Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới (CIAT) tổ chức hội nghị nghiên cứu và tổng kết dự án tại Tây Ninh

Thứ sáu - 06/10/2023 20:01 269 0
Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới Quốc tế (CIAT) tổ chức Hội nghị “Nghiên cứu và Tổng kết Dự án Thiết lập các Giải pháp bền vững xử lý sâu, bệnh hại sắn Khu vực Đông Nam Á” tại Tây Ninh. Trong đó có sự tham dự của nhiều chuyên gia, đại biểu đến từ 18 quốc gia (Mỹ, Canada, Úc, Columbia, Việt Nam…). Hội nghị quốc tế về cây sắn được tổ chức tại Tây Ninh diễn ra trong 4 ngày từ 03-06/10/2023, nhiều nội dung chuyên sâu đã được đưa ra thảo luận như: các loại bệnh trên cây sắn; đánh giá các chủng loại vi sinh vật gây bệnh; vấn đề nhân giống và phân phối các giống mới; các phương pháp canh tác bền vững. Qua đó tìm ra tiếng nói chung, cùng nhau thiết lập các giải pháp hiệu quả, bền vững nhằm nâng cao chất lượng giống và năng suất trữ bột.

Cây sắn được xem là một trong những loại cây lương thực quan trọng trên thế giới. Do đó việc phát triển nền nông nghiệp sắn bền vững luôn được nhiều nước quan tâm. Tuy nhiên, những năm gần đây cây sắn xuất hiện nhiều bệnh hại (bệnh khảm lá, bệnh chổi rồng,…), tốc độ lây lan nhanh làm ảnh hưởng đến năng suất trồng của nhiều nơi ở Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung song vẫn chưa tìm ra giải pháp xử lý triệt để. Đối diện với khó khăn chung thì việc cùng nhau thảo luận để tìm ra hướng xử lý hiệu quả, lâu dài là điều hết sức cần thiết; đó là lý do diễn ra Hội nghị.

Ông Trần Văn Chiến – Phó Chủ tịch UBND Tây Ninh phát biểu khai mạc tại hội nghị

Dự hội nghị có Ông Lê Văn Thiệt – Phó Cục trưởng Bảo vệ thực vật; ông Trịnh Xuân Hoạt- Phó Viện trưởng Viện Di truyền thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT); Ông Doãn Văn Chiến - Phó Trưởng văn phòng thường trực Nam Bộ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia. Ngoài ra còn có sự tham gia của lãnh đạo Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới (CIAT), đại diện Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp quốc tế Úc (ACIAR) và hơn 100 nhà nghiên cứu, doanh nghiệp là thành viên Hiệp hội của 18 quốc gia. Về phía tỉnh Tây Ninh, có Ông Trần Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và Ông Nguyễn Đình Xuân – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông; Chi cục Bảo vệ Thực Vật và nông dân trồng sắn trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu tại hội nghị, Ông Trần Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Dự án thiết lập các Giải pháp bền vững xử lý sâu bệnh hại sắn Khu vực Đông Nam Á đã giúp tỉnh Tây Ninh tìm ra loại giống kháng bệnh phù hợp với điều kiện tự nhiên của khu vực. Trong thời gian tới, Trung tâm ACIAR và CIAT sẽ tiếp tục hỗ trợ nghiên cứu tìm ra những giống kháng có năng suất trữ bột cao cho tỉnh Tây Ninh nói riêng và các nước Campuchia, Thái Lan nhằm phát triển lĩnh vực nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh.

          Ngoài ra, Ông Jonathan Craig Newby– Giám đốc Chương trình sắn Toàn cầu _Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới Quốc tế (CIAT) đã gởi lời cảm ơn đến Ủy ban nhân dân Tây Ninh, Sở Nông Nghiệp và PTNT Tây Ninh. Đồng thời cam kết hỗ trợ Chương trình sắn giai đoạn 2024-2028 nhằm cải thiện sinh kế cho các hộ trồng sắn quy mô nhỏ và cộng đồng của họ, Chương trình Sắn sẽ phát triển cùng các giải pháp đổi mới cho các vùng, hệ thống canh tác cụ thể và thị trường thúc đẩy năng suất nông nghiệp, tăng cường tiêu dùng lợi ích và thúc đẩy tính bền vững trong suốt chuỗi giá trị.

Ông Jonathan Craig Newby – Giám đốc Chương trình sắn Toàn cầu – Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới Quốc tế (CIAT) phát biểu tại hội nghị

           Theo Trung tâm nhiệt đới quốc tế CIAT, trong hai năm gần đây, công tác nghiên cứu, chọn các bộ giống sắn mới, thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng Việt Nam cho năng suất và hàm lượng tinh bột cao. Có tổng cộng 23 dòng vô tính có năng suất tinh bột cao đã được chọn cho các thử nghiệm, được đánh giá năng suất sơ bộ vào cuối năm 2022. CIAT đã phát triển 7 dòng vô tính tốt nhất để đánh giá năng suất và độ ổn định tinh bột niên vụ 2023-2024. 

Đánh giá sơ bộ về bộ củ ngày 03.10.2023

           Ông Nguyễn Đình Xuân – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Tây Ninh cho biết, diện tích trồng sắn hàng năm của tỉnh khoảng 60.000 ha, tập trung tại các huyện Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành và Dương Minh Châu. Năng suất trung bình từ 33 - 35 tấn/ha. Tuy nhiên, bệnh khảm lá đã làm ảnh hưởng đáng kể đến năng suất tinh bột sắn. Chính vì vậy việc triển khai dự án thiết lập các giải pháp bền vững xử lý sâu, bệnh hại sắn khu vực Đông Nam Á giúp tìm ra các giải pháp nhân giống, kiểm soát sâu bệnh hại và tìm nguồn gen mới tạo giống có tính kháng bệnh cao tăng năng suất cao hơn so với cây trồng trước đây.

Ông Nguyễn Đình Xuân – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thảo luận tại hội nghị

           Đối với Tây Ninh, sắn là một trong những cây trồng chủ lực và có nhiều lợi thế canh tác. Vì thế, Hội nghị được ông Nguyễn Đình Xuân quan tâm sâu sắc với mong muốn nhanh chóng có những giải pháp xử lý khó khăn đối với hơn 80% diện tích trồng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Do đó, bên cạnh những trao đổi trong Hội nghị, Ông Nguyễn Đình Xuân cũng đã cùng với một số chuyên gia có những buổi thảo luận bên lề nhằm tối ưu thời gian, góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác.

Thảo luận bên lề Hội nghị

             Thông qua hội nghị, UBND tỉnh ký kết biên bản ghi nhớ với Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới Quốc tế (CIAT) giai đoạn 2024-2028. Hai bên thống nhất thành lập một ban điều hành bao gồm các thành viên của CIAT, UBND tỉnh Tây Ninh nhằm hỗ trợ và điều phối trong các hoạt động nghiên cứu giống sắn có khả năng kháng khảm lá; bệnh chổi rồng tại Tây Ninh trong giai đoạn 2024-2028.

Đại diện các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp của 18 quốc gia tham dự

 

Tác giả: Khuyen nong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây