- Trong nước:
+ Dịch cúm gia cầm: Hiện nay, có 07 tỉnh Hà Tĩnh, Hải Phòng, Ninh Bình, Nam Định, Bắc Cạn, Quảng Ngãi và Thanh Hóa có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày.
So với tuần trước, có thêm 2 tỉnh Quảng Ngãi và Thanh Hóa có dịch cúm chưa qua 21 ngày.
+ Dịch Lở mồm long móng (LMLM): Hiện nay, cả nước không có dịch LMLM.
+ Dịch Tai xanh trên heo: Hiện nay, cả nước có 05 tỉnh: Đắk Lắk, Nghệ An, Cao Bằng, Bắc Cạn và Cần Thơ có dịch tai xanh chưa qua 21 ngày.
So với tuần trước thêm tỉnh Cần Thơ có báo cáo có dịch tai xanh chưa qua 21 ngày.
Nhận định: Nhìn chung, tình hình dịch cúm gia cầm, dịch tai xanh trên heo đang diễn biến phức tạp.
Dịch cúm gia cầm (CGC) vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhánh virus CGC mới đang lan nhanh tại các tỉnh phía Bắc.
Tại cuộc họp BCĐ Quốc gia phòng chống dịch CGC (ngày 4/9), Cục Thú y khẳng định, thời gian qua, Trung tâm Chẩn đoán Thú y TƯ đã giải trình tự gen đối với các mẫu virus CGC tại các tỉnh phía Bắc. Kết quả cho thấy, đã phát hiện một nhánh virus mới là 2.3.2.1-C. Nhánh virus H5N1 mới này, tuy vẫn thuộc nhánh 2.3.2.1, nhưng đã có sự khác biệt với những virus 2.3.2.1 thuộc nhóm A và B gây bệnh năm 2011. Về độc lực, nhóm virus mới được đánh giá là có độc lực nguy hiểm hơn rất nhiều so với các nhóm virus cũ, và đặc biệt có khả năng gây chết người cao.
Theo báo cáo của Trung tâm Chẩn đoán Thú y TƯ, nhánh virus 2.3.2.1-C nhiều khả năng đã xuất hiện từ khoảng tháng tháng 7, tháng 8 năm 2012. Qua giám sát dịch tễ cho thấy ngay sau khi xuất hiện tại phía Bắc, virus này hiện đã lan rất nhanh trên diện rộng, phân bố ở khắp các tỉnh miền Bắc vào tới các tỉnh miền Trung. Trong khi đó, nhánh virus cũ là 2.3.2.1-A hiện chỉ xuất hiện rải rác tại các tỉnh phía Bắc, còn nhánh 2.3.2.1-B thì hiện đã không còn xuất hiện.
Kết quả phân tích cũng cho thấy, nhánh virus mới tương tự như virus CGC xuất hiện tại Trung Quốc trong thời gian gần đây. Vì vậy rất nhiều khả năng, sự xuất hiện và lan nhanh của nó có sự liên quan đến tình trạng buôn lậu gia cầm thải loại từ Trung Quốc về các tỉnh. Cũng theo Cục Thú y, vacxin CGC H5N1 chủng Re-5 do nước ta nhập khẩu từ Trung Quốc tuy hiện tại vẫn có tác dụng tương đối tốt đối với nhánh virus cũ là 2.3.2.1-A. Tuy nhiên, Cục Thú y vẫn chưa hoàn tất việc nghiên cứu để xác định xem vacxin Re-5 có tác dụng bảo hộ đối với nhánh virus mới hay không. Cục Thú y cho biết thêm, vacxin CGC H5N1 mới chủng Re-6 do Trung Quốc vừa sản xuất cho thấy đều có tác dụng bảo hộ rất tốt đối với cả hai nhánh virus 2.3.2.1-A và 2.3.2.1-B. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ tác dụng bảo hộ của vacxin Re-6 đối với nhánh virus mới như thế nào. Trước tình hình đó, Cục Thú y đang gấp rút nghiên cứu thử nghiệm tác dụng bảo hộ của vacxin Re-6 đối với nhánh virus mới tại phía Bắc nước ta.
Tại cuộc họp ngày 04-9-2012, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần đã chỉ đạo Cục Thú y, song song với việc thử nghiệm tác dụng bảo hộ của các loại vacxin do Trung Quốc sản xuất, phải ưu tiên đồng thời việc đưa vào thử nghiệm tác dụng bảo hộ của vacxin CGC do Cty Navetco của Việt Nam sản xuất đối với nhánh virus CGC mới tại phía Bắc nhằm từng bước hoàn thiện để chủ động nguồn vacxin đối phó với dịch CGC.
Trong lúc nhánh virus nguy hiểm mới đang lan nhanh tại các tỉnh phía Bắc, thì dịch CGC hiện vẫn đang tiếp tục lan rộng.
Theo tổng hợp của Cục Thú y trong vòng 2 tuần qua, dịch CGC đã tiếp tục phát sinh ở 3 tỉnh mới là Bắc Kạn, Quảng Ngãi và Thanh Hóa, với tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy khoảng trên 70 nghìn con. Tại các địa phương có dịch cũ, dịch CGC vẫn tiếp tục phát sinh lan rộng. Cụ thể trong hai tuần qua tại tỉnh Hà Tĩnh, dịch vẫn tiếp tục phát sinh tại các xã có ổ dịch cũ gồm Cẩm Trung, Cẩm Thịnh (huyện Cẩm Xuyên) và Kỳ Khang, Kỳ Đồng (huyện Kỳ Anh), làm trên 3.000 con gia cầm mắc bệnh. Tại các tỉnh Ninh Bình và Nam Định, dịch vẫn tiếp tục lan rộng tại các xã có ổ dịch cũ, khiến hàng chục nghìn con gia cầm tiếp tục mắc bệnh mới, chết và tiêu hủy.
Như vậy đến nay, trong số 7 tỉnh có dịch CGC trên cả nước, thì có 6 tỉnh miền Bắc gồm Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Hải Phòng và Bắc Kạn vẫn đang có dịch tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp (tỉnh còn lại ở phía Nam có dịch CGC là Quảng Ngãi).
-Trong tỉnh:
+Tình hình dịch bệnh: Trên địa bàn tỉnh: Trong tuần qua, tình hình dịch bệnh tương đối ổn định, không xảy ra dịch bệnh.
+ Các biện pháp phòng chống dịch bệnh:
Công tác phòng chống dịch bệnh:
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm phòng gia súc để các huyện hoàn thành việc tiêm phòng bổ sung các bệnh dịch tả, phó thương hàn, tụ huyết trùng heo và lở mồm long móng, tụ huyết trùng trâu bò.
Hiện nay, toàn tỉnh đang chuẩn bị triển khai công tác tiêm phòng vaccin cho gia súc đợt 2/2012, tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng cho trâu bò.
- Tuyên truyền người dân tham gia phòng chống dịch cúm gia cầm; thực hiện Công văn số 989/UBND - KTN ngày 21 tháng 5 năm 2012 của UBND Tỉnh về việc tiêm phòng vaccin cúm gia cầm năm 2012: Tiêm phòng bắt buộc các loại gia cầm có nguy cơ lây lan dich bệnh cao: Đàn gia cầm giống, vịt chạy đồng, đàn ngan (vịt xiêm), đàn gà chọi trên địa bàn tỉnh; kinh phí người chăn nuôi tự lo. Đối với các loại gia cầm còn lại khuyến cáo người chăn nuôi tự tiêm phòng vaccin.
- Tổ chức tuyên truyền phòng chống bệnh tai xanh qua đài truyền thanh để nâng cao nhận thức của người dân và mở lớp tập huấn cho cán bộ thú y cơ sở về công tác phòng chống dịch.
- Thường xuyên kiểm tra chất cấm tạo nạc sử dụng trong chăn nuôi.
- Thường xuyên thực hiện tiêu độc sát trùng cho các hộ, trại chăn nuôi, cơ sở ấp trứng, cơ sở giết mổ…Hướng dẫn các hộ chăn nuôi áp dụng biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi.
- Tiếp tục thực hiện công tác bắt chó chạy rong.
Chi cục Thú y Tây Ninh kết hợp với Công ty Navetco và cơ quan Thú y vùng 6 TP Hồ Chí Minh thực hiện chương trình khảo nghiệm vắc xin Cúm gia cầm và Heo Tai xanh của Công ty Navetco trên 2 huyện Hòa Thành, Thị xã nhằm đánh giá trên thực địa độ an toàn và độ bảo hộ miễn dịch của vắc xin cúm gia cầm nhũ dầu Navet-Vifluvac và kháng thể kháng virus tai xanh sau khi tiêm vắc xin nhược độc tai xanh chủng JXA1-R trong điều kiện chăn nuôi thực tế ở tỉnh, tạo cơ sở để đưa vắc xin ra phân phối đến thị trường góp phần phòng ngừa bệnh cúm gia cầm và bệnh tai xanh trên heo.
Công tác kiểm dịch- Kiểm soát giết mổ - Kiểm tra vệ sinh thú y:
- Tăng cường công tác kiểm dịch tại gốc. Phối hợp với các cấp, các ngành ở địa phương kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc lưu thông, vận chuyển gia súc xuất - nhập tỉnh và đưa vào các lò mổ. Xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc chưa qua kiểm dịch.
- Tiếp tục tăng cường quản lý tốt việc ấp nở và nuôi mới thủy cầm trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Quyết định số 1405 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 92, 60 của Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Quy định về điều kiện ấp trứng và chăn nuôi thuỷ cầm.
Công tác thanh tra
- Thực hiện chương trình thanh tra trong lĩnh vực thú y như: Cửa hàng kinh doanh thuốc thú y, thức ăn gia súc, cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ động vật …
- Thẩm định điều kiện vệ sinh thú y, cấp giấy chứng nhận hành nghề thú y cho các cửa hàng kinh doanh thuốc thú y và dịch vụ thú y; cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm; khu cách ly gia súc trong tỉnh.
CHI CỤC THÚ Y TÂY NINH
Ý kiến bạn đọc