Chuyên mục sản xuất mãng cầu theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với thương hiệu và chỉ dẫn địa lý giai đoạn 2016-2018

Thứ hai - 30/10/2017 23:00 242 0

CHUYÊN MỤC

Sản xuất mãng cầu theo tiêu chuẩn vietgap gắn với thương hiệu và chỉ dẫn địa lý giai đoạn 2016-2018


Với tổng diện tích cây mãng cầu năm 2016 là 4.600 ha, trong đó diện tích cây đang trong thời kì kinh doanh là 4.316 ha, Tây Ninh là tỉnh có diện tích sản xuất mãng cầu lớn nhất cả nước. Đây là loại cây đặc sản của tỉnh, mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân.

Mãng cầu có thể cho trái quanh năm, mang lại kinh tế cao cho nhiều hộ sản xuất, tuy nhiên nông dân còn sản xuất theo hướng tự phát, chất lượng chưa đảm bảo, nhất là về an toàn vệ sinh thực phẩm, việc tiêu thụ bấp bênh phụ thuộc vào thương lái. Nông dân tuy có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất mãng cầu, song các kỹ thuật mới chưa được ứng dụng một cách đồng bộ, tình trạng sâu, bệnh nhất là ruồi đục trái xảy ra trên diện rộng ảnh hưởng lớn đến chất lượng trái mãng cầu thấp chưa đạt. Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng, tăng chi phí đầu tư không cần thiết và làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm, đồng thời vô tình đã tạo tính kháng thuốc của sâu bệnh, ảnh hưởng các loài thiên địch dẫn đến mất cân bằng sinh thái, nhiều loài dịch hại phát sinh trên diện rộng khó phòng trừ. Ngoài ra, sản xuất không gắn với thương hiệu nên chưa tạo ra giá trị hàng hóa cao.

Dự án sản xuất mãng cầu theo hướng VietGAP gắn với thương hiệu và chỉ dẫn địa lý là cần thiết nhằm gắn kết giữa sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ thành chuỗi liên kết để nâng cao giá trị sản phẩm trái mãng cầu, đồng thời phòng trừ hiệu quả ruồi đục trái, giảm chi phí đầu tư, đa dạng hóa sản phẩm từ trái mãng cầu, tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người nông dân, hướng đến sản xuất hiệu quả và bền vững, an toàn cho người tiêu dùng, giữ vững và khẳng định được thương hiệu "Mãng cầu Bà Đen" là loại trái cây đặc sản của tỉnh.

Để xây dưng được thương hiệu "Mãng cầu Bà Đen", tỉnh Tây Ninh đã xây dựng những mục tiêu cụ thể :

- Thực hiện đến năm 2018 xây dựng và hình thành 03 tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ Mãng cầu với tổng diện tích 42 ha, đồng thời chứng nhận VietGAP cho số diện tích này, tuyên truyền vận động người dân sản xuất mãng cầu đạt tiêu chuẩn VietGAP gắn với tiêu thụ đạt 10% tổng diện tích, diện tích sản xuất mãng cầu theo hướng VietGAP đạt 20% tổng diện tích,.

- Thực hiện các giải pháp phòng trừ tổng hợp để chống ruồi đục quả, trong đó giải pháp chính thực hiện trong Dự án là sử dụng biện pháp bao trái, hạn chế tối đa sử dụng thuốc BVTV để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Từ năm 2016- 2018 xây dựng 03 mô hình trình diễn về quy trình kỹ thuật sản xuất, bảo quản quả mãng cầu mang chỉ dẫn địa lý Bà Đen, tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật cho người sản xuất để đăng ký chứng nhận VietGAP.

- Nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng mãng cầu.

Tổ liên kết sản xuất Mãng cầu VietGAP xã Tân Bình, TP Tây Ninh là mô hình đầu tiên đạt chứng nhận VietGAP trong 3 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất mãng cầu theo chỉ dẫn địa lý đạt tiêu chuẩn VietGAP gắn với tiêu thụ. Với diện tích sản xuất là 14 ha tại địa bàn 3 ấp: Tân Hòa, Tân Phước và Tân Trung. 

Trước những yêu cầu của thị trường cũng như nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng thì việc sản xuất mãng cầu theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với thương hiệu và chỉ dẫn địa lý là cần thiết. Cơ quan chuyên môn cần phối hợp với nông dân tổ chức các buổi tập huấn, phổ biến phương pháp canh tác theo quy trình VietGAP để nông dân canh tác hiệu quả hơn. Đồng thời tạo sức lan tỏa cho các địa bàn canh tác mãng cầu khác trên địa bàn tỉnh.


  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây