Hồi sinh

Thứ ba - 20/12/2016 01:00 215 0

"Xót ruột rừng Chàng Riệc" trong thời gian qua nếu ai quan tâm báo, đài sẽ biết nó là tiêu đề của một bài viết được đăng trên báo Tây Ninh số 30282, ngày mùng sáu tháng năm năm 2016. Bài viết nói về vụ cháy rừng xảy ra vào ngày hai mươi sáu tháng tư năm 2016, trên khu vực quản lý của Ban quản lý Khu rừng Văn hóa Lịch sử Chàng Riệc, với tổng diện tích hơn năm chục ha.

Tác giả chỉ là một nhà báo mà cũng cảm thấy xót xa trước hậu quả của vụ cháy rừng gây ra, nhìn cảnh rụi tàn của khu rừng mà không khỏi quặng thắt ruột gan, thử hỏi những người trực tiếp canh giữ rừng ngày đêm như chúng tôi sẽ có cảm giác như thế nào? Chỉ có thể gói gọn trong hai từ "rất đau"!

Cảnh tượng ấy thật hải hùng đó là vào một ngày thứ hai đầu tuần, ngày nắng nóng gay gắt của mùa nắng với cái nắng như muốn thiêu cháy da người của cái đất Tây Ninh đặc biệt là khu vực vùng Biên, giống như lời một bài hát của một tác giả nào đó tôi không nhớ tên, có một câu hát " Tây Ninh nắng cháy da người…" . Vẫn như thường lệ, mọi người tuần tra bảo vệ rừng và trực chống cháy vào mùa khô. Điện thoại reo lên, dường như có chuyện chẳng lành ai nấy đều nơm nớp lo sợ, thật quả như dự đoán đó là điện thoại báo cáo của anh em trên chốt báo về "cháy rừng" với giọng nói hổn hển. Ngay lập tức, lực lượng bảo vệ rừng được điều động với các trang thiết bị đã được chủ động từ trước: bình xịt, các can nhựa đã được bơm đầy nước, rựa, máy cày chở bồn chứa nước có vòi rồng… được điều lên khu vực xảy ra cháy.

Lên đến nơi ai nấy đều hốt hoảng lao vào chữa cháy để khống chế đám lửa, do gió to cộng thêm sự khô hanh nên lửa càng ngày càng lớn, lực lượng tại chỗ lại quá ít không thể khống chế được đám lửa đang hung hăng như muốn nuốt trọn tất cả vào cái họng đỏ ngòm kinh tởm của nó, chú giám đốc đã điện thoại liên lạc với các lực lượng xung quanh khu vực nhờ hỗ trợ, đồng thời cũng điện thoại báo cáo về Ban chỉ đạo Huyện, Tỉnh.

Một lúc sau nghe tiếng còi hụ của xe cứu hỏa từ đằng xa, lực lượng cứu hỏa nhanh chóng triển khai bao vây ngọn lửa hung tợn khói đen bốc lên ngùn ngụt, tiếng nổ của tre, nứa nghe bôm bốp, đi từ đằng xa cũng có thể nghe thấy tiếng nổ của nó làm rúng động cả khu vực. Dường như có một bàn tay nào đó cố tình sắp đặt, vụ cháy xảy ra không chỉ ở một điểm mà đến những bốn điểm.

Ban chỉ đạo lên đến nơi, lập tức chỉ huy và phân bố lực lượng chia nhau ra thi hành nhiệm vụ, nào là các chú trên Tỉnh, trên Huyện và cơ sở trực tiếp chỉ huy không hề rời khỏi vị trí. Các chú bộ đội biên phòng, lực lượng dân quân cùng với lực lượng bảo vệ rừng của đơn vị tất cả hơn trăm người trực tiếp tham gia chữa cháy, ai nấy đều lăng xả hết mình, người vác nước, người mang bình xịt, người dùng rựa phát dọn cắt lửa, người ôm vòi rồng xịt vào đám cháy, mồ hôi ướt đẫm, mặt mũi bị khói bám vào đen xì…thương nhất là các anh chữa cháy trong đám cháy sâu ở cầu 15, đám cháy cách đường nhựa hơn hai cây số phải đi bộ đường rừng để vận chuyển nước, chỉ có ai từng trải nghiệm khám phá đi bộ đường rừng thì mới hiểu hết được nổi vất vả, thống khổ của các anh, đường đi bộ một mình đã là khó khăn đối với tôi rồi, mà các anh lại vác trên vai mỗi người một can nước đầy 30 lít, không phải đi một lượt mà cứ chạy ra chạy vào, hết lượt này đến lượt khác. Nhìn cảnh ấy thật thương các anh vô cùng, tôi chỉ có thể làm tốt công tác hậu cần để có thể làm vơi bớt phần nào sự vất vả của các anh.

Đến hơn 23 giờ thì đám cháy cuối cùng đã được dập tắt, ai nấy đều mệt lã người, nhưng niềm vui mừng vẫn thể hiện trên khuôn mặt với những nụ cười và tiếng reo hò như những người lính vừa thắng trận trở về. Sau một ngày dài chiến đấu với hung thần lửa đỏ, mọi người thu dọn dụng cụ, tay bắt mặt mừng vì đã hoàn thành nhiệm vụ, chia tay nhau ra về.

Hôm sau, trời vẫn còn nắng nóng gay gắt có lẽ do hiện tượng Elnino gây ra, đáng lẽ ra vào tháng tư này đã là đầu mùa mưa rồi. Lực lượng bảo vệ rừng vẫn làm nhiệm vụ tuần tra và kiểm tra các đám cháy đề phòng lửa bén lại. Nhìn cảnh tượng rụi tàn sau khi ông hỏa bà hỏa đi ngang qua thật không khỏi khiến cho người ta đau lòng, xót dạ còn đâu màu xanh mướt của những tàn cây, của những rặng le già và cả những đám cây bụi cỏ chỉ còn lại những tàn tro, những chìa cây khô cháy chưa hết còn xót lại, tàn lá bị bao phủ một màu vàng héo úa tạo thành một bầu không gian thật ảm đạm. Tôi lại có cảm giác như mình vừa bị mất đi một cái gì đó thật quý giá, thật đắt đỏ mà mình không thể tìm lại được. Đi giữa những những đám rừng bị cháy tất cả như lắng đọng xuống không còn tiếng nói râm ran như mọi ngày, chắt có lẽ ai cũng xót xa mà không thể dùng từ ngữ nào để miêu tả nên tất cả đều im lặng, ai nấy đều thầm mong ông trời sẽ rớt những giọt mưa đầu mùa, những giọt mưa có thể làm xoa dịu nỗi đau của rừng già, của những người ngày đêm canh giữ rừng!

"Ông trời không phụ lòng người" là câu nói của dân gian, khi họ không biết trông cậy vào đâu chỉ còn cách khấn vái ông trời và được đáp lại bởi những tấm lòng chân thật mà nhân ái. Mưa đã về với đất Tây Ninh với vùng Biên giới, mưa trên diện rộng, những giọt mưa nặng trĩu như trút xuống hết tất cả nước mà ông trời lấy từ biển cả mang về cho đất liền. Cây cối vui mừng, như reo ca trong mưa gió chúng vui mừng như những người con của núi rừng, hòa mình giữa con người và thiên nhiên cùng nhau nhảy múa, hò hét giữa trời mưa tầm tả… Sau những ngày nắng nóng, khô hạn cuối cùng cũng được tắm mát, không khí dịu hẳn đi, trời mưa trắng xóa cả một vùng, đối với tôi mưa đầu mùa chưa bao giờ đẹp như thế và vui sướng đến như thế!

Hết đợt mưa này đến đợt mưa khác, giờ đây khi đến thăm lại Khu rừng Văn hóa Lịch sử Chàng Riệc các bạn sẽ không thể tưởng tượng ra nơi đây từng có vụ cháy rừng kinh hoàng xảy ra, những búp non xanh mướt, những chồi măng của tre, le đâm lên thẳng đứng như những cây chông mà ông cha ta ngày xưa dùng để giết giặc. Đi giữa lòng rừng già, dường như đã không còn già nữa mà thay vào đó là sự trẻ hóa, những chồi non mơn mởn như những cô gái mới lớn đang trong độ tuổi xuân thì, đang vươn mình chào đón ánh nắng của buổi sớm mai, hòa vào tiếng chim ca ríu rít, từng đàn bướm lượn lờ tạo nên cảnh rừng buổi sớm thật vui tươi, làm cho lòng người thật khoan khoái và dễ chịu biết dường nào… 

Sự sống đã trở lại, hay nói đúng hơn là rừng đã "hồi sinh" sức sống càng mãnh liệt hơn trước, cũng giống như con người Việt Nam sau bao nhiêu mưa bom lửa đạn vẫn hiên ngang anh dũng không hề khuất phục trước bất kỳ một kẻ thù hung bạo nào trên thế giới. Mẹ thiên nhiên luôn dang đôi tay bao la ấm áp của mình, luôn chào đón những đứa con của rừng, của dân tộc, bảo vệ cho chúng ta ban cho chúng ta bầu không khí trong lành để thở, để sống và biết yêu thương.

Nếu ai đó có ý định làm tổn hại đến rừng xin hãy dừng ngay lập tức, vì làm điều đó thì thật là ngu ngốc chẳng khác nào tự mình hại mình và làm hại đến tất cả mọi người. Thử hình dung xem, nếu một ngày nào đó không còn rừng nữa thì chúng ta sẽ còn tồn tại không? Và câu trả lời là không, bởi vì không còn rừng nữa thì ai sẽ cung cấp bầu dưỡng khí để chúng ta thở? Mà không còn thở thì làm sao mà sống mà tồn tại được, tôi còn chưa kể đến những yếu tố có lợi khác mà rừng mang lại cho chúng ta như nguồn thức ăn (rau, nấm, măng…), nguồn thuốc quý giá, nguồn gen cho các công trình nghiên cứu khoa học, nơi sinh sống và bảo tồn của bao nhiêu động vật hoang dã... Nếu muốn sống và tồn tại thì tại sao chúng ta không cùng chung tay nhau mà bảo vệ rừng vì "Bảo vệ rừng là bảo vệ nguồn sống của chúng ta". Và chúng tôi là những người con của rừng, quyết tâm bảo vệ rừng và sẽ không dung thứ cho bất kỳ hành động nào gây tổn hại đến rừng./.


Thúy An - BQL Chàng Riệc

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây