Chuyên mục
ngày 3/7/2017
Chuyên đề Giới thiệu một số giống lúa triển vọng, phát triển vùng lúa chất lượng cao trên địa bàn tỉnh
Tây Ninh là tỉnh có diện tích sản xuất lúa lớn nhất ở miền Đông Nam Bộ, với diện tích gieo trồng cả năm là 144.395 ha so với 273.200 ha của vùng Đông Nam Bộ. Cây lúa là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh do điều kiện tự nhiên tương đối thuận lợi cho sản xuất lúa nhờ nguồn nước hồ Dầu Tiếng và vùng ven sông Vàm Cỏ. Thời gian qua, tỉnh đã có một số chính sách đầu tư trên cây lúa và đã đạt được những kết quả nhất định. Trong đó có việc sản xuất một số giống lúa triển vọng và phát triển vùng lúa chất lượng cao trên địa bàn tỉnh.
Giống lúa vừa là mục tiêu vừa là một biện pháp kỹ thuật để nâng cao năng suất và phẩm chất hạt gạo. Hiện nay, các nhà nghiên cứu chọn tạo giống lúa theo 3 hướng: chọn tạo giống có chất lượng gạo ngon phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu; chọn tạo giống có năng suất cao, ổn định cho các vùng thâm canh; chọn tạo giống cho năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn, hạn chế mức thấp nhất sâu bệnh gây hại và các điều kiện khó khăn. Một số giống lúa triển vọng hiện nay địa bàn tỉnh đang sản xuất như: vụ Đông xuân: OM 5451, RVT, ST 24, ST 21, ST 20, Jasmine 85, OM 4900,..; vụ Hè thu: ST 24, OM 4900, OM 1352, OM 5451, ...; vụ Mùa: OM 7347, OM 6976, ST 20. Những giống lúa này có nhiều ưu điểm như chất lượng gạo ngon, hạt nhỏ, dài bóng, có mùi thơm nhẹ, cơm mềm và có vị đậm. Đặc biệt, RVT, ST 24, ST 20, ST 21, Jasmine 85 các giống này có giá trị kinh tế cao trong xuất khẩu, phù hợp với định hướng phát triển vùng lúa chất lượng cao trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, quy hoạch vùng lúa chất lượng cao là giải pháp tốt nhất để giúp cho các hộ nông dân có thể ứng dụng một cách đầy đủ và hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật; thông qua các hoạt động đào tạo, tập huấn, hội thảo và thông tin tuyên truyền. Sản xuất lúa chất lượng cao vừa mang lại an toàn cho người sản xuất và người tiêu thụ và quan trọng hơn là góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển hàng hoá, nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất.
Ông Nguyễn Hoàng Lộc hiện ngụ xã Thanh Điền, huyện Châu Thành, hiện là Tổ trưởng tổ liên kết sản xuất lúa giống xã Thanh Đìền. Ông là người có kinh nghiệm nhiều năm trong việc sản xuất lúa giống. Hiện tổ liên kết sản xuất lúa giống xã Thanh Điền đã đem lại hiệu quả cao trong việc cung cấp lúa giống chất lượng cao trên toàn tỉnh.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất lúa và tạo hướng đi bền vững cho ngành sản xuất lúa gạo trong tỉnh cần có định hướng chiến lược sản xuất lúa cụ thể trong từng thời điểm nhất định và từng vùng sản xuất lúa có tính đặc thù riêng. Việc cần thiết phải làm là nâng cao năng suất và chất lượng lúa bằng cách sử dụng các giống lúa triển vọng và phát triển vùng lúa chất lượng cao trên toàn tỉnh./.
Ý kiến bạn đọc