Sáng ngày 22/02/2024, nhân chuyến công tác tại tỉnh Tây Ninh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung đã có chuyến khảo sát tình hình sản xuất, thăm một số mô hình sản xuất cây khoai mì tại xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích cây khoai mì toàn tỉnh năm 2023 là 61.370 ha, năng suất bình quân 33,5 tấn/ha, mang lại thu nhập khá cao cho người nông dân, khoảng 40 – 55 triệu/ha. Tính đến ngày 16/02/2024, toàn tỉnh đã xuống giống được khoảng 35.000 ha vụ Đông Xuân 2023-2024, trong đó, diện tích củahuyện Dương Minh Châu trên 8.000 ha, riêng tại xã Phước Ninh gần 3.000 ha.
Theo UBND xã Phước Ninh, các mô hình sản xuất cây khoai mì tại đại phương đều được thâm canh cao, năng suất bình quân hàng năm đều cao hơn so với năng suất bình quân của tỉnh, đạt khoảng 40-45 tấn/ha. Hiện nay, một số diện tích khoai mì vụ Đông Xuân 2023-2024 xuống giống được 2-3 tháng, đã được nông dân bán cho thương lái với giá cao,thu thập bình quân 80 – 100 triệu đồng/ha/vụ. Sau khi thu hoạch mì, nông dân tiếp tục xuống giống 1 vụ lúa, năng suất đạt khoảng 4,5 – 5 tấn/ha, thu nhập 20 – 25 triệu đồng/ha/vụ.
Giống mì được trồng chủ yếu ở Phước Ninh là giống mì KM140, chiếm hơn 85% diện tích sản xuất.Giống mì KM140 có cây cao vừa phải, ít đổ ngã, sinh trưởng mạnh, thích nghi tốt, ít nhiễm sâu bệnh, cho năng suất cao, hàm lượng tinh bột 27- 28%, thời gian thu hoạch thích hợp 7 – 10 tháng sau trồng, đặc biệt, giống mì KM140 trồng 5–6 tháng đã đạt hàm lượng tinh bột khoảng 25 – 26%, do đó, thích hợp trồng trên đất ruộng, trồng luân canh trên đất lúa 1 vụ để tăng thu nhập cho người nông dân.
Nguồn giống KM140 chủ yếu được thương lái chở từ các tỉnh miền Trung, Thanh Hóa, Gia Lai... về bán cho nông dân, mặt khác, giống trồng tại địa phương cũng được luân chuyển sang trồng ở nơi khác. Khi trồng cây mì vẫn bị nhiễm bệnh khảm lá nhưng mức độ nhiễm nhẹ đến trung bình, thời điểm xuất hiện bệnh chậm hơn so với giống mua tại Tây Ninh. Ngoài ra, hiện nay, người dân địa phương, thương lái đã sáng tạo, tự chọn lọc trên ruộng những dòng/giống mì tốt, ít nhiễm bệnh để tiếp tục đưa vào sản xuất.
Thứ trưởng Hoàng Trung đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, địa phương tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác quản lý giống mì, có giải pháp để chủ động nguồn cung cấp giống sạch bệnh, giống mới phục vụ cho nhu cầu sản xuất của người dân trong thời gian tới.
Tác giả: Bao ve thuc vat
Ý kiến bạn đọc