Giới thiệu khái quát về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

Thứ năm - 10/11/2016 16:00 196 0
​ ​

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về xã hội hoá nghề rừng, huy động nguồn lực của xã hội, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân được hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng vào việc bảo vệ và phát triển rừng, gắn với việc xoá đói giảm nghèo. Để thực hiện chính sách này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 99/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2010 về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã khẳng định hướng đi đúng đắn, mang lại những hiệu quả nhất định, từng bước đi vào cuộc sống, tạo lập nên một nguồn tài chính mới, ngoài ngân sách, mang tính ổn định, bền vững, phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng, góp phần cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người làm nghề rừng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

1. Về nguyên tắc chi trả dịch vụ môi trường rừng

- Tổ chức, cá nhân được hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng phải chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng của các khu rừng tạo ra dịch vụ đã cung ứng, thông qua hình thức chi trả trực tiếp hoặc chi trả gián tiếp. Chi trả trực tiếp là bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng trả tiền trực tiếp cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Chi trả gián tiếp là bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng trả tiền cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng ủy thác qua Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng.

- Thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng phải đảm bảo công khai, dân chủ, khách quan, công bằng; phù hợp với hệ thống luật pháp của Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.

2. Đối tượng và loại dịch vụ phải trả tiền dịch vụ môi trường rừng

Các cơ sở sản xuất thủy điện; cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch; cơ sở sản xuất công nghiệp; tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch; dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng; dịch vụ cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn và con giống tự nhiên, sử dụng nguồn nước từ rừng, có hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng phải chi trả tiền sử dụng dịch vụ môi trường rừng.

3. Đối tượng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng

- Các chủ rừng là tổ chức được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng để sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp và các chủ rừng là tổ chức tự đầu tư trồng rừng trên diện tích đất lâm nghiệp.

- Các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng; cộng đồng dân cư thôn được Nhà nước giao rừng để sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp; các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn tự đầu tư trồng rừng trên diện tích đất lâm nghiệp.

- Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn có hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng ổn định lâu dài với các chủ rừng là tổ chức nhà nước.

4. Mức chi trả và xác định số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng

-  Đối với các cơ sở sản xuất thủy điện: Mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng là 20 đồng/1kwh điện thương phẩm.

- Đối với các cơ sở sản xuất và cung cấp nước sạch: Mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng là 40 đ/m3 nước thương phẩm.

- Đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch: Mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng tính bằng 1% đến 2% trên doanh thu thực hiện trong kỳ.

5. Ủy thác chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng

Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng được thành lập theo Nghị định số 05/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ là tổ chức tiếp nhận ủy thác tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với hình thức chi trả gián tiếp.

6. Sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng tại Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp tỉnh

- Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp tỉnh được sử dụng tối đa 10% để chi cho các hoạt động thường xuyên của bộ máy và hoạt động chuyên môn.

- Trích một phần kinh phí không quá 5% tổng số tiền ủy thác và với các nguồn kinh phí hợp pháp khác để dự phòng, hỗ trợ cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn được giao, khoán bảo vệ rừng ổn định lâu dài trong trường hợp có thiên tai, khô hạn.

- Số tiền còn lại để chi trả cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng, bao gồm chủ rừng và các hộ nhận khoán bảo vệ rừng.

            Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã có tác động rất lớn đến công tác quản lý bảo vệ rừng trên phạm vi cả nước nói chung và từng lưu vực, từng địa  bàn có cung ứng dịch vụ môi trường rừng nói riêng; nhờ triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, thu nhập thực tế bình quân của các hộ nhận khoán bảo vệ rừng được tăng lên rõ rệt, góp phần tạo công ăn việc làm, xoá đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế của người dân, giúp người dân yên tâm gắn bó với rừng, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các địa phương.

Đến nay, trên cả nước có 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp tỉnh để thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Ở Tây Ninh, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh được thành lập theo Quyết định số 2887/QĐ-UBND ngày 18/12/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh; Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã thực hiện việc chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Quyết định số 2835/QĐ-UBND ngày 12/12/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh về phê duyệt Đề án chi trả dịch vụ môi trường rừng tỉnh Tây Ninh; theo đó, từ năm 2016, Quỹ tỉnh đã thực hiện việc ký hợp đồng uỷ thác với các đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng và thực hiện việc chi trả cho các đơn vị cung ứng dịch vụ môi trường rừng trong tỉnh gần 4 tỷ đồng, góp phần nâng cao đời sống, tăng thu nhập cho người làm nghề rừng trong tỉnh./.


 Phạm Chí Trung – Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây