Tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm

Thứ ba - 05/02/2013 21:40 158 0

 Theo Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; hiện nay, trên đia bàn tỉnh đang có 02 ổ dịch cúm gia cầm; ổ dịch thứ nhất xảy ra tại 01 hộ chăn nuôi ở ấp Bàu Tép, xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu, ngày phát bệnh đầu tiên: 22/01/2013; Chi cục Thú y đã thực hiện xong việc xử lý ổ dịch, tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện Bến Cầu ổn định, không phát sinh mới gia cầm ốm, chết; ổ dịch thứ hai xảy ra tại 01 hộ chăn nuôi ở ấp Đồng Cỏ Đỏ, xã Bình Minh, thị xã Tây Ninh, ngày phát bệnh đầu tiên: 27/01/2013. Chi cục Thú y đã thực hiện xong việc xử lý ổ dịch và đang thực hiện các biện pháp phòng, chống.

Hiện nay, dịch cúm gia cầm đang xuất hiện tại một số tỉnh của vương quốc Cam Pu Chia, kết hợp với điều kiện thời tiết bất lợi, các hoạt động vận chuyển, giết mổ gia cầm và di chuyển của người dân trong dịp Tết Nguyên Đán tăng cao làm gia tăng nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm nếu không kịp thời có các biện pháp khống chế.

 Trước nguy cơ trên, để chủ động dập tắt các ổ dịch hiện nay, hạn chế tới mức thấp nhất các ổ dịch phát sinh và ngăn ngừa dịch lây lan rộng, bảo vệ sức khỏe nhân dân và ổn định sản xuất. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã; thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan thực hiện một số nội dung cấp bách sau:

1. Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các cấp (tỉnh, huyện, xã)

 - Tăng cường hoạt động Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các cấp, đặc biệt là tại thị xã Tây Ninh và huyện Bến Cầu; thực hiện chế độ họp giao ban định kỳ; giao trách nhiệm cụ thể cho các thành viên trong việc triển khai các biện pháp đồng bộ phòng chống dịch cúm gia cầm.

- Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các huyện, thị xã kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch cúm gia cầm tại các địa bàn có nguy cơ cao;

- Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh xây dựng Kế hoạch Triển khai đợt vệ sinh tiêu độc sát trùng phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh, thời gian thực hiện trước ngày 08/02/2013, từ nguồn kinh phí phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm đã phân bổ cho Chi cục Thú y năm 2013.

2. Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi cục Thú y

- Xây dựng kế hoạch phòng chống dịch cúm gia cầm của tỉnh năm 2013;

- Mua sắm vắc xin, chuẩn bị bảo hộ lao động, thuốc sát trùng để kịp thời sử dụng;

- Tăng cường công tác kiểm dịch vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm và các sản phẩm gia cầm, kiên quyết xử lý tiêu huỷ đàn gia cầm không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật hợp lệ. Kiểm tra chặt chẽ về vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh đối với việc nuôi mới, lưu thông, buôn bán, giết mổ, chế biến gia cầm và sản phẩm gia cầm;

- Chỉ đạo Chi cục Thú y, trạm Thú y các huyện, thị xã bố trí cán bộ trực chống dịch kể cả ngày nghỉ, ngày tết; chuẩn bị lực lượng để sẵn sàng xử lý các ổ dịch phát sinh, tránh lây lan;

- Khuyến cáo hộ chăn nuôi tự tiêm phòng bảo vệ cho đàn gia cầm của mình theo hướng dẫn cũa cơ quan thú y;

- Từ nay đến hết ngày 17/02/2013 (mùng 8 tết): Tập trung tiêm phòng bao vây tại 02 xã có nguy cơ cao và vùng giáp ranh là xã Bình Minh (thuộc thị xã Tây Ninh) và xã Tiên Thuận (thuộc huyện Bến Cầu);

- Sau ngày 17/02/2013: Triển khai tiêm phòng cho đàn gia cầm nuôi nhỏ lẽ tại các địa bàn có nguy cơ là: 5 huyện biên giới và thị xã Tây Ninh.

3. UBND các huyện, thị xã

- UBND các huyện, thị xã có Kế hoạch phòng chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn quản lý;

- Chỉ đạo chính quyền cơ sở tổ chức lực lượng thường trực, bố trí sẵn sàng nhân lực, vật tư, kinh phí để chủ động ứng phó khi có dịch, không để dịch lây lan ra diện rộng. Riêng các địa bàn nếu có ổ dịch cúm gia cầm xảy ra, phải tổ chức quản lý chặt ổ dịch, không để người dân bán chạy gia cầm làm lây lan dịch, đồng thời không cho phép di chuyển đàn vịt chạy đồng ra khỏi địa bàn.

- Thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, chú trọng việc giám sát dịch bệnh đến tận hộ gia đình, tổ dân cư và xóm ấp nhằm phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời các trường hợp nghi dịch bệnh. Giao trách nhiệm giám sát tình hình dịch bệnh đến tận hộ, cơ sở chăn nuôi cho cấp chính quyền cơ sở để phát hiện và báo cáo kịp thời dịch bệnh, tuyệt đối không giấu dịch, không bán chạy gia cầm bị bệnh.

- Triển khai thực hiện đợt vệ sinh tiêu độc sát trùng phòng chống bệnh cúm gia cầm trên địa bàn quản lý, thời gian thực hiện trước ngày 08/02/2013; thời gian cụ thể do huyện sắp xếp và thực hiện đồng bộ trên địa bàn huyện trong 02 ngày.

- Nhằm kịp thời xử lý, khống chế  ổ dịch, hạn chế lây lan phát tán dịch bệnh;  ngay từ khi phát sinh dịch đầu tiên cần phải tiêu hủy gia cầm (chưa đủ điều kiện công bố dịch), ngân sách tỉnh chi hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi có gia cầm tiêu huỷ do mắc dịch bệnh hoặc trong vùng có dịch phải tiêu huỷ bắt buộc theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như đối với trường hợp có quyết định công bố dịch.

- Để kịp thời phòng chống dịch, trước mắt UBND các huyện, thị xã chủ động tạm ứng ngân sách địa phương chi thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

4. Các Sở, ngành có liên quan (Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cục Hải Quan, Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Giao thông-Vận tải)

Thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo phạm vi quản lý; hỗ trợ Chi cục Thú y trong công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm và các sản phẩm gia cầm.

          5. Sở Tài chính

 Có kế hoạch chuẩn bị kinh phí cho công tác chống dịch khi có dịch xảy ra.

6. Đài Phát thanh Truyền hình, Báo Tây Ninh

 Phối hợp Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và PTNT tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng:

- Tuyên truyền để người dân không ăn gia cầm mắc bệnh, không ăn tiết canh gia cầm và các sản phẩm gia cầm chưa nấu chín, khi tiếp xúc với gia cầm phải có bảo hộ cá nhân, rửa tay bằng nước sạch và xà phòng sau khi tiếp xúc, chế biến gia cầm.

- Tuyên truyền, vận động người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm cảnh giác với dịch cúm gia cầm, tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, chủ động khai báo khi phát hiện gia cầm có biểu hiện nghi mắc bệnh cúm. Thường xuyên tổ chức vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia cầm tập trung, khu vực buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm, vùng có nguy cơ cao.

7. Đề nghị UBMTTQ Việt Nam tỉnh tuyên truyền, vận động các thành viên của Mặt trận (Tỉnh Đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nử tỉnh, Hội Nông dân tỉnh)

Hưởng ứng và tham gia các biện pháp an toàn sinh học cho người chăn nuôi, người tiêu dùng; tham gia công tác tuyên truyền, giám sát và báo cáo dịch bệnh.

Đề nghị Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã nghiêm túc thực hiện theo tinh thần chỉ đạo trên./.

 

 

                                                                   CHỦ TỊCH 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây