Xây dựng cơ sở giết mổ đủ điều kiện an toàn thực phẩm

Thứ hai - 12/06/2017 17:00 475 0
Chuyên mục: Xây dựng cơ sở giết mổ đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ngày 03/6/2017)

Năm 2017 được Trung ương và tỉnh xác định là năm cao điểm hành động vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, việc quản lý tốt hoạt động giết mổ có ý nghĩa hết sức quan trọng góp phần ngăn chặn dịch bệnh, giảm ô nhiễm môi trường và đem tới nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của công tác quản lý giết mổ, căn cứ Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT ngày 03/12/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm, thực hiện chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tập trung triển khai xây dựng các cơ sở giết mổ đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

1. Tình hình giết mổ động vật trên địa bàn tỉnh

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có 63 cơ sở giết mổ (40 cơ sở giết mổ tập trung và 22 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ đang hoạt động, 01 cơ sở giết mổ tập trung tạm ngưng hoạt động). Trong đó số cơ sở giết mổ được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm là 23 cơ sở (19 cơ sở giết mổ tập trung và 04 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ). Cơ sở giết mổ tập trung là cơ sở có công suất từ 05 con trâu bò/ngày, 10 con heo/ngày, 200 con gia cầm/ngày trở lên. Cơ sở giết mổ nhỏ lẻ là cơ sở có công suất dưới 05 con trâu bò/ngày, 10 con heo/ngày, 200 con gia cầm/ngày.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, kiểm soát giết mổ ước đạt 4.604 con trâu bò, tăng 47% so với cùng kỳ; 29.262 con heo, tăng 16% so với CK và 163.728 con gia cầm, tăng 10% so với cùng kỳ

2. Công tác quy hoạch cơ sở giết mổ

Thực hiện Quyết định số 382/QĐ-UBND ngày 20/02/2017 của UBND tỉnh Tây Ninh phê duyệt Đề án cơ cấu lại nông nghiệp tỉnh Tây Ninh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, mục tiêu đến năm 2020, số cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh là 51 cơ sở tập trung với tổng công suất giết mổ là 280-320 con trâu bò/ngày, 1.600 – 1.800 con heo/ngày và 19.000-21.000 con gia cầm/ngày.

 Chi cục Chăn nuôi và Thú y tham mưu Sở NN trình UBND tỉnh rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2012-2020 cho phù hợp với thực tế.

3. Điều kiện để cơ sở giết mổ được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm

Các cơ sở giết mổ được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm phải đảm bảo các yêu cầu theo Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT ngày 03/12/2014 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Theo đó các cơ sở này phải được đầu tư từ vị trí, hệ thống nhà xưởng, hệ thống cấp thoát nước đến xử lý hệ thống nước thải bảo đảm môi trường. Việc kiểm tra, kiểm soát đầu vào động vật và đầu ra sản phẩm ở cơ sở đảm bảo chặt chẽ theo quy định. Chủ cơ sở giết mổ và những người trực tiếp tham gia giết mổ phải có giấy khám sức khỏe định kỳ và được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm trong giết mổ động vật.

4. Công tác cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho các cơ sở giết mổ

Thực hiện Công văn số 140/SNN-CCCN&TY ngày 23/01/2017 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh về việc chấn chỉnh hoạt động các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, trong tháng 3/2017, Chi cục đã tiến hành kiểm tra và hướng dẫn 20 cơ sở giết mổ tập trung chưa được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm khắc phục các tồn tại và nâng cấp để được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.

Sau khi được kiểm tra, hướng dẫn, các cơ sở giết mổ đã khẩn trương khắc phục các chỉ tiêu chưa đạt và có 01 cơ sở giết mổ đã được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, 06 cơ sở đã khắc phục xong các chỉ tiêu và chuẩn bị được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Còn lại 13 cơ sở giết mổ chưa được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm thì có 08 cơ sở đang khẩn trương khắc phục các chỉ tiêu, 01 cơ sở sẽ ngưng hoạt động do không có quy hoạch, 02 cơ sở chưa sữa chữa, khắc phục và 02 cơ sở đang trong quá trình xây dựng.

Các cơ sở chưa được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm phần lớn do không đạt về chỉ tiêu nước thải và nước dùng. Việc khắc phục các chỉ tiêu này mất nhiều thời gian và tốn nhiều kinh phí nên cũng đã ảnh hưởng không ít đến công tác cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho các cơ sở giết mổ.

Đối với các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, Chi cục có Kế hoạch kiểm tra và hướng dẫn thực hiện các thủ tục để cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm trong 6 tháng cuối năm 2017.

Ngoài ra, Chi cục đã tổ chức 01 lớp tập huấn nhằm trang bị những kiến thức về an toàn thực phẩm cho chủ cơ sở giết mổ và những người trực tiếp tham gia giết mổ trên địa bàn huyện Hòa Thành, Tân Biên và Châu Thành. Kết quả đánh giá sau buổi tập huấn, các học viên đều nắm vững những kiến thức cơ bản về an toàn thực phẩm trong giết mổ động vật.

5. Phương hướng

- Trong thời gian tới, Chi cục tiếp tục hướng dẫn các cơ sở giết mổ chưa được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm khắc phục những lỗi vi phạm và kiểm tra lại trước ngày 30/6/2017.

- Trường hợp kết quả kiểm tra lại, cho thấy cơ sở không khắc phục các sai lỗi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y không thực hiện kiểm soát giết mổ đồng thời đề nghị Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố thu hồi giấy phép kinh doanh.

- Trường hợp kết quả kiểm tra lại, cho thấy cơ sở có khắc phục các sai lỗi, nhưng do các lỗi vi phạm cần thời gian khắc phục và cần kinh phí lớn để thực hiện thì sẽ cho gia hạn đến thời điểm 02/10/2017.

- Từ ngày 03/10/2017 trở đi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y chỉ thực hiện công tác kiểm soát giết mổ tại các cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

- Chi cục chỉ đạo các Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, thành phố phối hợp với các đơn vị có liên quan, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, lén lún, không giấy phép kinh doanh và không đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Ngoài ra Chi cục sẽ xây dựng Kế hoạch kiểm tra, đánh giá để cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trong 6 tháng cuối năm 2017.

Như vậy việc quy hoạch cơ sở giết mổ tập trung và xây dựng các cơ cở giết mổ đủ điều kiện an toàn thực phẩm là nhiệm vụ cấp bách để xây dựng ngành chăn nuôi lành mạnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng và góp phần đưa nền nông nghiệp tỉnh nhà phát triển bền vững, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường./.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây