kê tỉnh, Hội Nông dân, Cục Hải quan, Biên phòng tỉnh, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Chi nhánh Tây Ninh; Liên minh Hợp tác xã tỉnh; Thủ trưởng các phòng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở: Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật, Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy lợi, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản, Văn phòng Sở, Phòng Kế hoạch - Tài chính; Đại diện lãnh đạo các phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện: Tân Biên, Tân Châu, Dương Minh Châu, Châu Thành, Bến Cầu; Công ty Cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa, Công ty TNHH Hưng Thịnh; Đại diện Hội Người trồng mía, HTX, Đài Phát thanh và Truyền hình Tây Ninh, báo Tây Ninh.
Sau khi thông qua Báo cáo tổng kết sản xuất, chế biến mía đường niên vụ 2017 - 2018 và kế hoạch niên vụ 2018 - 2019; các tham luận và ý kiến phát biểu thảo luận của đại biểu; Giám đốc Sở đã kết luận Hội nghị gồm một số nội dung chính sau:
Về tình hình sản xuất, chế biến niên vụ 2017 - 2018
- Duy trì được diện tích mía trên 20.000 ha, năng suất tăng và cao hơn năng suất cả nước, mía nguyên liệu được hợp đồng bao tiêu, vùng nguyên liệu mía được đầu tư tưới, cơ giới đồng bộ (từ làm đất, trồng, chăm sóc và thu hoạch) diện tích tưới chủ động tăng nên năng suất, chất lượng cây mía đã được cải thiện.
- Bên cạnh những chuyển biến tích cực, ngành mía đường còn khó khăn nhất là ảnh hưởng tác động hội nhập, sản lượng đường trong nước đã thừa đường nhập lậu giá thấp, giá đường và sản lượng đường thế giới có nhiều bất lợi cho đường trong nước. Do vậy hiệu quả kinh tế cây mía thấp do giá mua mía giảm thấp nên người trồng mía đang chuyển đổi mạnh sang cây trồng khác (mì, rau, cây ăn trái), vì vậy diện tích mía vụ Đông xuân 2018 - 2019 giảm mạnh; mặc khác giá thành sản xuất mía nguyên liệu hiện nay của tỉnh vẫn còn cao, do tỷ lệ cơ giới hóa còn thấp nhất là khâu thu hoạch trong khi áp lực thiếu là thu hoạch tăng cao; chất lượng bộ giống, quy trình chăm sóc chưa đồng bộ thích ứng với từng vùng đất và yêu cầu cơ giới hóa đồng bộ, ảnh hưởng biến đổi thời tiết. Mối quan hệ giữa các công ty, nhà máy với nông dân trồng mía chưa hài hòa (trong chính sách đầu tư, kiểm tra, giám sát mía nguyên liệu).
Trước tình hình trên ngành mía đường cần có giải pháp đồng bộ, quyết liệt, nhất là nhà máy chế biến đường và nông dân trồng mía cùng chung tay chia sẽ khó khăn để cùng vượt qua. Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị một số giải pháp cần tập trung là:
- Tập trung tổ chức thực hiện Đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030" đã được phê duyệt, trong đó định hướng phát triển sản xuất và chế biến mía sẽ tập trung ở những vùng thích hợp nhất và có lợi thế so sánh với cây trồng khác, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy đường có khả năng phát huy hiệu quả và đa dạng sản phẩm, nhất là tận thu được phụ phẩm.
- Thực hiện các chính sách hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp như: Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, để nâng cao hiệu quả sản xuất, chế biến mía đường.
- Các nhà máy cùng đồng hành, chia sẻ với người trồng mía trong giai đoạn khó khăn để duy trì diện tích mía ổn định bằng các giải pháp đầu tư tập trung; xây dựng vùng nguyên liệu mía theo hướng đồng bộ gắn với ứng dụng cơ giới hóa, canh tác giảm giá thành, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng mía và cơ cấu giống phù hợp; các nhà máy rà soát lại giá thu mua mía nguyên liệu phù hợp với chất lượng mía theo tiêu chuẩn quy định và chia sẽ nâng giá mía để giảm thua lỗ cho người trồng mía.
- Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị Trung tâm kiểm định chữ đường độc lập của Hiệp hội mía đường sớm đi vào hoạt động tạo lòng tin cho nông dân trồng mía và phải được công nhận thí điểm của Bộ Nông Nghiệp và PTNT.
- Khuyến cáo người trồng mía phải cân nhắc trong chuyển đổi sang một số cây trồng khác (mì, rau, cây ăn trái) từng bước gắn thị trường và chuỗi giá trị tránh sản xuất tự phát.
Sở Nông nghiệp và PTNT thông báo đến các cơ quan, đơn vị biết và phối hợp tổ chức thực hiện các nội dung kết luận nêu trên./.
Ý kiến bạn đọc