Thông báo Kết luận của Giám đốc Sở tại Hội nghị Tổng kết ngành Nông nghiệp và PTNT năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019 (TB35)

Thứ tư - 30/01/2019 17:00 215 0

Ngày 18/01/2018, Giám đốc Sở đã chủ trì Hội nghị Tổng kết ngành Nông nghiệp và PTNT năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019. Tham dự Hội nghị có ông Phạm Văn Tân - Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các Sở, Ban, ngành tỉnh: Tài chính; Tài nguyên và Môi trường; Hội nông dân tỉnh; Ban quản lý Vườn Quốc gia Lò Gò Xa Mát; Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Tây Ninh; Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa; Ban quản lý dự án Đầu tư Xây dựng ngành Nông nghiệp và PTNT; Ban quản lý Khu du lịch Quốc gia Núi Bà Đen; Ngân hàng Nhà nước tỉnh Tây Ninh; Hội Doanh nghiệp Tây Ninh; Hội Doanh nghiệp trẻ; Lãnh đạo UBND các huyện (Châu Thành, Tân Châu, Bến Cầu, Gò Dầu); Đại diện: Đảng ủy Sở, Công đoàn ngành Nông nghiệp và PTNT; các Doanh nghiệp (Công ty Cổ phần mía đường Thành Thành Công; Công ty TNHH Phân bón Đất Phúc; Công ty Cổ phần Công nghệ Phụng Sơn; Công ty TNHH MTV sản xuất TMDV  Huỳnh Phương; Hợp tác xã rau Long Mỹ; Mãng cầu VietGAP Huỳnh Biểu Chiêu); Thủ trưởng các phòng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở; Lãnh đạo các phòng: Kinh tế thành phố Tây Ninh, phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện; Trưởng các trạm: Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chăn nuôi và Thú y, Khuyến nông các huyện, thành phố và một số nông dân trang trại, tham gia mô hình điển hình các huyện, thành phố.

Sau khi thông qua báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch 2018 và nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo thực hiện kế hoạch năm 2019 của ngành Nông nghiệp và PTNT; ý kiến phát biểu của đại diện các đơn vị; ông Phạm Văn Tân - Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo; Giám đốc Sở đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo UBND tỉnh và kết luận Hội nghị triển khai Kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp ngành Nông nghiệp và PTNT năm 2018 gồm một số nội dung chính như sau:

1. Trên cơ sở quyết định ban hành những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo thực hiện kế hoạch năm 2018 của ngành Nông nghiệp và PTNT các phòng, cơ quan, đơn vị trực thuộc căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, xây dựng kế hoạch kế hoạch triển khai thực hiện đảm bảo hiệu quả, chất lượng, hoàn thành kế hoạch đề ra năm 2018.

2. Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Tân, cụ thể:

Về báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch năm 2018: Cơ bản thống nhất theo dự thảo báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch năm 2018 của ngành Nông nghiệp.

Về kết quả: Đánh giá cao những nỗ lực quyết liệt của ngành nông nghiệp, luôn chủ động trong công tác tham mưu UBND tỉnh; trong đó một số nhiệm vụ nổi bật mà ngành đã thực hiện tốt trong năm 2018: (1) Tập trung triển khai thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp; (2) Tổ chức thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các Sở, ban, ngành nhất là sự phối hợp chặt chẽ với nông dân và doanh nghiệp trong quá trình sản xuất nông nghiệp; (3) Trong công tác thanh, kiểm tra luôn sâu sát, giải quyết các vấn đề liên quan thuộc lĩnh vực của ngành nông nghiệp đạt hiệu quả; (4) Tăng cường các hoạt động thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp; (5) Đẩy mạnh việc hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nông dân tham gia sản xuất, tham quan học tập kinh nghiệm mô hình nông nghiệp tiên tiến trong và ngoài nước; đồng thời, góp phần thu hút đầu tư tại tỉnh. Từ những nỗ lực quyết liệt của ngành nông nghiệp như trên trong năm 2018 ngành nông nghiệp có những đổi mới đạt được những kết quả nổi bật, cụ thể:

- Tham mưu UBND tỉnh: Rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Tây Ninh; quy hoạch thủy lợi góp đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đồng thời, phối hợp Trường Đại học FullBright và các đơn vị liên quan chuẩn bị thông qua UBND tỉnh Đề án Phát triển chuỗi giá trị và cụm ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh.

- Công tác đầu tư và thu hút đầu tư cho phát triển nông nghiệp được quan tâm thực hiện đặc biệt là triển khai các dự án trong đó là công trình tưới tiêu trọng điểm đưa nước qua sông Vàm cỏ đông tưới cho 17.000ha phía tây các huyện Châu Thành, Bến Cầu.

- Kết quả thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Cơ cấu cây trồng có sự chuyển biến rõ nét theo hướng tập trung, chuyên môn hóa, chuyên sâu để tạo ra những sản phẩm chủ lực có tiềm năng đẩy mạnh tiêu thụ trong và ngoài nước; hình thành các vùng sản xuất chuyên canh gắn với thị trường và công nghiệp chế biến. Từng bước xây dựng hình thành chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ rau, quả, cây ăn trái,…..

- Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới: Năm 2018 có thêm  09 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2018 là 36 xã.

- Nghiên cứu, tiếp cận Dự án hỗ trợ kỹ thuật "Nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành nông nghiệp Việt Nam" do Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) tài trợ (đăng ký các hạng mục dự án: Đầu tư 02 Trung tâm dịch vụ kỹ thuật - thiết bị - vật tư nông nghiệp; đầu tư chợ đầu mối nông sản; hỗ trợ đầu tư cơ giới hóa sản xuất rau quả, cây ăn trái ; đầu tư trạm bơm Dầu Tiếng 2 và trạm bơm Tân Hưng).

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực nổi bật đạt được vừa nêu trên, ngành Nông nghiệp và PTNT vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Nhằm khắc phục những mặt tồn tại, hạn chế trong Báo cáo đã nêu và góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà UBND tỉnh giao năm 2019, về cơ bản thống nhất với dự thảo nhiệm vụ điều hành năm 2019 của ngành, ngành Nông nghiệp và PTNT cần quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả 04 nội dung sau:

1. Trước tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp trong năm 2018, ngành nông nghiệp phải đẩy mạnh công tác dự báo, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; chủ động phòng chống dịch bệnh và kiểm soát dịch bệnh để đảm bảo việc sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả.

2. Giá cả thị trường tiêu thụ biến động thường xuyên (nhất là cây mía, cây mì); do đó, cần tăng cường công tác thông tin kịp thời cho người nông dân về tình hình sản xuất giá cả để đảm bảo đời sống người nông dân ổn định.

3. Chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan đề xuất những biện pháp tháo gỡ những nút thắt của ngành mía đường.

4. Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng và hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm. Tập trung ứng dụng các giống năng suất, chất lượng, kháng bệnh và giá trị thương mại cao cho các nông sản (lúa, mía, mì,...) phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng của tỉnh; Đẩy mạnh ứng dụng giống vật nuôi chủ lực (heo, bò, gia cầm); ứng dụng công nghệ và kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến an toàn dịch bệnh. Đẩy mạnh đổi mới, thực hiện một số mô hình khuyến nông áp dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Tuyên truyền sâu rộng đến các doanh nghiệp, hộ nông dân ứng dụng Công nghệ thông tin trong quản lý trang trại, liên kết sản xuất, truy xuất nguồn gốc,…… để chủ động kiểm soát, phòng chống dịch bệnh hiệu quả và hướng tới hội nhập kinh tế quốc tế.

5. Trên cơ sở Quyết định số 01/QĐ-UBND ngày 02/01/2019 về việc ban hành những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, để hoàn thành nhiệm vụ được giao (10 nhiệm vụ) ngành nông nghiệp cần tập trung tăng cường tổ chức triển khai thực hiện một số vấn đề sau:

- Đảm bảo đẩy nhanh tiến độ các công trình đầu tư đặc biệt là cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhất là dự án trọng điểm tưới tiêu phía Tây sông Vàm Cỏ D(ông (về thành phần hồ sơ, trình tự thủ tục đảm bảo đúng theo quy định);

- Tiếp tục đầu tư mạnh thu hút đầu tư trong các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin; các dự án thu hút huy động các nguồn lực cho đầu tư hạ tầng, nâng cao năng lực ngành nông nghiệp đặc biệt là dự án hỗ trợ kỹ thuật "Nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành nông nghiệp Việt Nam" do Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB); kêu gọi thực hiện đầu tư dự án Trung tâm nghiên cứu và phát triển giống nông nghiệp của tỉnh Tây Ninh trong năm 2019; tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty Cổ phần Lavifood kết nối nông dân triển khai vùng nguyên liệu phục vụ nhà máy chế biến Tanifood và Tập đoàn Nafood.

- Tham mưu UBND tỉnh: Trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án Phát triển chuỗi giá trị và cụm ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh; thông qua Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2030; các chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất.

- Đẩy mạnh công tác phát triển sản xuất nông nghiệp đảm bảo phù hợp, hiệu quả gắn với phát triển du lịch.

- Tiếp tục thực hiện, duy trì và nâng cao chất lượng 36 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; số tiêu chí nông thôn mới bình quân đạt được tối thiểu 16/19 tiêu chí; đến năm 2020: Toàn tỉnh đạt trên 50% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2019; đồng thời, 02 huyện Hòa Thành và TP Tây Ninh hoàn thành nông thôn mới đến năm 2020 và nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người lao động không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chuẩn được quy định hiện nay./.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây