Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có khoảng 215 cơ sở, hộ gia đình kinh doanh giống cây trồng; trong đó, có 112 cơ sở kinh doanh lúa giống và hạt giống các loại, 103 cơ sở kinh doanh giống cây ăn quả và cây công nghiệp dài ngày.
Công tác quản lý nhà nước về giống cây trồng được tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nắm được kiến thức pháp luật về giống. Nhìn chung, các cơ sở kinh doanh hạt giống cây ngắn ngày chấp hành tốt các quy định của pháp luật về kinh doanh giống. Tuy nhiên, một số tổ chức, cá nhân chưa nắm được các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh giống cây trồng nên chưa thực hiện đúng theo quy định.
Cơ sở giống cây trồng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh
Ngày 09/6/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2023/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về Trồng trọt. Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo từng chức danh đối với từng hành vi vi phạm hành chính về Trồng trọt. Trong đó quy định cụ thể các hành vi vi phạm quy định về buôn bán giống cây trồng và mức xử phạt cụ thể cho từng hành vi vi phạm. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 28/7/2023.
Để các tổ chức, cá nhân kịp thời nắm được các quy định của pháp luật trong kinh doanh giống cây trồng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục triển khai đến các tổ chức, cá nhân buôn bán giống cây trồng biết và thực hiện các nội dung sau:
1- Khi buôn bán giống cây trồng, tổ chức, cá nhân phải gửi thông báo trực tiếp đến Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (địa chỉ: số 292, Quốc lộ 22B, khu phố Long Trung, phường Long Thành Trung, thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh, Email: thanhtrabvtv2016@gmail.com) hoặc Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tại địa phương nơi buôn bán giống cây trồng để đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các thông tin sau:
+ Địa chỉ giao dịch.
+Tên tổ chức, cá nhân hoặc người đại diện hợp pháp, điện thoại liên hệ.
2- Tổ chức, cá nhân buôn bán giống cây trồng phải có hồ sơ bảo đảm truy xuất nguồn gốc lô giống cây trồng, gồm:
+ Thông tin về hợp đồng.
+ Hóa đơn mua bán lô giống.
+ Hồ sơ chất lượng lô giống.
+ Đối với giống cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm phải có thêm thông tin về nguồn vật liệu nhân giống (cây đầu dòng) đã sử dụng, tiêu chuẩn công bố áp dụng, số lượng cây, thời gian giao nhận cây.
+ Đối với giống cây trồng thuộc loài cây trồng chính (lúa, ngô, cà phê, cam, bưởi, chuối) phải có Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng hoặc Quyết định công nhận giống cây trồng mới hoặc Quyết định công nhận lưu hành đặc cách giống cây trồng.
3- Về nhãn giống cây trồng thực hiện theo quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về ghi nhãn hàng hóa (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 09/12/2021) và nội dung ghi nhãn như sau:
+ Tên giống cây trồng.
+ Cấp giống theo quy định tại tiêu chuẩn quốc gia; tiêu chuẩn cơ sở.
+ Đặc tính của giống.
+ Hướng dẫn bảo quản và hướng dẫn sử dụng.
+ Thông tin cảnh báo an toàn (nếu có).
+ Định lượng của giống cây trồng (khối lượng giống hoặc số lượng cây, bầu, hom giống).
+ Ngày sản xuất, ngày hết hạn sử dụng.
+ Tên và địa chỉ của tổ chức sản xuất, nhập khẩu giống cây trồng.
+ Mã số lưu hành giống cây trồng (nếu có).
+ Xuất xứ giống cây trồng.
+ Mã hiệu lô giống.
+ Thông tin về giống cây trồng biến đổi gen (nếu có).
Trước ngày 15/9/2023, các tổ chức, cá nhân buôn bán giống cây trồng trên địa bàn tỉnh phải có đầy đủ hồ sơ theo quy định nêu trên./.
CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT
Tác giả: Bao ve thuc vat
Ý kiến bạn đọc