Tình hình dịch bệnh cúm gia cầm trên địạ bàn Tỉnh

Thứ ba - 05/02/2013 20:55 116 0
Đến ngày 01/02/2013

I. Tình hình dịch bệnh

1. Diễn biến tình hình dịch bệnh

a)Tại huyện Bến Cầu

- Bệnh xảy ra tại chủ hộ chăn nuôi: Phạm Văn Rua (nằm giữa khu vực đồng trống, xung quanh trồng rau màu, cây ăn trái và cao su).

- Tổng đàn: 1.000 con, loại gà ta, gần 5 tháng tuổi, trọng lượng bình quân khoảng 1,1 kg (0,8-1,2 Kg) gà nhập về từ trại gà Minh Dư (Bình Định), có giấy chứng nhận kiểm dịch số 010454 ngày 08/9/2012; gà được nuôi thả trong vườn nhãn 1 ha.

- Triệu chứng: Sốt, ủ rủ, chết đột ngột trong vài ngày, chảy nước mũi, mào tích tím tái, phân lỏng màu xanh lá.

- Bệnh tích: Xoang bụng tích nước, màng bao tim xuất huyết, phổi xung huyết, dạ dày tuyến sưng, xuất huyết.

- Đàn gia cầm đã tiêm phòng vắc xin phòng các bệnh nguy hiểm như: Newcastle, Gumboro, Đậu gà, Tụ Huyết Trùng…; nhưng không tiêm vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm.

- Ngày phát bệnh đầu tiên: 22/01/2013, chết 50 con, chủ hộ tự chôn trong vườn nhãn ( Số liệu do Trạm thú y huyện báo cáo).

- Ngày 23/01/2013: Chủ hộ báo cáo Trạm Thú y huyện Bến Cầu. Trạm Thú y huyện phối hợp chính quyền địa phương đến kiểm tra và báo cáo Chi cục Thú y; đồng thời tổ chức tiêu hủy 700 con gà chết bắng phương pháp chôn trong vườn nhãn (Số liệu do Trạm Thú y huyện báo cáo).

- Ngày 24/01/2013, Chi cục Thú y Tây Ninh phối hợp Trạm Thú y huyện Bến Cầu, UBND xã Tiên Thuận tổ chức lấy mẫu bệnh phẩm, gửi đi xét nghiệm tại Cơ quan Thú y vùng VI, tổ chức tiêu hủy 70 con gà chết;

- Ngày 25/01/2013, Cơ quan Thú y vùng VI có công văn số 69/TYV6-TH, Thông báo đã tìm thấy virus Cúm gia cầm Subtype H5N1 trong mẫu xét nghiệm trên.

- Ngày 25/01/2013, Chi cục Thú y Tây Ninh phối hợp Trung tâm Y tế huyện Bến Cầu, Trạm Thú y huyện Bến Cầu, UBND xã Tiên Thuận, Trạm Y tế xã Tiên Thuận tiến hành xử lý ổ dịch:

- Tiêu hủy só gà còn lại của ông Rua bằng phương pháp đốt (180 con, gồm 100 con gà sống, 80 con gà chết).

- Tiêu độc sát trùng khu vực nhà ở (Y tế thực hiện), khu vực chăn nuôi (Thú y thực hiện) của hộ ông Rua và các hộ xung quanh.

- Trạm Thú y huyện Bến Cầu thực hiện tiêm phòng bao vây ổ dịch.

- Ngày 26/01/2013, Cơ quan Thú y vùng VI phối hợp với Chi cục Thú y tiếp tục kiểm tra công tác phòng chống dịch trên địa bàn xã.

- Ngày 28/01/2013, Sở Nông nghiệp và PTNT có công văn số 272/SNN-TY về việc đề nghị thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm; buổi chiều cùng ngày, theo chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Thú y đến làm việc với Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm huyện Bến Cầu và UBND xã Tiên Thuận nhằm huy động lực lượng, tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

- Ngày 28/01/2013, Cơ quan Thú y vùng VI có công văn số 99/TYV6-DT về việc báo cáo điều tra ổ dịch cúm gia cẩm ở xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh.

b) Tại thị xã Tây Ninh

Bệnh xảy ra tại hộ chăn nuôi: Phùng Thị Thủy ở ấp Đồng Cỏ Đỏ xã Bình Minh ( xung quanh là ruộng và vườn cao su)

- Tổng đàn gia cầm:

Theo khai báo của chủ hộ chăn nuôi, tổng đàn gà: 1.200 con (trong đó: 600 gà nhỏ khoảng 1 tháng tuổi; 600 gà lớn khoảng 4 tháng tuổi, trọng lượng bình quân khoảng 1,3kg). Gà mua từ xã Ninh Sơn Thị xã và huyện Châu Thành. Gà nuôi thả trong vườn.

Vịt: 05 con.

Ngỗng: 03 con.

- Triệu chứng: Sốt, ủ rủ, chết đột ngột trong vài ngày, chảy nước mũi.

- Bệnh tích: Màng bao tim xuất huyết, phổi xuất huyết, thận sưng.

- Đàn gia cầm đã tiêm phòng vắc xin phòng các bệnh nguy hiểm như: Newcastle, Gumboro, Đậu gà, Tụ Huyết Trùng ( chỉ tiêm 200 con/ 600 con); nhưng không tiêm vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm.

- Ngày phát bệnh đầu tiên: 27/01/2013.

. - Đến ngày 30/01/2013, chủ hộ chăn nuôi mới báo cáo Trạm thú y thị xã. Nhận được tin báo, Trạm Thú y thị xã đã kết hợp phòng Dịch tễ Chi cục thú y, Trưởng ban thú y xã và chính quyền địa phương tổ chức tiêu hủy 342 con (trong đó số gà chết trong các ngày trước ngày 30/01/2013 là 235 con, gà chết ngày 30/01/2013 là 107 con). Phương pháp tiêu hủy đốt ở trong vườn nhà chủ hộ.

     - Sáng ngày 31/01/2013, Chi cục Thú y Tây Ninh phối hợp Trạm Thú y thị xã, UBND xã Bình Minh tổ chức lấy mẫu bệnh phẩm, gửi đi xét nghiệm tại Cơ quan Thú y vùng VI. Buổi sáng cùng ngày, Chi cục Thú y phối hợp phòng Kinh tế thị xã, Trạm Thú y thị xã, UBND xã Bình Minh tổ chức họp bàn các biện pháp chống dịch; theo đó sẽ tổ chức tiêm phòng và tiêu độc sát trùng cho đàn gia cầm tại ấp Đồng cỏ đỏ ngay trong ngày 31/03/2013 trước khi có kết quả xét nghiệm.

     - Sáng ngày 01/02/2013, Chi cục Thú y nhận đượxc Thông báo số 77/TYV6-TH thông báo kết quả xét nghiệm đã tìm thấy virus cúm gia cầm trong mẫu gửi xét nghiệm. Sáng cùng ngày Chi cục Thú y và UBND xã Bình Minh tổ chức tiêu hủy số gà còn lại và thực hiện các biện pháp xử lý ổ dịch.

     - Ngày 01/02/2013, Cục Thú y và Cơ quan thú y vùng VI kiểm tra công tác chống dịch và góp ý kiến chỉ đạo các biện pháp chống dịch.

 

2. Nhận định tình hình dịch bệnh

- Từ năm 2006 đến nay, không có ổ dịch cúm gia cầm xuất hiện trên địa bàn tỉnh; vì vậy đây là ổ dịch mới.

- Qua kết quả điều tra ổ dịch tại Bến Cầu: Nguồn bệnh có thể là do chim trời mang đến (ngày 22/01/2013, chủ hộ có gia cầm bệnh phát hiện có 02 con chim trời chết trước sân).

 - Hiện nay, việc xử lý ổ dịch đã thực hiện xong, tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện Bến Cầu ổn định, không phát sinh mới gia cầm ốm, chết, tại địa bàn thị xã, tại các hộ xung quanh hộ gia cầm có gà bệnh không phát sinh gia cầm ốm, chết.

 

II. Các biện pháp đã thực hiện

1. Trong thời gian chưa có kết quả xét nghiệm:

- Đề nghị chính quyền địa phương:

+ Rà soát, báo cáo tổng đàn gia cầm trên địa bàn xã.

+ Thường xuyên giám sát sức khỏe đàn gia cầm, kịp thời phát hiện gia cầm bệnh để xử lý.

+ Quản lý hộ có gia cầm bệnh, lập cam kết  không bán chạy gia cầm bệnh, không xuất, nhập gia cầm.

+ Kiểm soát chặt sự vận chuyển gia cầm trong vùng.

- Đề nghị chủ hộ chăn nuôi:

+ Cách ly gia cầm bệnh và gia cầm khỏe.

+ Sử dụng thuốc tăng sức đề kháng gà.

+ Gom xác gà chết lại để đốt hoặc chôn theo quy định.

+ Tiêu độc sát trùng khu vực chăn nuôi bằng thuốc Benkocide 2 lần/ ngày.

+ Không xuất, nhập gà ra khỏi khu vực chăn nuôi.

+ Hạn chế người không phận sự ra vào khu vực chăn nuôi.

2. Khi đã có kết quả xét nghiệm

- Xử lý ổ dịch theo quy định.

- Tiêu độc sát trùng hộ có dịch và các hộ dân xung quanh.

- Tiêm phòng bao vây đàn gia cầm trên địa bàn các xã có dịch.

- Chi cục Thú y tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT có văn bản đề nghị UBND huyện Bến Cầu thực hiện các biện pháp phòng chống:

+ Rà soát số lượng gia cầm trên địa bàn huyện, đặc biệt là tại xã Tiên Thuận.

+ Tăng cường công tác giám sát, kịp thời phát hiện bệnh để kịp thời xử lý; báo cáo tình hình dịch bệnh hàng ngày về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (trực tiếp là Chi cục Thú y).

+ Đề nghị các trang trại chăn nuôi gia cầm tập trung, các hộ nuôi vịt chạy đồng trên địa bàn huyện thực hiện các biện pháp an toàn sinh học và tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm.

+ Khẩn trương hoàn thành việc tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm trên địa bàn xã Tiên Thuận.

+ Tiếp tục triển khai công tác tiêu độc sát trùng.

+ Thường xuyên kiểm tra, xử lý hố chôn gia cầm tại hộ ông Rua: Rải vôi, phun thuốc sát trùng trên bề mặt hố chôn, kịp thời phát hiện, xử lý không để chó, mèo và các động vật khác tha xác chết đi nơi khác làm lây lan dịch bệnh.

+ UBND xã Tiên Thuận Thông báo cho nhân dân trong ấp Bàu Tép biết tình hình dịch bệnh và đề nghị nhân dân trong ấp cam kết không thả rông gia cầm; không giấu dịch; không mua, bán gia cầm bệnh; không ăn thịt gia cầm ốm, chết; không vứt xác gia cầm bừa bãi; không vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trong vòng 21 ngày, kể từ ngày ổ dịch cuối cùng đã được xử lý.

 

III. Kế hoạch phòng chống dịch

Căn cứ tình hình dịch bệnh hiện nay, Chi cục thú y đề xuất Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu UBND tỉnh Kế hoạch phòng chống dịch như sau:

1. Công tác chỉ đạo

- Tăng cưởng hoạt động Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm các cấp, đặc biệt là tại thị xã Tây Ninh và huyện Bến Cầu; thực hiện chế độ họp giao ban định kỳ; giao trách nhiệm cụ thể cho các thành viên trong việc triển khai các biện pháp đồng bộ phòng chống dịch cúm gia cầm.

- Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm các huyện, thị xã kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch cúm gia cầm tại các địa bàn có nguy cơ cao.

- Các Sở, Ngành; UBND các huyện thị xã khẩn trương chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng chống dịch; xem đây là công tác trọng tâm trong giai đoạn hiện nay.

2. Công tác chuẩn bị kinh phí, vật tư, trang thiết bị, hóa chất

- Sở Nông nghiệp và PTNT (Trực tiếp là Chi cục Thú y) xây dựng kế hoạch phòng chống dịch cúm gia cầm của tỉnh năm 2013.

- Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi cục Thú y mua sắm vắc xin, chuẩn bị bảo hộ lao động, thuốc sát trùng để kịp thời sử dụng.

- UBND các huyện, thị xã có Kế hoạch phòng chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn quản lý.

- UBND các huyện, thị xã chỉ đạo chính quyền cơ sở tổ chức lực lượng thường trực, bố trí sẵn sàng nhân lực, vật tư, kinh phí để chủ động ứng phó khi có dịch, không để dịch lây lan ra diện rộng. Riêng các địa bàn nếu có ổ dịch cúm gia cầm xảy ra, phải tổ chức quản lý chặt ổ dịch, không để người dân bán chạy gia cầm làm lây lan dịch, đồng thời không cho phép di chuyển đàn vịt chạy đồng ra khỏi địa bàn.

- Sở Tài chính có kế hoạch chuẩn bị kinh phí cho công tác chống dịch khi có dịch xảy ra.

 

       3. Tăng cường Công tác giám sát dịch bệnh

- Thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, chú trọng việc giám sát dịch bệnh đến tận hộ gia đình, tổ dân cư và xóm ấp nhằm phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời các trường hợp nghi dịch bệnh. Giao trách nhiệm giám sát tình hình dịch bệnh đến tận hộ, cơ sở chăn nuôi cho cấp chính quyền cơ sở để phát hiện và báo cáo kịp thời dịch bệnh, tuyệt đối không giấu dịch, không bán chạy gia cầm bị bệnh.

- UBND các huyện, thị xã chỉ đạo các đơn vị có liên quan, UBND các xã, phường, thị trấn khẩn trương rà soát số lượng gia cầm hiện có trên địa bàn quản lý, làm cơ sở để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

- UBND các huyện, thị xã chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức họp xóm ấp, tổ dân phố thông báo tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch để người dân biết và tham gia phòng chống và giám sát dịch bệnh.

 

4. Công tác kiểm dịch - Kiểm soát giết mổ

       Tăng cường kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật qua biên giới cũng như vận chuyển trong nước, đặc biệt là tăng cường công tác kiểm dịch các đối tượng có nhiều nguy cơ lây lan dịch: Đàn vịt chạy đồng, đàn gà chọi, gia cầm, sản phẩm gia cầm, đàn gia cầm giống nhập vào địa phương, kiên quyết xử lý tiêu huỷ đàn gia cầm không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật hợp lệ. Kiểm tra chặt chẽ về vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh đối với việc nuôi mới, lưu thông, buôn bán, giết mổ, chế biến gia cầm và sản phẩm gia cầm.

      

5 Công tác tiêm phòng

Triển khai tiêm phòng bắt buộc cho đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh:

- Đối với hộ chăn nuôi có đàn gia cầm lớn hơn 2.000 con: Chủ hộ chăn nuôi tự lo kinh phí tiêm phòng

- Đối với hộ chăn nuôi có đàn gia cầm nhỏ hơn 2.000 con: Đề nghị ngân sách tỉnh chi hỗ trợ, cụ thể như sau:

+ Tiêm phòng cho đàn gia cầm nuôi nhỏ lẽ tại các địa bàn có nguy cơ cao..

+ Dự phòng vắc xin, lưu tại kho của Công ty cung ứng vắc xin để sử dụng khi có dịch xảy ra.

       + Hỗ trợ cho mỗi người trực tiếp tham gia tiêm phòng (gồm: cán bộ thú y, người dẫn đường) với mức chi: 200 đồng/con gia cầm.

+ Để kịp thời phòng, chống dịch, đề nghị UBND tỉnh cho phép Chi cục Thú y được mua vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm bằng phương pháp chỉ định thầu, loại vắc xin Re-1 do Công ty thuốc thú y Vinavetco cung cấp.

 6. Công tác tiêu độc sát trùng

UBND các huyện, thị xã Triển khai thực hiện đợt vệ sinh tiêu độc sát trùng phòng chống bệnh cúm gia cầm trên địa bàn quản lý, thời gian thực hiện trước ngày 08/02/2013; thời gian cụ thể do huyện sắp xếp và thực hiện đồng bộ trên địa bàn huyện trong 02 ngày.

Khuyến cáo các hộ trại chăn nuôi, điểm buôn bán  gia cầm - sản phẩm gia cầm, cơ sở ấp trứng và lò giết mổ gia cầm, các phương tiện vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm sát trùng thường xuyên.

 

 7. Công tác thông tin tuyên truyền

Chi cục Thú y  tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm, thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, tuyên truyền, vận động người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm cảnh giác với dịch cúm gia cầm, tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, chủ động khai báo khi phát hiện gia cầm có biểu hiện nghi mắc bệnh cúm. Thường xuyên tổ chức vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia cầm tập trung, khu vực buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm, vùng có nguy cơ cao.

 

8. Xử lý ổ dịch phát sinh

Khi phát hiện ổ dịch, cần xử lý ổ dịch theo quy định tại thông tư 69/2005/TT-BNN ngày 07/11/2005 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, cụ thể như sau:

- Tiến hành vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường trong vòng bán kính 3 km từ điểm có dịch; phun thuốc khử trùng các phương tiện ra vào khu vực có dịch;

- Tiêm phòng bao vây cho toàn bộ gia cầm trong vùng vành đai 3-5 km tính từ điểm có dịch;

- Khoanh vùng bán kính 3 km kể từ điểm có dịch; tổ chức giám sát đàn gia cầm trong vùng dịch; bố trí lực lượng canh gác không để vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm ra khỏi vùng dịch;

- Thông báo về tình hình dịch cho nhân dân trong xã, phường và các xã, phường lân cận.

- Để kịp thời phòng chống dịch, trước mắt UBND các huyện, thị xã tạm ứng ngân sách địa phương chi mua vật tư và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

9.Chế độ báo cáo

- Chi cục Thú y là cơ quan phát ngôn về tình hình dịch bệnh của tỉnh, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng.

- Duy trì chế độ báo cáo hàng ngày, hàng tuần, bằng điện thoại, Fax, Email, văn bản....

- Ban chỉ đạo xã có dịch báo cáo hàng ngày về Ban chỉ đạo huyện, thị xã trước 9 giờ 00 hàng ngày, báo cáo hàng tuần (bằng văn bản) trước 16g00 thứ năm hàng tuần.

- Ban chỉ đạo huyện, thị xã có dịch báo cáo hàng ngày về Ban chỉ đạo Tỉnh (Thường trực là Chi cục Thú y) trước 11g00 hàng ngày, báo cáo hàng tuần (bằng văn bản) trước 11g00 ngày thứ sáu hàng tuần..

- Chi cục Thú y báo cáo hàng ngày về Cơ quan thú y vùng VI, Sở Nông nghiệp và PTNT trước 16g00 hàng ngày, báo cáo hàng tuần trước 16g00 ngày thứ sáu hàng tuần./.

 

                                                           CHI CỤC TRƯỞNG

                                                       

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây