Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

Thứ ba - 20/12/2016 01:00 128 0

Theo Quyết định số 1837/QĐ-UBND ngày 24/9/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh về việc phê duyệt Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2011-2020, diện tích tự nhiên của Khu rừng Văn hóa Lịch sử Chàng Riệc được quy hoạch lại là 12.033ha, bao gồm 10.711ha rừng đặc dụng và 1.322ha rừng sản xuất. Khu rừng nằm trên địa bàn 3 xã Tân Lập, Thạnh Bắc và Thạnh Bình, ở phía Bắc huyện Tân Biên, giáp biên giới Việt Nam – Campuchia.

Rừng tự nhiên gồm có rừng trung bình (trạng thái III A2), rừng nghèo (trạng thái III A1), rừng phục hồi (trạng thái IIA, IIB). Trong đó rừng phục hồi có diện tích lớn nhất. Việc bảo vệ rừng tự nhiên hiện còn, khoanh nuôi tái sinh rừng trên các trạng thái đất rừng có cây gỗ rãi rác, đã tạo được sự ổn định cho rừng phát triển, nâng cao chất lượng rừng, nâng độ che phủ và tác dụng bảo vệ môi trường sinh thái của rừng; Bảo vệ được khu rừng nhiều tầng với nhiều loại cây gỗ bản địa phân bố tự nhiên, nơi sinh sống của nhiều loài động vật, chim thú sinh sống; Bảo vệ được các di tích lịch sử, khu du lịch và học tập, giải trí.

Rừng trồng gồm các loài cây trồng như : Sao đen, Dầu con rái, Tếch, Xà cừ, Keo lá tràm, Keo tai tượng, Keo lai. Các mô hình trồng rừng được áp dụng thay đổi theo điều kiện địa hình, đất đai. Công tác trồng rừng đã từng bước tăng độ che phủ của rừng, tăng thêm diện tích đất có rừng, đồng thời tạo ra nguồn lâm sản qua việc tỉa thưa cây phụ trợ, cải thiện đời sống kinh tế cho các hộ nhận khoán, tạo công ăn việc làm cho người dân trong vùng. Về lâu dài tạo ra những diện tích rừng với những loài cây lâu năm, cây gỗ lớn có giá trị kinh tế cao như  Sao, Dầu, . . . góp phần cải thiện môi trường sinh thái.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, trở ngại nhưng Ban quản lý khu rừng Văn hóa Lịch sử Chàng Riệc đã thực hiện tốt nhiệm vụ, ổn định ranh giới khu rừng, quản lý bảo vệ và phát triển vốn rừng trên diện tích đất rừng được giao, giải quyết việc làm góp phần ổn định dân sinh kinh tế trong khu vực.

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, Ban quản lý đã chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các xã có rừng, đồn Biên phòng về công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã. Ban quản lý đã tăng cường công tác quản lý lâm phần rừng, nắm bắt kịp thời thông tin về các hoạt động của các đơn vị, hộ nhận khoán bảo vệ rừng, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng trên lâm phần để chỉ đạo kịp thời lực lượng bảo vệ rừng, kỹ thuật địa bàn phối hợp với Kiểm lâm địa bàn, đồn Biên phòng 823 Chàng Riệc, 02 chốt Dân quân xã Tân Lập triển khai các hoạt động bảo vệ rừng. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở nhân viên kỹ thuật, các hộ nhận khoán bảo vệ rừng về trách nhiệm bảo vệ và phát triển rừng, chăm sóc rừng trồng, phòng cháy chữa cháy rừng, bảo vệ động vật hoang dã trên địa bàn mình quản lý.

Đối với rừng tự nhiên (rừng bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh): Diện tích rừng tự nhiên được giao khoán cho lực lượng bảo vệ rừng gồm 21 hợp đồng khoán. Để bảo vệ rừng tự nhiên có hiệu quả Ban quản lý đã chỉ đạo lực lượng bảo vệ rừng thuộc các trạm Bảo vệ và phát triển rừng ở khu vực biên giới kết hợp với Kiểm lâm địa bàn, đồn Biên phòng 823 Chàng Riệc, 02 chốt Dân quân xã Tân Lập tuần tra, đẩy đuổi dân vào rừng chặt dây thuốc nam, săn bắt động vật hoang dã. Ở khu vực nội địa lực lượng bảo vệ rừng kết hợp với Kiểm lâm địa bàn, dân quân xã Thạnh Bắc, Thạnh Bình thường xuyên tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng. Nhờ đó đã ngăn chặn có hiệu quả tình trạng trộm lậu lâm sản trên địa bàn.

 

Phối hợp tuần tra bảo vệ rừng

Đối với rừng trồng: Tất cả diện tích rừng trồng đều được giao khoán cho các hộ gia đình bằng hợp đồng nhận khoán, trong hợp đồng có ghi rõ diện tích, mô hình, quyền và nghĩa vụ các bên. Người nhận khoán phải thực hiện đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật như: thực hiện đầy đủ các công đoạn chăm sóc rừng, bảo vệ và phòng chống cháy rừng, không để rừng trồng bị phá, bị cháy theo đúng dự toán thiết kế kỹ thuật được duyệt và các điều khoản cam kết.

Vào từng thời điểm trong năm, các kỹ thuật địa bàn của Ban quản lý sẽ nhắc nhở, đôn đốc đồng thời hướng dẫn hộ hợp đồng khoán thực hiện các công tác lâm sinh như trồng, chăm sóc rừng lần 1, lần 2, xử lý thực bì chống cháy rừng trồng đúng theo quy trình kỹ thuật.


Rừng trồng

Đối với công tác phòng cháy chữa cháy rừng: Từ những tháng đầu mùa khô 2015-2016, Ban quản lý đã xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng của đơn vị. Tiến hành xử lý đốt chủ động ở các trảng cỏ, các đường ranh, bờ lô để chống cháy, tạo vùng đệm là băng trắng rộng từ 10m-15m nhằm ngăn chặn cháy lan vào rừng. Trực tiếp xử lý chống cháy một số diện tích mà chủ hợp đồng thiếu quan tâm. Tổ chức lực lượng phòng cháy chữa cháy rừng trực 24/24, tăng cường tuần tra ở các khu vực trọng điểm.

Xử lý thực bì chống cháy rừng trồng

Về xây dựng cơ sở hạ tầng: Song song với các biện pháp kỹ thuật lâm sinh, đối với việc bảo vệ rừng tự nhiên, cũng như việc phát triển, phục hồi rừng đều cần sự hỗ trợ của các công trình cơ sở hạ tầng. Do đó, Ban quản lý luôn chú trọng nâng cấp, sửa chữa các công trình cơ sở hạ tầng như đường nội bộ (đường tuần tra bảo vệ rừng), mương ranh nông lâm, nhà trạm bảo vệ rừng, chòi canh lửa, …. Với cơ sở hạ tầng hoàn thiện, việc đi lại trồng - chăm sóc - bảo vệ rừng - phòng cháy chữa cháy rừng của các hộ nhận khoán cũng như của các lực lượng khác trên địa bàn được dễ dàng, giúp việc bảo vệ và phát triển rừng có hiệu quả.


Đường tuần tra bảo vệ rừng

Việc khoanh nuôi - bảo vệ rừng tự nhiên và trồng rừng mới trong thời gian qua đã có hiệu quả rõ rệt, từng bước rừng được phục hồi và phát triển, tái tạo được rừng bằng biện pháp khoanh nuôi tái sinh. Trồng rừng mới bằng các loại cây bản địa có giá trị như  Sao, Dầu, Tếch, những cây phát triển nhanh như Xà cừ, các loại Keo….đã góp phần phòng hộ, bảo vệ môi trường khu vực. Do đó, cần xác định phân vùng cây trồng hợp lý cho mục đích đặc dụng (bảo tồn gien, đa dạng sinh học, . . .). Xây dựng các mô hình trồng rừng với cây phụ trợ là cây có giá trị kinh tế cao, nhằm giúp cho hộ nhận khoán trồng rừng nâng cao thu nhập để có thể sống lâu dài bằng nghề rừng, góp phần ngăn chặn các hành vi xâm hại, kìm hãm sự phát triển của cây trồng rừng chính. Đặc biệt là sử dụng đất hợp lý để sản xuất nông lâm kết hợp, thực hiện phương châm lấy ngắn nuôi dài, tạo điều kiện cho các hộ gia đình tham gia trồng rừng có thu nhập ổn định, cây trồng được chăm sóc phát triển tốt bảo đảm thành rừng.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, trong thời gian tới đơn vị có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, tiêu chuẩn hoá cán bộ; Củng cố các phòng, đơn vị trực thuộc để các bộ phận này hoạt động đạt hiệu quả cao, góp phần thực hiện hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ được giao.

Đồng thời, Ban quản lý sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, quản lý lâm sản và động vật hoang dã đến cộng đồng dân cư tại địa phương, nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân, của các cơ quan, ban ngành về ý nghĩa, tầm quan trọng trong công tác bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã; Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, đồn Biên phòng, Hạt kiểm lâm chủ động trong công tác tuần tra, kiểm tra rừng, nắm chắc tình hình diễn biến rừng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, truy quét các đối tượng phá rừng, khai thác rừng, lấn chiếm đất rừng, mua bán, vận chuyển lâm sản, động vật hoang dã trái phép; Tham mưu, đề xuất ngành chức năng xử lý triệt để các trường hợp vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; Phối hợp với UBND huyện Tân Biên, UBND các xã Thạnh Bình, Tân Lập, Thạnh Bắc vận động người dân di dời ra khỏi đất lâm nghiệp, chuyển sang trồng rừng theo đúng quy hoạch./. 


                                                                                            Hồng Vân - BQL Chàng Riệc

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây