I. Tình hình chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh
1. Tình hình chăn nuôi
Tỉnh Tây Ninh có diện tích tự nhiên 4.028,12 km2, dân số khoảng 1,110 triệu người. Toàn Tỉnh có 8 huyện và 1 Thị Xã với 95 xã, phường và thị trấn (Trong đó có 20 xã giáp biên giới thuộc 5 huyện). Là một tỉnh vùng biên giới thuộc miền Đông Nam Bộ, phía Nam giáp với TP.HCM và tỉnh Long An với đường biên 36 km, phía Đông giáp tỉnh Bình Dương và Bình Phước với đường biên 123 km, phía Bắc và phía Tây giáp nước bạn Campuchia với đường biên giới giáp ranh dài 240 km. Có 2 cửa khẩu Quốc gia, Quốc tế là Mộc Bài, Samat và 3 cửa khẩu địa phương.
Hình thức chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh vẫn còn chăn nuôi nhỏ lẽ, nên có khó khăn cho công tác quản lý và phòng chống dịch bệnh.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm các huyện, thị xã; tổng đàn gia cầm thời điểm hiện nay là:
- Gà: 2.431.189 con (chăn nuôi nhỏ lẽ: 630.159 con, chăn nuôi tập trung: 1.801.030 con).
- Vịt: 363.739 con (chăn nuôi nhỏ lẽ: 184.799 con, chăn nuôi tập trung: 178.940 con) - Ngan: 12.374 con (chăn nuôi nhỏ lẽ: 12.374 con) .
- Cút: 254.900 con (chăn nuôi nhỏ lẽ: 28.100 con, chăn nuôi tập trung: 226.800 con).
2. Tình hình dịch bệnh
- Dịch cúm gia cầm xuất hiện trên địa bàn tỉnh 02 lần vào năm 2004, 2005:
- Từ năm 2006 đến nay, không có dịch xảy ra trên địa bàn tỉnh.
- Trong tháng 01/2013, xảy ra 02 ổ dịch cúm gia cầm tại huyện Bến Cầu và thị xã Tây Ninh
a)Tại huyện Bến Cầu
- Bệnh xảy ra tại chủ hộ chăn nuôi: Phạm Văn Rua (nằm giữa khu vực đồng trống, xung quanh trồng rau màu, cây ăn trái và cao su).
- Tổng đàn: 1.000 con, loại gà ta, gần 5 tháng tuổi, trọng lượng bình quân khoảng 1,1 kg (0,8-1,2 Kg) gà nhập về từ trại gà Minh Dư (Bình Định), có giấy chứng nhận kiểm dịch số 010454 ngày 08/9/2012; gà được nuôi thả trong vườn nhãn 1 ha.
- Triệu chứng: Sốt, ủ rủ, chết đột ngột trong vài ngày, chảy nước mũi, mào tích tím tái, phân lỏng màu xanh lá.
- Bệnh tích: Xoang bụng tích nước, màng bao tim xuất huyết, phổi xung huyết, dạ dày tuyến sưng, xuất huyết.
- Đàn gia cầm đã tiêm phòng vắc xin phòng các bệnh nguy hiểm như: Newcastle, Gumboro, Đậu gà, Tụ Huyết Trùng…; nhưng không tiêm vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm.
- Ngày phát bệnh đầu tiên: 22/01/2013, chết 50 con, chủ hộ tự chôn trong vườn nhãn ( Số liệu do Trạm thú y huyện báo cáo).
- Ngày 23/01/2013: Chủ hộ báo cáo Trạm Thú y huyện Bến Cầu. Trạm Thú y huyện phối hợp chính quyền địa phương đến kiểm tra và báo cáo Chi cục Thú y; đồng thời tổ chức tiêu hủy 700 con gà chết bắng phương pháp chôn trong vườn nhãn (Số liệu do Trạm Thú y huyện báo cáo).
- Ngày 24/01/2013, Chi cục Thú y Tây Ninh phối hợp Trạm Thú y huyện Bến Cầu, UBND xã Tiên Thuận tổ chức lấy mẫu bệnh phẩm, gửi đi xét nghiệm tại Cơ quan Thú y vùng VI, tổ chức tiêu hủy 70 con gà chết;
- Ngày 25/01/2013, Cơ quan Thú y vùng VI có công văn số 69/TYV6-TH, Thông báo đã tìm thấy virus Cúm gia cầm Subtype H5N1 trong mẫu xét nghiệm trên.
- Ngày 25/01/2013, Chi cục Thú y Tây Ninh phối hợp Trung tâm Y tế huyện Bến Cầu, Trạm Thú y huyện Bến Cầu, UBND xã Tiên Thuận, Trạm Y tế xã Tiên Thuận tiến hành xử lý ổ dịch.
- Ngày 26/01/2013, Cơ quan Thú y vùng VI phối hợp với Chi cục Thú y tiếp tục kiểm tra công tác phòng chống dịch trên địa bàn xã.
- Ngày 28/01/2013, Sở Nông nghiệp và PTNT có công văn số 272/SNN-TY về việc đề nghị thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm; buổi chiều cùng ngày, theo chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Thú y đến làm việc với Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm huyện Bến Cầu và UBND xã Tiên Thuận nhằm huy động lực lượng, tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
- Ngày 28/01/2013, Cơ quan Thú y vùng VI có công văn số 99/TYV6-DT về việc báo cáo điều tra ổ dịch cúm gia cẩm ở xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh.
b) Tại thị xã Tây Ninh
Bệnh xảy ra tại hộ chăn nuôi: Phùng Thị Thủy ở ấp Đồng Cỏ Đỏ xã Bình Minh ( xung quanh là ruộng và vườn cao su)
- Tổng đàn gia cầm:
Theo khai báo của chủ hộ chăn nuôi, tổng đàn gà: 1.200 con (trong đó: 600 gà nhỏ khoảng 1 tháng tuổi; 600 gà lớn khoảng 4 tháng tuổi, trọng lượng bình quân khoảng 1,3kg). Gà mua từ xã Ninh Sơn Thị xã và huyện Châu Thành. Gà nuôi thả trong vườn.
Vịt: 05 con.
Ngỗng: 03 con.
- Triệu chứng: Sốt, ủ rủ, chết đột ngột trong vài ngày, chảy nước mũi.
- Bệnh tích: Màng bao tim xuất huyết, phổi xuất huyết, thận sưng.
- Đàn gia cầm đã tiêm phòng vắc xin phòng các bệnh nguy hiểm như: Newcastle, Gumboro, Đậu gà, Tụ Huyết Trùng ( chỉ tiêm 200 con/ 600 con); nhưng không tiêm vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm.
- Ngày phát bệnh đầu tiên: 27/01/2013.
- Đến ngày 30/01/2013, chủ hộ chăn nuôi mới báo cáo Trạm thú y thị xã. Nhận được tin báo, Trạm Thú y thị xã đã kết hợp phòng Dịch tễ Chi cục thú y, Trưởng ban thú y xã và chính quyền địa phương tổ chức tiêu hủy 342 con (trong đó số gà chết trong các ngày trước ngày 30/01/2013 là 235 con, gà chết ngày 30/01/2013 là 107 con). Phương pháp tiêu hủy đốt ở trong vườn nhà chủ hộ.
- Sáng ngày 31/01/2013, Chi cục Thú y Tây Ninh phối hợp Trạm Thú y thị xã, UBND xã Bình Minh tổ chức lấy mẫu bệnh phẩm, gửi đi xét nghiệm tại Cơ quan Thú y vùng VI. Buổi sáng cùng ngày, Chi cục Thú y phối hợp phòng Kinh tế thị xã, Trạm Thú y thị xã, UBND xã Bình Minh tổ chức họp bàn các biện pháp chống dịch; theo đó sẽ tổ chức tiêm phòng và tiêu độc sát trùng cho đàn gia cầm tại ấp Đồng cỏ đỏ ngay trong ngày 31/03/2013 trước khi có kết quả xét nghiệm.
- Sáng ngày 01/02/2013, Chi cục Thú y nhận được Thông báo số 77/TYV6-TH thông báo kết quả xét nghiệm đã tìm thấy virus cúm gia cầm trong mẫu gửi xét nghiệm. Sáng cùng ngày Chi cục Thú y và UBND xã Bình Minh tổ chức tiêu hủy số gà còn lại và thực hiện các biện pháp xử lý ổ dịch.
- Ngày 01/02/2013, Cục Thú y và Cơ quan Thú y vùng VI kiểm tra công tác chống dịch và góp ý kiến chỉ đạo các biện pháp chống dịch.
- Ngày 01/02/2013, UBND tỉnh Tây Ninh có công văn số 234/UBND-KTN về việc Tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm.
- Ngày 04/02/2013, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh có Công văn số 18/BCĐ, ngày 04/02/2013 về việc Kế hoạch triển khai đợt tiêu độc sát trùng phòng, chống dịch, bệnh gia súc, gia cầm và Công văn số 19/BCĐ phân công trực chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm vá các dịch bệnh gia súc, gia cầm khác trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013.
- Ngày 08/02/2013, UBND tỉnh Tây Ninh có công văn số 270/UBND-KTN về việc Đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm.
3. Nhận định tình hình dịch bệnh
- Từ năm 2006 đến nay, không có ổ dịch cúm gia cầm xuất hiện trên địa bàn tỉnh; vì vậy đây là ổ dịch mới.
- Qua kết quả điều tra ổ dịch tại huyện Bến Cầu: Nguồn bệnh có thể là do chim trời mang đến (ngày 22/01/2013, chủ hộ có gia cầm bệnh phát hiện có 02 con chim trời chết trước sân).
- Hiện nay, việc xử lý ổ dịch đã thực hiện xong, tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện Bến Cầu và thị xã Tây Ninh ổn định, không phát sinh mới gia cầm ốm, chết.
- Theo Thông báo của Cục Thú y, trong tháng 01/2013 đã xuất hiện 05 ca bệnh cúm A H5N1 trên người tại các tỉnh Takeo (01 ca), Kampong Speu (02 ca), Kampot (01 ca) và Phnom Phenh (01 ca); trong đó có 04 trường hợp đã tử vong. Kết quả điều tra dịch tễ cho thấy tất cả các trường hợp trên đều có tiếp xúc với gia cầm.
- Hiện nay, điều kiện thời tiết bất lợi, các hoạt động vận chuyển, giết mổ gia cầm và di chuyển của người dân trong dịp Tết Nguyên Đán tăng cao làm gia tăng nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm nếu không kịp thời có các biện pháp khống chế.
II. Các biện pháp phòng chống dịch
1. Mục tiêu - Phương hướng
- Phấn đấu không để dịch bệnh xảy ra;
- Khi có bệnh, kịp thời xử lý, hạn chế thiệt hại do bệnh gây ra.
2. Các biện pháp thực hiện
2. 1. Công tác chỉ đạo
- Tăng cường hoạt động Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm các cấp, đặc biệt là tại thị xã Tây Ninh và huyện Bến Cầu; thực hiện chế độ họp giao ban định kỳ; giao trách nhiệm cụ thể cho các thành viên trong việc triển khai các biện pháp đồng bộ phòng chống dịch cúm gia cầm.
- Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm các huyện, thị xã kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch cúm gia cầm tại các địa bàn có nguy cơ cao.
- Các Sở, Ngành; UBND các huyện thị xã khẩn trương chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng chống dịch; xem đây là công tác trọng tâm trong giai đoạn hiện nay.
2.2. Công tác chuẩn bị kinh phí, vật tư, trang thiết bị, hóa chất
- Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi cục Thú y mua sắm vắc xin, chuẩn bị bảo hộ lao động, thuốc sát trùng để kịp thời sử dụng.
- UBND các huyện, thị xã có Kế hoạch phòng chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn quản lý.
- UBND các huyện, thị xã chỉ đạo chính quyền cơ sở tổ chức lực lượng thường trực, bố trí sẵn sàng nhân lực, vật tư, kinh phí để chủ động ứng phó khi có dịch, không để dịch lây lan ra diện rộng. Riêng các địa bàn nếu có ổ dịch cúm gia cầm xảy ra, phải tổ chức quản lý chặt ổ dịch, không để người dân bán chạy gia cầm làm lây lan dịch, đồng thời không cho phép di chuyển đàn vịt chạy đồng ra khỏi địa bàn.
2.3. Tăng cường công tác giám sát dịch bệnh
- Thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, chú trọng việc giám sát dịch bệnh đến tận hộ gia đình, tổ dân cư và xóm ấp nhằm phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời các trường hợp nghi dịch bệnh. Giao trách nhiệm giám sát tình hình dịch bệnh đến tận hộ, cơ sở chăn nuôi cho cấp chính quyền cơ sở để phát hiện và báo cáo kịp thời dịch bệnh, tuyệt đối không giấu dịch, không bán chạy gia cầm bị bệnh.
- Đề nghị UBND các huyện, thị xã chỉ đạo các đơn vị có liên quan, UBND các xã, phường, thị trấn khẩn trương rà soát số lượng gia cầm hiện có trên địa bàn quản lý, làm cơ sở để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
2. 4. Công tác kiểm dịch - Kiểm soát giết mổ
Tăng cường kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật qua biên giới cũng như vận chuyển trong nước, đặc biệt là tăng cường công tác kiểm dịch các đối tượng có nhiều nguy cơ lây lan dịch: Đàn vịt chạy đồng, đàn gà chọi, gia cầm, sản phẩm gia cầm, đàn gia cầm giống nhập vào địa phương, kiên quyết xử lý tiêu huỷ đàn gia cầm không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật hợp lệ. Kiểm tra chặt chẽ về vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh đối với việc nuôi mới, lưu thông, buôn bán, giết mổ, chế biến gia cầm và sản phẩm gia cầm.
2. 5 Công tác tiêm phòng
Thực hiện theo công văn số 270/UBND-KTN, ngày 08/02/2013 của UBND tỉnh Tây Ninh có về việc Đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm, cụ thể như sau:
- Xác định cụ thể các địa bàn có nguy cơ cao để ưu tiên tiêm phòng (khu vực giáp biên giới Căm-pu-chia, có ổ dịch cũ, xung quanh khu vực có ổ dịch mới, nơi có mật độ chăn nuôi gia cầm cao). Địa bàn có nguy cơ cao nhất là các xã có dịch; địa bàn có nguy cơ cao là 05 huyện biên giới và các huyện nội địa có xảy ra dịch.
- Tổ chức tiêm phòng miễn phí cho đàn vịt, ngan trên địa bàn tỉnh;
- Khuyến khích tiêm phòng cho đàn gà nuôi nhỏ lẽ (các hộ chăn nuôi có nhu cầu đăng ký Trạm Thú y huyện hoặc Ban Thú y xã để được tiêm phòng miễn phí).
- Loại vắc xin sử dụng: vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm, chủng vắc xin Re-5.
2. 6. Công tác tiêu độc sát trùng
Khuyến cáo các hộ trại chăn nuôi, điểm buôn bán gia cầm - sản phẩm gia cầm, cơ sở ấp trứng và lò giết mổ gia cầm, các phương tiện vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm sát trùng thường xuyên.
2. 7. Công tác thông tin tuyên truyền
Chi cục Thú y tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm, thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, tuyên truyền, vận động người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm cảnh giác với dịch cúm gia cầm, tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, chủ động khai báo khi phát hiện gia cầm có biểu hiện nghi mắc bệnh cúm. Thường xuyên tổ chức vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia cầm tập trung, khu vực buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm, vùng có nguy cơ cao./.
2.8 Quản lý thuỷ cầm
Tiếp tục thực hiện Quyết định số 1405/QĐ-TTg ngày 16/10/2007 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 92/2007/TT-BNN ngày 19/11/2007 và số 60/2008/TT-BNN ngày 15/5/2008 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về điều kiện ấp ấp trứng và chăn nuôi thuỷ cầm. Kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y đối với các trang trại chăn nuôi vịt giống và thương phẩm, các cơ sở ấp trứng.
Tiếp tục thực hiện chặt chẽ việc quản lý các lò ấp nở và việc cấp sổ quản lý vịt chạy đồng theo đúng quy định.
Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm huyện, thị xã kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh đối với các hộ chăn nuôi vịt chạy đồng, các hộ nuôi gà chọi trên địa bàn quản lý.
2.9 Quản lý chợ và cơ sở giết mổ gia cầm
UBND huyện, thị xã chỉ đạo Ban quản lý chợ phối hợp với lực lượng Thú y và các đơn vị có liên quan tăng cường công tác quản lý kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm; đảm bảo gia cầm và sản phẩm gia cầm kinh doanh tại chợ đều phải được sự kiểm soát của Thú y.
Tăng cường công tác kiểm soát giết mổ gia cầm; đảm bão tất cả các cơ sở giết mổ gia cầm đều có thú y kiểm tra và tiêu độc sát trùng trước trong và sau giết mổ theo quy định.
2.10. Xử lý ổ dịch phát sinh
- Khi phát hiện ổ dịch, cần xử lý ổ dịch theo quy định tại Thông tư 69/2005/TT-BNN ngày 07/11/2005 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
- Để kịp thời phòng chống dịch, trước mắt UBND các huyện, thị xã tạm ứng ngân sách địa phương chi thực hiện các biện pháp phòng chống dịch (Công văn số 234/UBND-KTN)./.
2.11 Kinh phí thực hiện
Kinh phí thực hiện: 1.300.000.000 đồng
( Một tỷ hai trăm sáu mươi sáu triệu đồng chẵn)
Có dự trù kinh phí kèm theo
III. Tổ chức thực hiện, phân công thành viên Ban chỉ đạo, chế độ báo cáo
1. Tổ chức thực hiện
Việc phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã thực hiện theo nội dung Công văn số 233/UBND-KTN ngày 10/02/2012 của UBND tỉnh Tây Ninh về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm.
2. Phân công các thành viên Ban chỉ đạo
Ban chỉ đạo tỉnh phân công các thành viên phụ trách các địa bàn như sau:
- Đ/c Huỳnh Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, trưởng Ban chỉ đạo, phụ trách chung;
- Đ/c Vương Quốc Thới - Phó trưởng BCĐ thường trực - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, phụ trách địa bàn huyện Tân Biên;
- Đ/c Nguyễn Thái Sơn - phó trưởng BCĐ - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, phụ trách địa bàn huyện Gò Dầu;
- Đ/c Nguyễn Văn Cường - phó trưởng BCĐ - Phó Giám đốc Sở Y tế, phụ trách địa bàn huyện Bến Cầu;
- Đ/c Nguyễn Văn Mấy - phó trưởng BCĐ - Chi cục trưởng Chi cục Thú y, phụ trách địa bàn huyện Tân Châu;
- Đ/c Võ Thanh Phong - Thành viên BCĐ - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường phụ trách địa bàn huyện Châu Thành;
- Đ/c Nguyễn Văn Trứ - Thành viên BCĐ - Phó Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, phụ trách địa bàn huyện Châu Thành;
- Đ/c Trương Trúc Phương - Thành viên BCĐ - Phó Giám đốc Sở Tài chính, phụ trách địa bàn huyện Hòa Thành;
- Đ/c Nguyễn Hoàng Ân - Thành viên BCĐ - Phó Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, phụ trách địa bàn huyện Hòa Thành;
- Đ/c Hà Văn Cung - Thành viên BCĐ - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, phụ trách địa bàn Trảng Bàng;
- Đ/c Nguyễn Hoàng - Thành viên BCĐ - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường phụ trách địa bàn huyện Trảng Bàng;
- Đ/c Trịnh Văn Lo - Thành viên BCĐ - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, phụ trách địa bàn huyện Dương Minh Châu;
- Đ/c Nguyễn Thanh Sơn - Thành viên BCĐ - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao-Du lịch, phụ trách địa bàn thị xã Tây Ninh;
- Đ/c Nguyễn Anh Tuấn - Thành viên BCĐ - Phó Giám đốc Công an tỉnh, phụ trách địa bàn thị xã Tây Ninh.
- Chi cục Thú y phân công lãnh đạo Chi cục, các phòng nghiệp vụ chỉ đạo, kiểm tra công tác chống dịch trên địa bàn các huyện, thị xã.
3. Chế độ báo cáo
- Chi cục Thú y là cơ quan phát ngôn của Ban chỉ đạo tỉnh, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng.
a) Khi chưa có dịch: Trong đợt cao điểm phòng chống dịch hiện nay, thực hiện chế độ báo cáo hàng tuần bằng Fax, Email, văn bản....
- Ban chỉ đạo huyện, thị xã báo cáo hàng tuần về Ban chỉ đạo Tỉnh (Thường trực là Chi cục Thú y) trước 11g00 ngày thứ sáu hàng tuần..
- Chi cục Thú y báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNT trước 16g00 ngày thứ sáu hàng tuần
b) Khi có dịch xảy ra
- Duy trì chế độ báo cáo hàng ngày, hàng tuần, bằng điện thoại, Fax, Email, văn bản....
- Ban chỉ đạo xã báo cáo hàng ngày về Ban chỉ đạo huyện, thị xã trước 9 giờ 00 hàng ngày, báo cáo hàng tuần (bằng văn bản) trước 16g00 thứ năm hàng tuần.
- Ban chỉ đạo huyện, thị xã báo cáo hàng ngày về Ban chỉ đạo Tỉnh (Thường trực là Chi cục Thú y) trước 11g00 hàng ngày, báo cáo hàng tuần (bằng văn bản) trước 11g00 ngày thứ sáu hàng tuần..
- Chi cục Thú y báo cáo hàng ngày về Bộ Nông nghiệp và PTNT, Cục Thú y, Tỉnh ủy, HDND tỉnh, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT trước 16g00 hàng ngày, báo cáo hàng tuần trước 16g00 ngày thứ sáu hàng tuần./.
Ý kiến bạn đọc