Nhân rộng chăn nuôi an toàn sinh học

Thứ hai - 04/09/2023 07:41 419 0
Nhandan.vn - Hiện ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh đang ưu tiên phát triển các dự án chăn nuôi an toàn sinh học, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Dự kiến đến năm 2025, Tây Ninh hoàn thành xây dựng hai vùng an toàn dịch bệnh trên gia cầm (gà) và sẽ tổ chức lại các khâu sản xuất, đẩy mạnh xây dựng vùng chăn nuôi an toàn sinh học, khuyến khích hình thành nhiều chuỗi chăn nuôi, giết mổ gia cầm theo hướng công nghệ cao.

phat trien chan nuoi an toan sinh hoc 3543

Giải pháp tối ưu để chăn nuôi bền vững

Chăn nuôi an toàn sinh học là việc thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, vệ sinh thú y nhằm ngăn ngừa và hạn chế sự lây nhiễm của mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào các cơ sở chăn nuôi và tiêu diệt mầm bệnh tồn tại ở bên trong; không để mầm bệnh lây lan giữa các khu vực chăn nuôi; và đây là giải pháp tối ưu để phát triển chăn nuôi bền vững.

tại huyện Dương Minh Châu, địa phương có nhiều trang trại chăn nuôi gia cầm quy mô lớn, cho thấy, nông dân tại đây đã đầu tư chuồng trại rất hiện đại, khép kín, bảo đảm vệ sinh môi trường và phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Tại Trang trại chăn nuôi gà lạnh Trường Thịnh (xã Phước Ninh), giai đoạn 2009-2023, trang trại gà lạnh là điểm đầu tiên trên địa bàn huyện áp dụng làm nền chuồng độn trấu, rắc vôi và phun khử trùng tiêu độc thường xuyên... nên không phải quét dọn phân, thay chất độn chuồng. Điều này giúp giảm công lao động, bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, trang trại tuân thủ nghiêm ngặt việc tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại, nhất là trong thời tiết nắng nóng dễ phát sinh dịch bệnh trên đàn gia cầm. Hiện trang trại này nuôi gia công khoảng 30.000 con gà/lứa cho Công ty TNHH CJ Vina Agri. Ðể đáp ứng yêu cầu của đối tác, trang trại phải tuân thủ những quy định chăn nuôi an toàn sinh học.

Huyện Dương Minh Châu đã được chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện đối với bệnh cúm gia cầm và bệnh Newcastle trên gia cầm. Số liệu thống kê cho thấy, tổng đàn gia cầm của huyện là 1.271.482 con gà (tăng 18,95% so năm 2012) và 31.600 con vịt. Trong đó, nuôi trang trại là 1.187.200 con, chiếm 93,3% tổng đàn. Cơ cấu chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi an toàn sinh học với 21 cơ sở chăn nuôi và 11 xã, thị trấn được công nhận an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và bệnh Newcastle.

Nhân rộng chăn nuôi an toàn sinh học

Nằm gần Dương Minh Châu, huyện Gò Dầu nổi tiếng với nhiều trang trại chăn nuôi an toàn sinh học. Tại Trang trại phân phối gà giống Đông Tảo Đá Hàng (xã Hiệp Thạnh), để bảo vệ đàn gà khỏi các loại dịch bệnh nguy hiểm, ngoài việc tiêm vắc-xin ngừa các loại bệnh, trang trại đã sử dụng men vi sinh làm chất độn dưới nền chuồng, còn gọi là đệm lót sinh học giúp phân gà được phân hủy mà không gây mùi hôi. Việc sử dụng đệm lót sinh học vừa giúp tiết kiệm sức lao động (không cần dọn phân hằng ngày), vừa bảo đảm an toàn dịch bệnh; đáp ứng quy định chăn nuôi an toàn sinh học.

Từ năm 2021, ngành chăn nuôi huyện Gò Dầu bắt đầu triển khai xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh tại các xã Cẩm Giang, Hiệp Thạnh, Phước Trạch. Đến nay, huyện có sáu nơi được công nhận là vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh là các xã Cẩm Giang, Hiệp Thạnh, Phước Trạch, Thạnh Đức, Phước Thạnh, thị trấn Gò Dầu. Trong năm 2023, huyện sẽ hoàn thành tiếp việc xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh tại các xã Thanh Phước, Phước Đông và Bàu Đồn. Những mô hình chăn nuôi an toàn sinh học luôn được khuyến khích và hỗ trợ vì phù hợp điều kiện sinh trưởng, phát triển của vật nuôi, chủ động kiểm soát vật nuôi, giảm phát sinh dịch bệnh, giảm rủi ro trong chăn nuôi, bảo đảm vệ sinh môi trường.

Năm 2023, đàn gia cầm của tỉnh có khoảng 9 triệu con, sản lượng thịt đạt 49.000 tấn. Cơ cấu chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô trang trại tập trung hướng chăn nuôi an toàn sinh học. Tỉnh hiện có 107 trang trại chăn nuôi gia cầm (76 trang trại gà và 31 trang trại vịt) với tổng đàn 6,4 triệu con, tăng 40,8% số trang trại chăn nuôi gia cầm so với năm 2017. Trong đó, có 73 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAHP; có một vùng thuộc huyện Dương Minh Châu và sáu cơ sở cấp xã thuộc huyện Gò Dầu an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gà; 74 cơ sở chăn nuôi khác được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh.

Tây Ninh xác định xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật là quan trọng trong triển khai thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi. Dự kiến đến năm 2025, tỉnh hoàn thành xây dựng thêm vùng an toàn dịch bệnh (cúm gia cầm và Newcastle) trên gà tại hai huyện Tân Biên và Tân Châu. Ngành nông nghiệp sẽ tổ chức lại các khâu sản xuất, đẩy mạnh xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghệ tiên tiến, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, hình thành nhiều chuỗi chăn nuôi, giết mổ theo hướng công nghệ cao.

Theo Báo Điện tử Nhandan.vn./.

Tác giả: So Nong Nghiep

Nguồn tin: nhandan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

  Góp ý

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây